flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Trần Bạch Đằng - một tư duy sắc sảo, một trí thức cách mạng cả cuộc đời gắn bó với dân

Ngày đăng: 15-07-2021 Lượt xem: 1835

Nhắc đến Trần Bạch Đằng là nhắc đến một nhà lãnh đạo, một nhà nghiên cứu đa tài với kiến thức uyên thâm. Ông là một người cộng sản chân chính, và cũng là một điển hình của kẻ sĩ Nam Bộ thời hiện đại. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Ông (15/7/1926 - 15/7/2021), Cờ đỏ TPHCM xin giới thiệu bài viết này, muốn nhắc đến Ông - một tư duy sắc sảo, một trí thức cách mạng cả cuộc đời gắn bó với dân.

Nhắc đến Trần Bạch Đằng, nhiều người nhớ đến một nhà lãnh đạo, nhiều người lại nhắc đến một nhà nghiên cứu. Một nhà lãnh đạo, bởi Ông đã từng là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, mà cả hai chức vụ lãnh đạo này đều trong một giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất và cũng là giai đoạn hào hùng nhất của cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Một nhà nghiên cứu, bởi Ông là một người đa tài với nhiều đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị, văn hóa, văn học, lịch sử… Ngay trong lĩnh vực văn học, không thể không nói đến tác giả Trần Bạch Đằng với tác phẩm “Ván bài lật ngửa” được dựng thành phim và đã công chiếu rất thành công. Không chỉ tham gia, mà thật sự trong mỗi lĩnh vực đó, Ông vẫn được nhắc đến như là một “nhà”, bởi những bài viết, bài nghiên cứu của Ông không chỉ là những cái nhìn của văn, của thơ, của sử, mà còn là cái nhìn mang tầm cao của sự khái quát, của triết lý từ cuộc sống. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng còn tham gia và để lại dấu ấn rất riêng của mình trong hàng loạt tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt phải kể đến bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” mà Ông là Chủ biên.

Dù là làm lãnh đạo, hay nhà nghiên cứu, ở Ông vẫn thể hiện một tư duy sâu sắc của một trí thức, mà cội nguồn của tư duy ấy, cơ sở và hướng đích của tư duy ấy là vì dân, gắn bó với cuộc sống của nhân dân.

Tư duy Trần Bạch Đằng luôn nhất quán giữa cái cụ thể và sự khái quát, điều này chi phối cách nói, cách viết, cách làm của Ông trong cả cuộc đời. Là người lãnh đạo hay nhà nghiên cứu, Ông luôn sâu sát với cuộc sống của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của dân và quan sát, cố gắng hiểu đúng những gì đang diễn ra của thực tiễn. Không dừng lại ở đó, Ông trăn trở suy tư và luôn nghĩ đến những vấn đề có tính chiến lược, có tính chất lý luận, mang tính phổ quát rút ra từ chính thực tiễn cuộc sống. Có thể nói Trần Bạch Đằng là một trong số những người luôn thực hiện đúng tư tưởng và lối suy nghĩ của Bác Hồ: gắn lý luận với thực tiễn, coi thực tiễn là cơ sở xuất phát để khái quát thành lý luận và bổ sung lý luận, là tiêu chuẩn để xem xét và đánh giá lý luận. Thực tiễn mà Ông luôn coi trọng và sâu sát tìm hiểu ấy chính là cuộc sống của nhân dân, của những người dân bình thường, là cuộc chiến đấu của cả dân tộc, của những người dân, người lính bình thường. Ngay trong khói lửa của chiến tranh, từ những chuyện rất sinh động, rất cụ thể của những ông già, những cậu thanh niên, những người nông dân, công nhân, học sinh vừa sinh sống hết sức bình thường, vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, coi việc đánh giặc cũng như một điều đơn giản cần phải làm, Ông rút ra kết luận: “Chúng ta tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng vì nhiều lẽ, trong đó có chân lý: hầu hết đồng bào ta đều là anh hùng, hơn nữa, những bực đại anh hùng”. Và “Khiêm tốn chính là một đức tính nữa của những người anh hùng”[1].

Là một trí thức, sinh ra trong một gia đình dòng dõi trí thức, nhưng Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, 17 tuổi đã đứng trong hàng ngũ những đảng viên cộng sản. Tự hào về điều đó, Chính Ông đã khẳng định: “… Tôi là người Việt Nam mang tính chất mà tôi sẽ không bao giờ từ chối nó: một Việt cộng! Có sao đâu, phải không?

