flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Từ Nam bộ kháng chiến đến toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2019)

Ngày đăng: 19-12-2019 Lượt xem: 3851

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử đã mở ra một bước ngoặt lớn cho dân tộc Việt Nam ta, xóa bỏ chế độ quân chủ phong kiến tồn tại hơn một nghìn năm, lật nhào ách thống trị thực dân hơn 80 năm đồng thời giải phóng đất nước trước sự chiếm đóng của phát xít Nhật suốt hơn 5 năm. Đưa Việt Nam từ nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập, xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Ấy thế nhưng, niềm vui niềm vui độc lập mà nhân dân Việt Nam được hưởng thật ngắn ngủi, Pháp vẫn nuôi dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Đêm 22/9/1945, thực dân Pháp gây hấn tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Tổ tự vệ chợ Đồng Xuân mùa đông năm 1946. Ảnh tư liệu

Lúc bấy giờ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là trung tâm của vùng đất Nam bộ, nơi trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù đồng thời cũng là nơi mà ngọn lửa chiến tranh thôi bùng lên tính thần quật cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng và cũng chính là nơi thể hiện những tình cảm thân thương nhất của một dân tộc. Ngày 02/9/1945, cùng lúc với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Xứ ủy và Lâm ủy Hành chánh (LUHC) Nam bộ tổ chức “Lễ Độc lập” tại Sài Gòn. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, điều mà mọi người quan tâm không chỉ là niềm vui chiến thắng, niềm kiêu hãnh là công dân của một nước có tự do, độc lập, mà cần phải tỉnh táo, khôn ngoan và cương quyết đối phó với âm mưu xảo quyệt của kẻ thù khi chúng còn chưa chịu rút toàn bộ tàn quân khỏi nước ta.

Đúng như dự đoán, đêm 22/9/1945, thực dân Pháp đã gây hấn tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Ngay lập tức, Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã tổ chức cuộc họp. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ lúc này là đồng chí Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy đã quyết định ngay lập tức phát động cuộc kháng chiến.

Rạng sáng 23/9/1945, những bản in Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ đã được phát đi khắp Sài Gòn: “Độc lập hay là chết! Tất cả đồng bào già trẻ trai gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì không làm việc, không đi lính cho Pháp; không đưa đường, không báo tin cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; hãy đốt sạch các sở, xe cộ, tàu bè, kho hàng của Pháp... Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng...”. Lời kêu gọi ấy đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân nên nhanh chóng thu hút được đông đảo quân dân ta tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế mạnh mẽ nhất, tạo nên sức mạnh của toàn dân.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quân dân Sài Gòn và Nam bộ đã chủ động chuẩn bị thực lực cách mạng về mọi mặt. Các trận chiến ác liệt đã diễn ra ngay trong lòng thành phố Sài Gòn. Các tuyến đường trong khu nội đô vắng lặng, đa số người dân đều di tản ra ngoại thành. Số khác ở lại thì đóng kín cửa ở trong nhà. Một số khu vực người dân ném đồ đạc ra đường làm chướng ngại vật cản đường tiến của quân Anh, Pháp. Khi kháng chiến nổ ra, các trận chiến chủ yếu ác liệt tại vùng ven, vành đai trung tâm như Thị Nghè, Khánh Hội đã đồng lòng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947. 

Sài Gòn “trong đánh ngoài vây”, bốn mặt trận được hình thành, các chiến sĩ chốt giữ các cầu chính bao vây địch trong nội thành, mặt khác tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của địch rút nhanh chóng rút ra ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Nhân dân Sài Gòn triệt để thực hiện tổng đình công, nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ búa đóng cửa, xe điện ngưng chạy… Vòng vây quân sự cùng với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bất ngờ ngay những ngày đầu kháng chiến. Với tấm lòng yêu nước, được cuộn nhập vào dòng thác cách mạng, đồng bào chiến sĩ Nam bộ đã hy sinh thân mình, với niềm tin vững chắc vào Đảng, họ lao vào cuộc chiến đấu với một quyết tâm cao độ, với mốt ý chí sắt thép “Độc lập hay là chết”.

Có thể nói, đây là cuộc nổi dậy mang tính toàn quân, toàn dân rộng rãi. Dù chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, những người con ưu tú của “Nam bộ thành đồng” đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến, trong đánh ngoài vây” khiến cho cả một lực lượng viễn chinh nhà nghề với tàu chiến, máy bay, xe tăng tạo thành cỗ máy chiến tranh hiện đại bị giam chân hơn một tháng trong một thành phố không điện, không nước, không lương thực, tác động mạnh mẽ đến ý chí xâm lược của kẻ thù và góp phần làm chậm bước tiến của chúng. Nhưng rồi phòng tuyến bị vỡ, tầm vông vạt nhọn sao có thể đối đầu với xe tăng, đại bác. Máu đã đổ để lời thề “Độc lập hay là chết” vang vọng đường phố Sài Gòn và khắp các tỉnh Nam Bộ, thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của đồng bào Nam Bộ và mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Ngày 26/9/1945, đứng trên vị trí chiến đấu của mình, chiến sĩ và đồng bào Nam bộ đã được nghe những lời thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “…Tôi chắc và cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ nền độc lập của nước nhà... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…”[1] , lời Người như hòa cùng tiếng vọng của núi sông, hòa cùng nhịp đập cháy bỏng của những trái tim yêu nước nồng nàn, như là một lời khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và khẳng định kháng chiến nhất định sẽ đi đến thắng lợi. Nam Bộ đang đứng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến và cả nước đang ở phía sau dồn toàn bộ sức lực ủng hộ cho cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ.

