Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 933
Mới đây ngày 27/9/2017, bản “Phúc trình mới về tình hình tự do tôn giáo - tín ngưỡng tại khu vực các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN” của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc tế - USCIRF đã có những nhận xét sai lệch về tình hình tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam. Họ vẫn giữ cách nhìn kỳ thị, định kiến đối với việc bảo đảm tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều đó thật sự không lấy làm lạ.
Một trang mạng phản động đưa tin về bản phúc trình của USCIRF, ảnh chụp màn hình |
Theo thông cáo của USCIRF thì bản phúc trình mới có tên “Một quyền cho tất cả mọi người: quyền tự do tôn giáo & tín ngưỡng tại ASEAN” đã nêu ra tình trạng về quyền tự do này tại 10 nước thuộc ASEAN. Và cũng chẳng khác là bao so với bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới những năm trước, phần đề cập tới Việt Nam dù có đôi chút điều chỉnh và cập nhật hay tỏ vẻ “khách quan” khi ghi nhận một số tiến bộ về việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, song tựu trung vẫn toát lên sự kỳ thị và xuyên tạc tình hình thực tế về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thực chất, phần về Việt Nam trong bản phúc trình của USCIRF đưa ra những thông tin không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về tình hình thực tế ở Việt Nam. Đây là sự xuyên tạc một cách trắng trợn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam khi vẫn với những nhận định thiếu khách quan và với sự lặp lại những định kiến, áp đặt chủ quan cũ rích, bất chấp những kết quả to lớn đã đạt được về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Cần khẳng định, giống như một số quyền con người khác, tự do tín ngưỡng tôn giáo không phải là một quyền tuyệt đối. Nghĩa là trong khi thực hiện quyền, công dân phải chịu một số hạn chế nhất định bởi các quy định của pháp luật. Việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không được phép vi phạm các quy định của pháp luật và làm tổn hại đến lợi ích công cộng, các quyền, lợi ích cơ bản của người khác. Điều này được khẳng định trong tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (1948): “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng mà trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ; mọi người trong khi hưởng thụ các quyền tự do cá nhân phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm đảm bảo các quyền và tự do của người khác, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức trật tự công cộng và sự phồn vinh chung của một xã hội dân chủ”.
Năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. So với các quy định của pháp luật trước đây, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có nhiều điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền của công dân và của mọi người. Những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam hoàn toàn tương thích với Luật quốc tế về quyền con người. Còn về những cá nhân mà USCIRF đưa ra làm bằng chứng về việc “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo” thực chất là những cá nhân đã và đang lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng tôn giáo vào các hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và bị Nhà nước Việt Nam xử lý. Rõ ràng, những hoạt động như vậy phải bị ngăn chặn, loại trừ ra khỏi đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Từ những điều trên cho chúng ta thấy rằng, luận điệu “Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo” chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện của USCIRF. Rõ ràng, đây là hành động sai lệch cần phải bị lên án và kiên quyết loại bỏ.
Nguồn: Dân lầm than.