flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Từ vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong: Nghĩ về sức hút của một lãnh tụ, một nhà văn hóa

Ngày đăng: 01-06-2019 Lượt xem: 4883

Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Hongkong bắt ngay tại nhà trọ, 186 phố Tam Lung, với hồ sơ ghi tội danh là “gián điệp của Quốc tế Cộng sản, tay sai của Liên Xô, có âm mưu lật đổ”, theo “đặt hàng” của mật thám Pháp. Cảnh sát Hongkong rất hào hứng, không chỉ được tiếng là “giúp đỡ” người Pháp mà còn món tiền thưởng 15.000 USD nữa. Bọn mật thám Pháp ở Đông Dương hí hửng như bắt được vàng. Chúng vội sang Hongkong để điều đình: nhà cầm quyền Hongkong chỉ cần giao Tống Văn Sơ cho Pháp để chúng đưa về Việt Nam thi hành bản án tử hình năm 1929 hoặc trục xuất khỏi nơi này để mật thám Pháp bí mật bắt đưa về Đông Dương. Xem ra cái kế hoạch của chúng khá hoàn hảo!

          Rất may, Hồ Tùng Mậu đã kịp tiếp xúc với luật sư Francis Henry Loseby (1883 – 1967) , trạng sư danh nổi tiếng nhất Hongkong lúc đó – để nhờ ông này cãi trắng án cho Tống Văn Sơ. Sau khi nghe Hồ Tùng Mậu trình bày và nghiên cứu hồ sơ, với sự nhạy bén của mình, Loseby biết thân chủ của mình là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Việt Nam và mình đang đối mặt với một vụ án đặc biệt và có ý nghĩa lớn lao đối với một dân tộc, nên ông vui vẻ nhận lời và không quan tâm tiền bạc.

Luật sư Loseby sau này kể lại: “Một hôm có một người Việt Nam, hiện nay tôi không nhớ rõ tên là gì nữa đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hongkong mới bắt được một người Việt Nam, và yêu cầu tôi giúp bào chữa cho người Việt Nam đó. Được tin này tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ tức tên Hồ Chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị chính quyền Pháp ở Đông Dương kết án tử hình vắng mặt và có nhận mặt được một sĩ quan Pháp ở Hongkong. Lúc đó tôi mới biết rằng chính nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã nhờ cảnh sát Hongkong bắt Tống Văn Sơ, đồng thời Tống Văn Sơ cũng nói cho tôi biết trường hợp bị bắt của mình, sau đó tôi gặp Hội đồng Luật sư để xem cần phải làm gì để cứu người bị bắt và về chuẩn bị giấy tờ đến gặp chánh án…”. Luật sư Loseby đã dựa vào nhiều điểm có lợi cho Tống, trong đó có tính bất hợp pháp của lệnh bắt được ký vào ngày 12-6 trong khi Tống đã bị bắt ngày 6-6, để đấu tranh đòi lẽ phải cho thân chủ của mình.

          Chính trong thời gian “bị kẹt” tại Hongkong, sức hút của một vị lãnh tụ đã được thể hiện rõ nét. Qua luật sư Loseby, Tống Văn Sơ và cô con gái Patricia. Các thành viên gia đình Loseby điều hành cho Tống sự kính trọng và quan tâm đặc biệt. Bà Loseby thường xuyên đến thăm, mang thực phẩm, quần áo và thuốc men giúp Tống. Một lần, bà đưa người bạn thân của mình là Stalla Benson (1892 – 1933) - phu nhân của Phó Thống đốc Hongkong Thomas Southon - đến thăm Tống. Cả hai bà đều có ấn tượng đặc biệt về người đàn ông An Nam nom không được khỏe nhưng nói tiếng Anh rất giỏi, thông minh, dí dỏm, lạc quan. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, bà Stalla rất khâm phục tài năng, sự dũng cảm và đức độ của người đàn ông họ Tống. Qua bà, Phó Thống đốc Hongkong đã có những tác động có lợi cho ông Tống.

