flag header

Tin tứcTin tức

Từ Đại hội thi đua yêu nước nhớ về công lao của Bác Tôn

Ngày đăng: 12-09-2020 Lượt xem: 2587

Trải qua 72 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước với chín lần tổ chức Đại hội, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” tạo động lực tinh thần, khí thế cách mạng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, theo sát phong trào thi đua yêu nước chúng ta không thể quên được những đóng góp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Trưởng ban vận động phong trào thi đua yêu nước từ những ngày đầu ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước.

Sau hội nghị Trung ương Đảng mở rộng vào tháng 1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phát động phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện theo đề nghị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công[1]. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc; đồng thời giao cho đồng chí Tôn Đức Thắng là Trưởng ban vận động phong trào thi đua ái quốc, đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm Tổng thư ký.

Thời kỳ đầu, đồng chí Tôn Đức Thắng và Ban Thi đua ái quốc làm việc tại bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 1948 thì chuyển sang Đồng Man, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Trong thời gian này, bên cạnh chức vụ Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng còn kiêm nhiệm các chức vụ như: Phó Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, gian khổ “đói ăn, mặc rách, bom đạn giặc Pháp tơi bời, cơ quan nay đóng nơi này, mai dời đến nơi khác”, làm sao mà thi đua ái quốc được nếu không có ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng nồng cháy của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.

Ngay từ khi được giao trọng trách về vận động thi đua ái quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng rất quan tâm tới việc xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ làm công tác vận động thi đua từ xã lên huyện, tỉnh và khu trong cả nước. Vì vậy, Đồng chí đã viết thư trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cần đào tạo gấp một đội ngũ cán bộ là công tác vận động thi đua. Đồng ý với ý kiến này, tháng 11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi thư cho Bác Tôn: “Về phong trào thi đua ái quốc, tôi rất đồng ý với Cụ là cần phải có cán bộ được huấn luyện hẳn hoi”. Ngoài việc trao đổi qua thư từ, Bác Tôn còn trực tiếp đến gặp Bác Hồ để xây dựng kế hoạch cho việc phát động phong trào thi đua lâu dài hơn. Trong những năm tháng Bác Tôn lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng Bác Tôn, mỗi khi có vấn đề liên quan đến phong trào thi đua, Bác luôn hỏi rằng: “Việc này đã hỏi ý kiến cụ Thoại Sơn[2] chưa?”.

Trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, dẫu đã vào lục tuần, nhưng Bác Tôn vẫn với chiếc xe đạp cũ vượt núi, vượt sông Cầu, sông Thao, đến với công nhân, cán bộ ở các cơ sở, cơ quan kháng chiến; lặn lội tới các bản làng, đồng bào dân tộc để hướng dẫn, kiểm tra và động viên mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Từ ngày 21/1 đến ngày 3/2/1950, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, với cương vị Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng đã báo cáo về đẩy mạnh thi đua, nhằm đúng hướng chính, động viên nhân lực, vật lực, tài lực, chuyển mạnh sang tổng phản công. Trong báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ rõ “quan niệm thi đua chưa được rõ và thống nhất, do đó sinh ra những sai lầm về lãnh đạo và tổ chức”; “Thi đua không nhằm đúng hướng chính nên hao phí nhân lực vật lực, tài lực và thì giờ vào nhiều công việc chưa cần thiết…”. Đồng thời, đồng chí Tôn Đức Thắng cũng khẳng định: “Thi đua là một thuật động viên, một phương thức lãnh đạo để thực hiện những công việc hàng ngày với một mức độ cao hơn trong một thời gian ngắn hơn”, mong muốn tạo ra một nơi thi đua kiểu mẫu và rút kinh nghiệm phong trào thi đua ở đó cho những nơi khác được phổ biến và noi gương.

Đặc biệt, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, ngày 19/12/1950, Bác Tôn với cương vị Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã kêu gọi “ở tiền tuyến, ở hậu phương, ở trong và ngoài nước, già, trẻ, gái, trai, không kể tôn giáo gì, chính kiến gì, đều phải thi đua bằng mọi cách để giết giặc cứu nước, để giải phóng cho dân tộc và góp phần vào sự nghiệp xây dựng hòa bình chung của thế giới”.

Có thể nói, phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất, đã được Chủ tịch Tôn Đức Thắng lãnh đạo, xây dựng tổ chức và phát huy được sức mạnh của toàn dân tham gia kháng chiến, kiến quốc, làm nền tảng không chỉ chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mà còn là nền tảng cho công cuộc thi đua trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước trong thời đại mới. 

Hoàng Hiệp

(Bảo tàng Tôn Đức Thắng)

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

[2] Thoại Sơn là bí danh của Bác Tôn.