flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Thành phố Hồ Chí Minh phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân

Ngày đăng: 19-12-2020 Lượt xem: 3221

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp ngay trong nội dung Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946 “Chúng ta muốn hòa bình… nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa…”, bởi Người hiểu rõ, trước những hành động gây hấn từ một phía của Pháp, kịch bản một cuộc chiến tranh sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh sẽ diễn ra là điều không thể tránh khỏi. Tình thế khẩn cấp ấy đòi hỏi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một chọn lựa lịch sử, phải kịp thời đề ra quyết định mang tính chiến lược, mở đường tiến lên cho dân tộc, ngay lúc nguy nan đó, Người đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước phải đứng lên kháng chiến với ý chí: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!

Cuộc kháng chiến toàn quốc được phát động trong điều kiện tương quan lực lượng đối sánh giữa ta và địch so le khác nào “châu chấu đá voi”, chỗ dựa sức mạnh cơ bản để Người đưa ra quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chính là sự tin tưởng vào khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, được xây dựng tôi luyện qua hàng chục thập kỷ đấu tranh, được củng cố và phát triển trên nền tảng xã hội chính trị của chế độ mới đang được xây dựng sau khi đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự do. Rõ ràng, trong cuộc chiến này, quân dân Việt Nam yếu thế hơn quân đội Pháp rất nhiều về vật chất và vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tuy nhiên, ta đã thắng, bởi đồng bào ta là một khối đại đoàn kết như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

“Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ.

Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước.

Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ Quốc.

Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tượng đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”[1].

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với các hình thức tổ chức thích hợp, lấy khối công nông và lao động trí óc làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng một chế độ mới ưu việt của dân, do dân và vì dân, quyết chiến đấu với ý chí: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là một nhân tố cơ bản, thường xuyên quyết định thắng lợi và là bài học kinh nghiệm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu ấy, bước ra khỏi những cuộc chiến khốc liệt, Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ được vai trò và vị trí của sức mạnh toàn dân, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài, từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và ngày càng thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh,vận dụng sự năng động và sáng tạo đặc trưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giữ gìn và phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - một biểu tượng mẫu mực về sự phát huy sức mạnh toàn dân.

Chỉ nói riêng trên lĩnh vực kinh tế, từ những ngày đầu bước ra khỏi cuộc chiến, Thành phố phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn, nhất là tỷ lệ người thất nghiệp cao, người nghèo khổ lang thang khắp nơi, những phần tử phản động, chống phá còn nhiều… thế nhưng, chỉ trong vòng 2 năm 1975 - 1976, chính quyền cách mạng đã tổ chức cho 30 vạn dân đi các vùng kinh tế mới, đây là chính sách nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, chính sách này nhận được sự ủng hộ đông đảo của nhân dân Thành phố tình nguyện tham gia phong trào xây dựng kinh tế mới, trong đó lực lượng thanh niên xong phong hăng hái đi đầu làm nhiệm vụ mở đường. Đồng thời, Thành phố còn đẩy mạnh khôi phục sản xuất để đáp ứng nhu cầu về lương thực cho nhân dân, hưởng ứng chủ trương đó, nhân dân ở khắp các vùng nông thôn, ngoại thành dấy lên phong trào tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, thâm canh, tăng vụ… Năm 1976, Thành phố đã khai phá được hơn 10.000 ha, đưa diện tích gieo trồng tăng 17.000 ha so với năm 1975, sản lượng lương thực cũng theo đó tăng lên 82%.

Bước sang giai đoạn mới, cùng cả nước tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước năm 1986, mở cửa để hội nhập, Thành phố cũng đã có những vận dụng sáng tạo trong nhận thức về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân bằng việc chuyển quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội. Thành phố tháo gỡ nhanh những rào cản của cơ chế để giải quyết khó khăn với những cách làm ăn mới như: khoán sản phẩm trong công nghiệp, gia tăng lợi ích lao động, phát động phong trào học tập và nhân điển hình tiên tiến trong từng ngành, tăng quyền chủ động cho cơ sở, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, ngành, trên địa bàn Thành phố và toàn khu vực… Năm 1987, Thành phố triển khai các giải pháp về “xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp”, từng bước “chuyển sang hạch toán kinh doanh, thực hiện một giá bán lẻ trong thương nghiệp và bù giá vào lương thực cho các đối tượng chính sách… bước đầu tạo ra hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân cả vật chất lẫn tinh thần.

Từ đó đến nay, bằng nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, đúng thời điểm, dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân, Thành phố vẫn luôn giữ vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Có thể khẳng định, đoàn kết là sức mạnh mang tính quyết định thắng lợi, là động lực chủ yếu bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang còn có những diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thế giới nói chung và cả nước nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, từ du lịch, dệt may, thương mại, xuất khẩu… đến sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị gián đoạn và đứt gãy do phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%); khách quốc tế đến TP giảm 34,2% so với cùng kỳ… Đáng chú ý, đến nay có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể (tăng 37,6% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm 2019. Đứng trước những khó khăn do đại dịch gây ra, hơn bao giờ hết, Đảng bộ và nhân dân Thành phố phải giữ vững tinh thần đoàn kết một lòng, chung sức vì một Thành phố vững mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu: phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.

Ngọc Huyền

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập V, nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.150.