Ngày đăng: 25-11-2019 Lượt xem: 2669
Ngày 14-11-2019, phát hiện một số đối tượng đang trộm xe ba gác máy của một hộ dân tại ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) tổ công tác của Công an huyện Cần Đước tổ chức truy bắt. Trong quá trình truy đuổi, trung úy Tống Duy Tân và một trinh sát khác bị bọn trộm ném bột cay làm hai người ngã xe. Anh Tân bị thương nặng và qua đời 2 ngày sau đó tại bệnh viện…
Đây là một trong nhiều trường hợp cán bộ chiến sĩ công an hy sinh hoặc bị thương tật trong khi làm nhiệm vụ. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 35 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 1.000 chiến sĩ bị thương; trong 8 tháng đầu năm 2019, có 8 người hy sinh và 96 người bị thương, 49 chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành nhiệm vụ. Một thống kê khác chưa đầy đủ cũng cho thấy số thương vong không hề nhỏ: từ năm 1986 đến nay có hơn 180 chiến sĩ công an hy sinh, hơn 1.100 trường hợp bị thương nặng và thương tật vĩnh viễn.
Hay một lực lượng vũ trang khác cũng thường xuyên có cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang thực hiện công tác là bộ đội biên phòng. Với đặc thù là công tác ở khu vực biên giới, hải đảo, thường xuyên đối mặt với bọn buôn lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma túy, vượt biên…, lực lượng biên phòng gần như luôn trong tình trạng bị đe dọa về sức khỏe và tính mạng. Tính từ khi Cục Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời (tháng 1-2005), chỉ riêng trong đội ngũ này, đã 6 chiến sĩ hy sinh, 14 chiến sĩ bị thương bị nặng, hàng trăm chiến sĩ khác bị thương nhẹ, bị phơi nhiễm do đối tượng phạm tội chống trả gây ra. Nếu tính cả các đơn vị khác thì con số còn cao hơn nhiều.
Hay trong bộ đội các binh chủng, các đơn vị, dù trong thời bình nhưng số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình tập luyện, công tác và thực hiện các nhiệm vụ khác cũng không hiếm. Chẳng hạn, gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn báy bay làm nhiều cán bộ sĩ quan không quân hy sinh. Hay ở nhiều đảo trong quần đảo Trường Sa, đã có một số chiến sĩ nằm lại khi tuổi đời còn rất trẻ…
Còn rất công tác khác cũng có rủi ro, nguy hiểm. Công nhân vệ sinh vốn rất vất vả, nhọc nhằn nhưng thu nhập thấp, không có được quan tâm và tôn trọng đúng mức với đóng góp thầm lặng của họ, cũng là nhóm người có rủi ro do tai nạn các loại. Hay các bác sĩ, vốn chịu áp lực rất lớn do phải đối mặt với sự sống chết của bệnh nhân, không chỉ gặp nhiều rủi ro do lây nhiễm từ môi trường đầy mầm bệnh mà gần đây còn phải “chịu trận” với các vụ hành hung vô cớ của thân nhân người bệnh. Hay các phóng viên, nhà báo, những người thường được nhìn thấy có “quyền lực” cùng sự nể trọng nhất định của xã hội nhưng có không ít anh chị phải tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm như bão lũ, sạt lở đất, vùng biên giới hẻo lánh…, hoặc phải gặp rủi ro khi thông tin liên quan đến hoạt động của các tội phạm…
Có người sẽ nói, xã hội đã phân công công việc như thế, ai làm các công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm thì do sự chọn lựa của họ, các rủi ro mà họ đối mặt không phải không được biết trước, nên khi có sự cố xảy ra, dẫu có đau xót nhưng âu cũng là chuyện thường tình… Nhận xét đó nghe có vẻ có lý nhưng hình như có phần vô cảm và thiếu trách nhiệm. Đành rằng, làm công việc gì thì do sự chọn lựa của bản thân, nhưng như trong câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” (Một đời người một rừng cây), thì rõ ràng sự chọn lựa đó đã mang một sứ mạng là gánh vác các trọng trách và thực sự đã chứa đựng sự hy sinh.
Điều đáng nói là có một số kẻ ăn không ngồi rồi, thành kiến với chế độ, ảo tưởng với sự vẽ vời của các phần tử chống phá nhà nước ta về một chế độ mới, đã liên tục bới móc các khuyết điểm, các sai lầm của những người thực thi công vụ. Khi 5 ngón tay có ngón vắn ngón dài thì trong các lực lượng, các đội ngũ có hàng ngàn, hàng vạn người, tồn tại vài cá nhân hư hỏng, biến chất, thoái hóa tuy đáng tiếc nhưng cũng không thể tránh khỏi. Thế nhưng, bọn họ lại cố tình thổi phồng, tô vẽ và coi các khuyết điểm mang tính cá biệt đó là bản chất của cả lực lượng, của cả chế độ.
Trong khi đó, sự nỗ lực, vất vả, nhọc nhằn của những người thi hành nhiệm vụ thì lại ít được nhắc tới, ít được biểu dương đúng mực, mà chỉ coi đó đơn giản là trách nhiệm. Chẳng hạn, giữa trời nắng nóng hoặc lúc đương mưa hay buổi ngập nước, các chiến sĩ cảnh sát giao thông lại trần mình điều tiết giao thông, giúp đỡ người đi đường, chẳng đáng ghi nhận, khen ngợi hay sao? Hay trong điều kiện ở vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế vượt suối băng rừng để chữa bệnh cho đồng bào không đáng được biểu dương, khích lệ?...
Chỉ chăm chăm phê phán, chỉ trích thực ra rất dễ, vì bất kỳ người nào, làm việc gì cũng có sai sót, khuyết điểm; người làm việc càng nhiều thì lại có càng nhiều hạn chế. Do đó, trừ những kẻ cố tình phá hoại, vốn không thể nói lý lẽ với họ được, mong sao những người khác đừng nhẹ dạ tin vào sự khuếch đại hay công kích của những kẻ đó mà hãy thật bình tâm suy xét. Rồi có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính vì có những người không chịu nhận việc nhẹ nhàng mà tình nguyện gánh lấy các gian khổ nên xã hội ta mới có sự thanh bình và không ngừng phát triển như ngày nay. Chứ nếu xã hội đầy rẫy những người ngồi lê đôi mách, lánh nặng tìm nhẹ, nói thì hay làm thì dở, lại chỉ rắp tâm phê phán, phá hoại… thì tiền đồ của đất nước này e không thể sáng tươi!
Ngũ Yên