Ngày đăng: 07-03-2019 Lượt xem: 2674
Báo Quân đội nhân dân ngày 9-3-1979 đã đăng một tin với tiêu đề Ngày 7-3, bọn Trung Quốc xâm lược bắn lén giết hại nhà báo Nhật Bản đang làm nhiệm vụ tại thị xã Lạng Sơn. Nguyên văn bản tin như sau:
“Hồi 15g30 ngày 7-3, hai ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhà báo Nhật Bản Isayo Takano, phóng viên báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản thường trú tại Hà Nội, trong đoàn nhà báo nước ngoài đi thăm Lạng Sơn, đang chụp ảnh tại phố Cửa Đông (khu nam thị xã Lạng Sơn) đã bị bọn lính Trung Quốc phục kích bắn lén vào đầu, hy sinh ngay tại chỗ. Đồng thời, bọn lính Trung Quốc này còn bắn bị thương nặng hai nhân viên công tác của ta cùng đi làm nhiệm vụ.
Những nhà báo nước ngoài và Việt Nam tận mắt thấy rõ tội ác hèn hạ của bọn xâm lược Trung Quốc, đã tỏ ra vô cùng căm phẫn.
Đồng chí Isayo Takano năm nay 36 tuổi, được Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản cử sang công tác ở Việt Nam từ tháng 2-1978.
Việc đồng chí Isayo Takano hy sinh vì những hành động chiến tranh của những người cầm quyền Trung Quốc, đã vạch trần sự thật về việc chúng tuyên bố rút quân nhưng thực tế vẫn tiếp tục đánh phá, gây nhiều tội ác trên lãnh thổ nước Việt Nam”.
Tiếp đó, lễ tang của nhà báo Isayo Takano diễn ra từ ngày 8 đến 13-3-1979; lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại Câu lạc bộ Quốc tế Hà Nội vào ngày 13-3 với sự tham dự của đồng chí Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hóa, Hội Nhà báo Việt Nam…, gia đình nhà báo Takano, đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản, báo Akahata, Thông tấn xã JPS Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam… Tại lễ truy điệu, đại diện phía Việt Nam đã đọc Lệnh của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng truy tặng Isayo Takano Huân chương Hữu nghị và trao huân chương này cho chị Takano Michiko, vợ nhà báo Takano. Phát biểu trong lễ truy điệu, chị Takano Michiko nói: “Gia đình tôi rất lấy làm tự hào về sự cống hiến to lớn của anh ấy cho tình hữu nghị, đoàn kết Nhật Bản – Việt Nam, và ngày nay anh đã làm tròn sứ mạng cao cả của mình… Cũng như những người vợ, những bà mẹ và các gia đình Việt Nam đã có con em bị ngã xuống trong cuộc chiến chống bọn Trung Quốc xâm lược này, chúng tôi nguyện biến đau thương căm thù thành sức mạnh chống đế quốc Mỹ và bọn Trung Quốc xâm lược…”.
Báo Quân đội nhân dân ngày 15-3-1979 có đăng bài viết Tưởng nhớ I.Takano, người đồng nghiệp tận tụy và gan dạ của nhà báo Anh Ngọc. Bài báo có đoạn viết: “Takano yêu mến nhân dân và đất nước Việt Nam. Điều ấy ai đã gặp anh một lần đều nhận thấy. Thái độ niềm nở, tác phong giản dị, sôi nổi của anh cuốn hút mọi người. Anh lẫn vào giữa nhân dân ta như một người Việt Nam bình thường. Anh nói tiếng Việt giỏi đến mức đáng ngạc nhiên. Và vì vậy, anh là một trong số hiếm hoi các phóng viên nước ngoài làm việc với người Việt Nam không cần qua phiên dịch. Chi tiết đó càng làm chúng ta mến yêu và khâm phục anh”. Anh Ngọc kể lại những kỷ niệm khi ông cùng tác nghiệp với nhà báo Isayo Takano ở Campuchia cách đó chưa đầy 2 tháng khi Phnom Penh vừa được giải phóng bằng sự mến phục và xúc động mãnh liệt, về một nhà báo lăn xả với công việc giữa bao nhiêu hiểm nguy nhưng cũng tràn đầy hy vọng về một tương lai xán lạn của một dân tộc vừa được hồi sinh… Ở Lạng Sơn, dù quân Trung Quốc tuyên bố là đã rút nhưng chúng vẫn còn lẩn khuất đâu đó, nhưng Takano vẫn xăm xăm đi về phía trước, nơi đang ùn lên những đám khói pháo đen đặc. Anh hăng hái, nhiệt tình đến độ quên mất mình có thể trở thành mục tiêu của địch khi vẫn đội chiếc mũ tai bèo màu trắng và chỉ gỡ xuống khi có một người lính nhắc anh…
Anh Ngọc dường như đã lặng người đi với sự hy sinh của nhà báo Isayo Takano. Ông viết: “Chúng tôi đã đến tận nơi anh ngã xuống. Bên chiếc xe ô tô vỡ nát đầu máy, lỗ chỗ dấu đạn, mặt đường còn đọng lại nhiều vết máu của anh. Bọn giặc đã giết anh bằng đạn thẳng và nã tiếp cả pháo cối. Một chiếc đuôi đạn cối còn nằm lọt trong xe anh. Chiếc máy ảnh, cuộn phim vừa chụp, những công cụ lao động hiền lành, cao quý của người phóng viên, bị phá nát, vung vãi và dính máu. Bọn xâm lược Trung Quốc phi nghĩa và thất bại, trên đường rút quân, đã khiếp sợ và thâm thù sự thật như thế đó…”[1].
