Ngày đăng: 29-09-2018 Lượt xem: 14570
Nguyễn Sơn là vị tướng được phong đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông không những là thiếu tướng của Việt Nam mà còn là thiếu tướng Quân giải phóng Trung Quốc, bởi vậy, ông được xưng tụng là “lưỡng quốc tướng quân”. Ngày 20-01-1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội. Theo Sắc lệnh này, ông Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng. Ông Nguyễn Bình được trao quân hàm Trung tướng. Các ông: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng. Khi được thăng quâm hàm Thiếu tướng, Nguyễn Sơn là Chính ủy kiêm tư lệnh quân khu 4. Trong đợt phong đầu tiên này, khi Nguyễn Sơn có ý chần chừ không muốn nhận quân hàm thiếu tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho ông một tấm thiếp thư.
13 giờ ngày 28-5-1948, Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức trọng thể tại một hội trường mới dựng bên dòng suối ở cánh đồng Nà Lọm, Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, tại buổi Lễ, Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác Hồ tay cầm sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên, bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Tiếp đó, Bác trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sắc lệnh. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban Thường trực thay mặt Quốc hội, đồng chí Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng. Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xúc động phát biểu, vô cùng nhớ tiếc các Anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho vinh dự cao cả đồng thời hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm trọn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc. Sau buổi lễ, nói chuyện thân mật với mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh của những người đã khuất…”.
Khi lễ thụ phong diễn ra trọng thể ở Việt Bắc, Nguyễn Sơn đang ở Liên khu IV nên Chính phủ ủy nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV làm Lễ thụ phong, nhưng Nguyễn Sơn chần chừ, kéo dài thời gian chưa chịu nhận. Khi biết được tin này, Bác Hồ viết một tấm thiếp thư và giao cho đặc phái viên của Chính phủ là ông Phạm Ngọc Thạch đem vào Thanh Hóa trao tận tay Nguyễn Sơn. Bên ngoài tấm thiếp thư ghi dòng chữ: Tặng Sơn đệ. Bên trong là 4 câu: Đảm dục đại,/ Tâm dục tế./Trí dục viên,/Hạnh dục phương!.
Dịch nghĩa: Tặng Nguyễn Sơn. Gan cần lớn,/Tâm cần tinh tế. Trí vẹn toàn,
Hạnh phải thẳng ngay! Đây là một ứng xử rất bao dung, nhân văn của Bác Hồ. Nếu khi ấy, với cương vị Chủ tịch nước, Người có thể kỷ luật Nguyễn Sơn nhưng người đã ứng xử rất tinh tế đầy nhân văn. Hồ Chủ tịch không dùng quyền uy của Chủ tịch nước để nói với người dưới quyền mà là người anh đang nói chuyện với người em.
Ứng xử của Bác Hồ với Tướng Nguyễn Sơn là lấy đại cuộc làm trọng, dùng tình để cảm hóa, thể hiện sự bao dung bởi Bác hiểu rõ cá tính, tính cách, tâm can Nguyễn Sơn. Cách ứng xử này được thực hiện một cách tinh tế và rất cụ thể:
Một là, không lấy tư cách Chủ tịch Nước và người đứng đầu Chính phủ ra mệnh lệnh, phê bình và có thể bắt tội không thi hành phép nước (nếu ở triều vua phong kiến tướng này sẽ không bảo toàn được tính mạng) mà lấy tư cách người anh nói chuyện với người em, gửi cho người em 12 chữ chân tình.
Đã là anh em thì nhẹ nhàng khuyên nhủ, bảo nhau cũng hướng về cái tốt đẹp, đạo lý ở đời, Nguyễn Sơn là người có cá tính cương nên Bác dùng nhu "lạt mềm dễ buộc". Xưa Lão Tử từng nói: "Cái mà thiên hạ cho là rất mềm lại thường thắng được cái rất cứng của thiên hạ" (Thiên hạ chi chi nhu, trù sinh thiên hạ chi phi kiên).
Hai là, Nguyễn Sơn vốn là người trọng văn hóa, yêu thích văn chương nên tấm thiệp "Tặng Sơn đệ", Bác lấy chữ từ thơ của một danh nhân để khen Nguyễn Sơn, khẳng định tài - đức của Nguyễn Sơn nhưng cũng ngầm ý nhắc nhủ đã tốt rồi cần tốt hơn nữa, nhất là cần tinh tế, chín chắn hơn, cần phải tự mình sửa mình để hoàn thiện mình.
Ba là, việc cử đặc phái viên của Chính phủ vào Liên khu IV chủ trì lễ thụ phong là Bác hiểu tường tận căn nguyên. Không để người cùng cấp chủ trì lễ thụ phong, vừa giữ được thể diện vừa ưu ái không làm mất lòng tự trọng của Nguyễn Sơn, "buộc" Nguyễn Sơn không thể không chấp nhận. Phép nước không bị tổn hại. Sắc lệnh được thi hành.
Bốn là, ở đời xử sự với nhau cần đại lượng khoan hòa. Cách hành xử của Bác với Nguyễn Sơn ngầm ý như thế khi Bác dùng chữ tế thay cho chữ tiểu và tế đi với đại thì đại có nghĩa là đại lượng, bao dung.
Sau khi nhận được tấm thiếp thư này, Nguyễn Sơn đã vui vẻ nhận tổ chức là làm lễ phong quân hàm thiếu tướng cho ông.
Tấm thiếp thư mà Bác Hồ gửi ông đã trở thành câu chuyện gây cảm hứng cho nhiều thế hệ, thể hiện tính nhân văn, tấm lòng nhân ái, bao dung của Bác Hồ.
Vũ Trung Kiên (sưu tầm và biên soạn)