Chỉ ít ngày sau khi kháng chiến bùng nổ, những đội quân Nam tiến đầu tiên đã vào đến chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cử Chi đội do Nam Long chỉ huy vào chi viện cho Nam bộ; đồng thời cử Chi đội Hà Vi Tùng vào Nam Trung bộ để yểm trợ. Thanh niên miền Bắc, miền Trung nô nức tòng quân và xin được vào Nam chiến đấu. Những chuyến tàu tốc hành chạy ngày đêm không nghỉ. Những chi đội Nam tiến đầu tiên đã đến kịp thời, sát cánh với đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến đầu tiên của dân tộc. Dòng máu trẻ cứ rần rật chảy trong người, hàng ngàn, hàng vạn con người, những đội hình đội ngũ chỉnh tề, vũ khí trên tay chỉ hết sức đơn sơ mà tinh thần đánh giặc vô cùng hăng hái.

Nhưng rồi trước sự tăng viện mạnh mẽ của thực dân Pháp, các mặt trận liên tục bị vỡ, địch đánh nống ra các tỉnh xung quanh Sài Gòn và dần dần làm chủ hoàn toàn Nam Bộ. Từ lúc này, những cánh rừng cao su miền Đông, rừng đước U Minh, rừng tràm Đồng Tháp Mười trở thành mái nhà chở che cho các chiến sĩ cách mạng.

Và chính trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo đó, đồng bào Nam bộ đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ được tổ chức để toàn thể công dân trực tiếp quyết định vận mệnh của đất nước và tương lai của chính mình. Cuộc Tổng tuyển cử của người dân Nam bộ diễn ra dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, là nơi mà ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta được thể hiện qua từng lá phiếu thấm máu đào, nó tựa như là một lời khẳng định đanh thép ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của đồng bào Nam Bộ. Bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của kẻ thù cuộc Tổng Tuyển cử vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp. Với kết quả là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh Nam bộ bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề… khác nhau.

Xe của giặc bị phá hủy tại trận Giòng Dứa (Mỹ Tho). 

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử tại Nam Bộ biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước, động viên toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến, củng cố chính quyền. Đồng thời, đây là một đòn giáng mạnh vào âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp. Trong Lời hiệu triệu ngày 27/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập:Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang”[2] và cũng trong tháng này, Người tặng cho quân dân Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.

Từ khi cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ bùng nổ cho đến khi toàn quốc kháng chiến, Đảng ta đã phải lãnh đạo nhân dân ta đương đầu với bao nhiêu thử thách Đất nước bị bao vây bốn phía, vận mệnh của dân tộc phải chống với “thù trong” “giặc ngoài”, cả “giặc nội xâm” và “giặc ngoại xâm” có lúc tưởng chừng không thể vượt qua có thể nói rằng: Vận mệnh nước ta như ngàn cân treo sợi tóc. Với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lèo lái con tàu đất nước vượt qua biết bao nhiêu ghềnh thác chông gai vì mục đích cuối cùng, giữ cho được độc lập dân tộc, giữ vững được chính quyền trong hoàn cảnh bị nhiều kẻ thù bao vây và chống phá.

Trong hoàn cảnh phải đối phó với quân Tưởng và thực dân Pháp, không lúc nào Bác ngơi suy nghĩ về cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Trước khi lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Nam Bộ, trong đó nêu rõ: “Đồng bào Nam Bộ đã hi sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, nước có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[3], đó như là một lời khẳng định về sự thống nhất vẹn toàn của Tổ quốc.

Và cuối cùng chính nghĩa và sự hy sinh ấy được ghi nhận bằng những chiến thắng vang dội chấn động năm châu, địa cầu, kết thúc những năm tháng chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Hình ảnh về bóng cờ đỏ sao vàng bay trong gió của cái ngày cướp chính quyền, bóng cờ ám khói trên chiến lũy giữa lòng thành phố Sài Gòn mãi mãi khắc sâu vào trang vàng lịch sử dân tộc. Đồng bào Nam Bộ hiểu rằng cuộc kháng chiến sẽ còn rất gian khổ và lâu dài, nhưng những chiến sĩ cách mạng với ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vẫn vững tin vào một ngày toàn thắng.

Ngọc Huyền

(Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)

 

 

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 29

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 214

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 280