Ngay tại Lạng Sơn, trong ngày 8-3-1979, khi được nghe về sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano, nhà thơ Huy Cận đã viết nên bài thơ Anh là cờ đỏ long lanh, sau đó đăng báo Nhân dân ngày 12-3:
Đồng chí Tanako!
Anh thăm xứ Lạng quân thù giết anh.
Anh là cờ đỏ long lanh
Anh là cộng sản trung thành, nên chi
Đê hèn chúng giết anh khi
Tay cầm máy ảnh còn ghi nắng chiều,
Ghi nghìn tội ác chúng gieo
Đất lành nước Việt. Đạn vèo sau lưng.
Máu anh loang đỏ trên đường
Đất không thấm hết gọi phường Bắc Kinh:
“Tội bay tội đã tày đình
Giết sao được nắng in hình tội bay!”
Mắt anh trên những ảnh này
Cái nhìn tha thiết, dạn dày, xông pha.
Mắt anh bốn biển một nhà
Tôi nhìn tập ảnh, lệ nhòa khóc anh.
Nhà báo Anh Ngọc, cũng là một nhà thơ, đã xúc động viết nên một trong những bài thơ giàu cảm xúc nhất của ông, bài Gửi cháu Emy Takano, ngày 15-3-1979.
Bố đã đi từ Hiroshima đến Lạng Sơn
Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn
Trên mái đầu trai trẻ
Chỉ vài phút nữa thôi, có thể
Bố sẽ không đi đến được tuổi già
Điều ấy có sao đâu
Nhưng khúc sông Kỳ Cùng này thì bố Takano phải đến
Chiếc cầu gãy này thì bố Takano phải đến
Cuộn phim nằm trong máy ảnh đã lên phim
Gương mặt tình yêu đã lọt giữa khuôn hình
Cao cả và thiêng liêng cái phút giây bấm máy .
Khi bố Takano đặt tay vào nút bấm
Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng
Hai tiếng nổ vang lên
Dữ dội và dịu êm
Hai tiếng nổ...
Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên
Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại
Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy
Lẫn vào trong nhịp đập trái tim.
Như chiếc cầu, bố Takano ngã xuống
Và như chiếc cầu, bố lại đứng lên
Nghe trên mình nối những bước chân
Bè bạn đi qua
Đồng đội đi qua
Chiếc cầu Takano bắc ngang dòng nước mắt...
Câu chuyện về nhà báo Isayo Takano cũng đã làm xúc động nhạc sĩ Phó Đức Phương, người đã viết nên ca khúc mà bây giờ ít người biết, Takano - nhân chứng quả cảm.
Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ
Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói
Tấm lòng anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở.
Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý
Dòng máu ấm tình người anh dâng hiến cuộc sống
Vượt không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi
Ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ…
Isayo Takano sinh năm 1943 ở Kobe. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại một xưởng điện lớn ở Tokyo và gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản. Anh vừa là một cán bộ công đoàn, một nhà hoạt động phong trào thanh niên... Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp năm 1971. Ở Takano, tinh thần cộng sản luôn trào dâng với sự dấn thấn và cống hiến mãnh liệt…
Ngay sau khi Takano qua đời, chính quyền ta đã tổ chức tang lễ và chôn cất cẩn thận người phóng viên quả cảm. Cũng năm đó người nhà của Takano đã sang Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để đưa di hài anh về nước. Di cốt anh Takano được chị Michiko, mang về chôn cất ở chân núi Zaou (tỉnh Miyagi) quê hương anh. Nhưng hiện nay để tưởng nhớ tới người phóng viên quả cảm, trong tượng đài liệt sĩ của nghĩa trang Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn vẫn còn phần mộ của anh. Năm nào cũng vậy, vợ con của Takano đều dành khoảng thời gian nhất định sang thăm Việt Nam, thăm Lạng Sơn, nơi chồng, cha của họ đã ngã xuống…
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, một lần nữa chúng ta tri ân nhà báo quả cảm của Nhật Bản đã hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lược của Việt Nam!
Trúc Giang
[1] Một số nhân chứng cho biết, nhà báo Isayo Takano đi trên một chiếc xe U oát thì bị đạn từ bên kia sông Kỳ Cùng bắn sang. Nhà báo bị thương ở đầu và hy sinh ngay tại chỗ.