Sinh ra trong một gia đình có thể gọi là quý tộc ở Việt Nam trong chính thể cổ trước khi người Pháp đến vào giữa thế kỷ XIX, gia đình quý tộc đó nhanh chóng phá sản trước vận mệnh của đất nước tôi. Thay vì theo đuổi ý tưởng bảo vệ triều đình và nhà vua, chúng tôi chuyển sang một không gian chính trị và ý thức rộng hơn: yêu nước và giành độc lập, tự do cho nước. … Trước khi là người Cộng sản, tôi là người yêu nước và hai mặt này mãi mãi dẫn dắt tôi. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì Tổ quốc cùng lý tưởng của tôi, vì chế độ chính trị và xã hội mà đa số người Việt Nam chúng tôi cho là đúng nhất với thời hiện đại, theo sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[2].

Cùng gia đình trôi dạt khắp mọi miền của đất Nam Bộ, cả cuộc đời sống và chiến đấu trên đất Nam Bộ, thấm đẫm chất hào sảng của người dân đất phương Nam, Ông đã để tâm nghiên cứu về kẻ sĩ nói chung, kẻ sĩ Gia Định nói riêng và cho rằng: “Kẻ sĩ Gia Định không là “quân sư” cho những vụ phân liệt - thật ra cũng ít ở Nam Bộ - nhưng lại xếp hàng ngay vào đội ngũ chống xâm lược…. Dòng chảy hối hả, dữ dội của lịch sử ấy tất yếu tạo ra lớp kẻ sĩ năng động. Kẻ sĩ Gia Định và Nam Bộ, nếu có, không theo chuẩn mực của kẻ sĩ theo cách nghĩ của chúng ta. Họ được thời cuộc hóa, hiện đại hóa rất nhiều. Truyền thống yêu nước chủ đạo hành vi của họ”[3]. Ông là người Cộng sản, một nhà lãnh đạo của Đảng, nhưng có lẽ không có gì sai nếu gọi Ông là một kẻ sĩ, một kẻ sĩ thời hiện đại, một kẻ sĩ mà như chính Ông nói, “cách suy nghĩ, lối sống có thể được một bộ phận dân chúng noi theo hoặc ít nhứt cũng được kính nể”[4]. Khí phách của Ông, hành động của Ông truyền cảm hứng cho cả một thế hệ. Có một chuyện như một ví dụ về tính cách của Ông. Năm 1949, khi bị địch bắt giam trên đường ra Việt Bắc, bị chúng kết án tử hình và chúng đưa Ông đi giam ở nhiều nơi. Ở trại giam Chợ Giồng (Gò Công), Ông tổ chức cuộc vượt ngục tập thể cho 42 người. Mọi người ra hết, riêng Trần Bạch Đằng ở lại sau cùng để viết lên tường trại giam dòng chữ: “Người tổ chức phá ngục - Trần Bạch Đằng!” [5]. Cách Ông nghĩ, lối Ông làm, và những gì Ông đã làm, đã cống hiến cho Đảng, cho dân được người đời nể trọng. Chính Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã thốt lên: Mặc dù không được đào tạo bản bản gì cho lắm, nhưng những gì Trần Bạch Đằng làm được không phải ai cũng làm được như vậy!