          Dù báo chí đã đứng về phía bị cáo để chống lại những điểm vô lý của tòa án Hongkong[1], dù có những lý lẽ sắc bén và thuyết phục của luật sư J.C.Jenkin, người cộng sự thay mặt luật sư Loseby bào chữa trước tòa cho Tống Văn Sơ, nhưng bọn thực dân đâu dễ gì bỏ qua “miếng mồi ngon”, nên mãi đến phiên tòa thứ 9 (vào ngày 19-9-1931), tòa mới thừa nhận mình sai nhưng vẫn chưa trả tự do cho Tống Văn Sơ (trước sau gì Tống vẫn không thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc). Tống và các luật sư đã kiện lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Một lần nữa, Loseby đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ, trong việc chuẩn bị hồ sơ, vận động giới trí thức tiến bộ, kể cả phải bỏ tiền túi. Đó phải chăng vì sự cảm phục một tấm gương cách mạng lội lạc, vì có tư tưởng tiến bộ của Loseby? Ngoài ra, các luật sư Dennis Nowell Pritt (1887 – 1972) và Stanfford Cripps (1889 – 1952) đã tích cực giúp đỡ Tống. Vì vậy, cuối năm 1932, chính quyền Hongkong được lệnh phải trả tự do cho Tống và cho phép ông được chọn nơi cư trú. Nhưng tiếp sau đó lại là một âm mưu khác của bọn mật thám – chúng vờ thả Tống nhưng sau đó bí mật bắt lại – mà ngay cả Thống đốc Hongkong William Pil cũng không biết[2].

Ngay sau khi hay tin Tống Văn Sơ bị bắt lại, luật sư Loseby đã đến ngay nhà tù để gặp Tống và phản đối việc làm này. Loseby gặp Thống đốc Pil và ông này đã ra lệnh phải trả tự do lập tức cho Tống. Khi ra khỏi tù, nguy hiểm vẫn chưa hết vì mật thám Anh – Pháp vẫn luôn rình rập để bắt cho kỳ được Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc, kẻ mà thực dân Pháp ở Đông Dương gọi là “tên phiến loạn cộng sản An Nam nguy hiểm”. Chính bà Loseby đã có sáng kiến để Tống hóa trang lúc thành một linh mục, lúc thành một thầu khoán và sau đó đến ở tại nhà luật sư Loseby. Tống được gia đình Loseby chăm sóc ân cần và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sau đó rởi khỏi Hongkong an toàn. Từ đây, Nguyễn mới thực sự thoát khỏi nanh vuốt của bọn cảnh sát Hongkong, trở về Liên Xô tiếp tục các hoạt động cách mạng của mình[3].

Sau khi Tống Văn Sơ thoát khỏi Hongkong, luật sư Loseby vẫn chưa cảm thấy yên tâm, ông liền nghĩ ra một “diệu kế” là tung tin Tống Văn Sơ tức lãnh tụ An Nam Nguyễn Ái Quốc đã chết trong bệnh viện ở Hongkong. Báo chí Hongkong bắt được tin đó đã nhanh chóng cho đăng tải ngay. Chỉ mấy hôm sau tờ Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đã đăng tin buồn và Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại trường Đại học Stalin. Trong buổi lễ này, có một số chiến sĩ cách mạng của Việt Nam đang có mặt tại Moskva cũng tới dự và khóc thương. Mấy hôm sau nữa, tờ Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp cũng đăng tin đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mất tại Hongkong và Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cũng làm lễ truy điệu trọng thể người đồng chí đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp[4]

Điểm lại vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong để thêm một lần nữa thấy được sức hút, sức thuyết phục của một vị lãnh tụ, một nhà văn hóa lớn. Điều này đã được nhà thơ người Liên Xô gốc Ba Lan Osif Mandelstam (1891 – 1938) nhận xét từ năm 1923, sau khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc: "... Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa – không phải thứ văn hóa châu Âu, có lẽ đấy là nền văn hóa của tương lai...". Nhận xét cực kỳ tinh tế này không hẳn chỉ dựa vào sự nhạy cảm của một nhà thơ mà còn chính ở sự bộc lộ của Nguyễn Ái Quốc, người luôn khiến người tiếp xúc cảm nhận được sự hấp dẫn lạ kỳ!

TRÚC GIANG

 

[1] Các báo Anh ở Hongkong như tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Buổi sáng Hongkong, Bưu điện Hongkong... đã đăng bài tường thuật các phiên tòa xét xử rất chi tiết, đòi bảo vệ công lý, đòi thi hành đúng pháp luật.

[2] Ngày 28-12-1932, sau phiên tòa thứ 9, Tống Văn Sơ được tự do, song khi đi đến Singapore, Tống lại bị buộc quay trở lại Hongkong và ngày 19-1-1933, ông lại bị bắt giam.

[3] Ngày 22-1-1933, Nguyễn Ái Quốc đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có. Đi cùng với Lung Ting-chang, thư ký của luật sư Loseby, Người đi trên chiếc ca nô công vụ của Thống đốc Pil ra khơi, rồi lên tàu Anhui tới Hạ Môn. Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải, và sau khi nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với Quốc tế Cộng sản rồi trở về Liên Xô an toàn và sinh sống, học tập ở đó từ năm 1934 - 1938…

[4] Có lẽ để “dễ bề ăn nói với cấp trên”, trong tập hồ sơ của Sở Mật thám Đông Dương lập về Nguyễn Ái Quốc, ở trang cuối cùng họ đã ghi: “Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù tại Hongkong”!