Yêu nước, yêu dân, muốn tham gia cứu dân, cứu nước mà Ông theo Đảng, trở thành người đảng viên, người lãnh đạo của Đảng. Cũng chính vì vậy, trong Ông luôn đau đáu một nỗi niềm khát khao góp phần làm cho Đảng thật sự là của dân, thật sự là người lãnh đạo nhân dân. Bác Hồ khẳng định: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Chính vì vậy, Đảng luôn được sự tín nhiệm và tôn vinh của nhân dân. Đảng không chỉ có đường lối và phương pháp cách mạng đúng, mà còn vì Đảng có những cán bộ, đảng viên luôn tận tụy hy sinh vì dân, vì nước. Và Đảng ta có sức mạnh cũng chính vì có sự tin cậy, đùm bọc, yêu thương của nhân dân. Ông viết: “Tôi có thể khẳng định điều sau đây: Không một đảng viên cộng sản nào từng lăn lộn với vận nước thuở dân ta còn nô lệ, qua hai cuộc kháng chiến gian nan và qua hơn 20 năm lận đận trong tìm tòi để khai phá một xã hội phù hợp với hoàn cảnh và ước vọng của người Việt Nam trong bối cảnh nhiều diễn biến của thế giới mà không thèm khát vòng tay êm ấm của người dân đã cưu mang tất cả - cưu mang cách mạng, cưu mang sinh mệnh của chính cá nhân người đảng viên”[6]. Ông thèm được người dân gọi bằng thằng, như hồi còn gian nan đánh giặc, thèm được người dân tin tưởng gọi đến cho uống gáo nước mưa lúc khát nước, nói cho nghe những điều dân chưa bằng lòng về mà sửa. Ông cho rằng: “Xưng hô mỗi vùng có khác nhau, “thằng” là nét riêng của bà con Nam Bộ khi tỏ thân tình, không nhứt thiết đâu cũng giống nhau - cái giống nhau ở chỗ dân xem đảng viên như người tin cậy, mến thương như ruột rà, bình đẳng trong cư xử, dám rầy quở những sai phạm.

Lẽ nào mối quan hệ nầy lại “lùi” về “ngày xửa ngày xưa”?”[7].

Cũng chính vì nỗi khát khao ấy mà Ông không nề hà khi phê phán những thói hư, tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà chủ yếu là những đảng viên trong bộ máy chính quyền nhà nước; phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng trong Đảng, trong nhà nước, những thói xấu mà người dân không chấp nhận. Mà những thói hư, tật xấu đó nếu không kiên quyết sửa đổi sẽ dẫn đến Đảng mất lòng tin của nhân dân, tự đánh mất sức mạnh của chính mình! Ông phẫn nộ khi viết: “Vua chúa bỗng nhảy xổ vào chúng ta - những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội. Đành rằng có một số quy định, nghi thức mà phàm một quốc gia phát triển bình thường phải tuân theo, song làm nhạt nhòa mối thâm tình với đồng bào, đồng chí sẽ như cánh cổng sơn son dẫn vào chế độ quan liêu vào cung đình”[8].

Xin nhắc lại điều Ông viết về lãnh tụ, về nỗi khát khao của mình, mà tin rằng cũng là nỗi khát khao của nhiều người chúng ta: “Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và của Đảng ta. Bác chưa một lần “làm vẻ” lãnh tụ với đồng bào và đồng đội của mình.

Nỗi thèm khát nóng bỏng của những người cộng sản là trở lại đời sống đã sản sinh ra đội ngũ - không một “diễn biến” dầu quân sự hay hòa bình nào lò mò đến được chốn thâm nghiêm nầy. Sự gắn bó kia không chỉ vì sát dân, sát thực tế mà còn để từng người cộng sản sát với phẩm chất của mình, để Đảng ta luôn trẻ, luôn khỏe. Trong mọi “về nguồn”, về lại với dân  chủ thuở nước ta còn “hàn vi” trọng đại hơn cả, nhứt là khi Đảng ta đã, đang và sẽ cầm quyền…”[9]./.

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

[1] Ra khỉ ngõ gặp anh hùng, Trần Bạch Đằng tuyển tập, Nxb QDDND, H., 2007, tr.33.

[2] Lời một chiến binh Việt Nam trên đất Mỹ, Sdd, tr..154.

[3] Kẻ sĩ Gia Định, Trần Bạch Đằng tuyển tập, Nxb QDDND, H., 2007, tr. 11.

[4] Kẻ sĩ Gia Định, Sdd, tr. 9.

[5] Xem: Nhà thơ Viễn Phương, Ấn tượng về anh Trần Bạch Đằng, trong sách: Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam Bộ, Nxb KHXH, H., 2019, tr. 19.

[6] Nỗi thèm khát nóng bỏng, Trần Bạch Đằng tuyển tập, Nxb QDDND, H., 2007, tr. 977.

[7] Nỗi thèm khát nóng bỏng, Sdd, tr. 980.

[8] Nỗi thèm khát nóng bỏng, Sdd, tr. 980.

[9] Nỗi thèm khát nóng bỏng, Trần Bạch Đằng tuyển tập, Nxb QDDND, H., 2007, tr. 981.