flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Tuyên ngôn Độc lập - Bản hùng ca của dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 04-09-2021 Lượt xem: 6177

Những ngày này, cả đất nước cùng Thành phố Hồ Chí Minh đang căng mình chống dịch. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thể hiện khí phách của một dân tộc quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách bằng bản lĩnh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trong những ngày khó khăn, gian khổ, cùng nhau suy ngẫm về lời thề Độc lập của dân tộc ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để thêm tin rằng chúng ta nhất định sẽ vượt qua thử thách, đưa đất nước tiếp tục phát triển, vững vàng với tương lai tươi sáng.

*

*    *

         Ngay sau khi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước quốc dân đồng bào và cả thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, bản Tuyên ngôn của Nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Khắp các địa phương trong cả nước, đồng bào đã tập trung đông đảo, chăm chú lắng nghe, vỡ òa xúc động với nội dung bản Tuyên ngôn qua giọng nói Bác Hồ. Rồi ngay sau đó, cả nước đã thực hiện lời thề độc lập, cùng nhau đồng lòng đưa ý chí, quyết tâm của cả dân tộc trong Tuyên ngôn trở thành hiện thực trên toàn đất nước Việt Nam.

          Sau hơn 30 năm kể từ ngày rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, sau hơn 15 năm cùng Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh để đến hôm nay ước mong của Người cùng cả dân tộc đã thành hiện thực: Nước được độc lập. Người đã dồn hết tâm trí, với kiến thức uyên thâm về truyền thống, văn hóa dân tộc và những gì tinh tuý của văn hóa thế giới mà Người đã tích lũy được trên con đường cứu nước, thay mặt cho toàn thể dân tộc Việt Nam để viết nên bản Tuyên ngôn Độc lập. Đó thật sự là một bản hùng ca, ngắn gọn nhưng chứa đựng một tinh thần vĩ đại về tự do độc lập, được trình bày hết sức khúc triết mà lắng đọng, thuyết phục.

          1. Mở đầu Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn “những lẽ phải không ai chối cãi được”[1] từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, rằng “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; rằng “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

            Đó là những căn cứ hết sức thuyết phục, nhất là khi chúng ta vừa giành chính quyền từ chính các thế lực đế quốc, thực dân, trong đó có thực dân Pháp, kẻ tự cho mình cái quyền đi “khai hóa văn minh” cho dân tộc Việt Nam. Đó là những dẫn chứng để khẳng định việc dân ta giành độc lập là hợp lẽ phải, không ai có thể bác bỏ!

           2. Hồ Chí Minh đã dẫn ra sự thật lịch sử là “hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”[2]. Người vạch rõ những chính sách tàn bạo của Pháp về chính trị, kinh tế, xã hội. Khi Nhật xâm lược Đông Dương, chính “bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Bằng những dẫn chứng lịch sử, Hồ Chí Minh đã khẳng định thực dân Pháp chẳng những không bảo hộ được Việt nam, “trái lại, trong 5 năm, chúng đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật”[3]. Nêu lên những điều đó, Người đi đến khẳng định rằng: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp”[4].

          Với những lý lẽ đó, Người tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”[5].

          3. Không những khẳng định “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh kêu gọi thế giới công nhận độc lập của Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của Việt Nam”. Quyền độc lập dân tộc ấy phải được công nhận là chính đáng, bởi vì: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[6]

          4. Toàn bộ tinh thần và nội dung của bản Tuyên ngôn được Hồ Chí Minh cô đúc ngắn gọn mà đanh thép: “Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

         “Nước việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy””[7].

           Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã đi vào lịch sử bởi đã khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc cách mạng của nhân dân Việt nam, tuyên bố về sự ra đời của một nước Việt Nam mới một cách chính danh mà còn chứa đựng trong đó sự dự báo những khó khăn lâu dài của công cuộc giữ nước cũng như nói lên ý chí và quyết tâm giữ nước của mỗi người dân, của toàn thể dân tộc Việt Nam.

            Sáng 2/9/1945, khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng triệu đồng bào ở Hà Nội và cả nước, trước cả thế giới, tuyên bố của Người là ý chí và quyết tâm của cả dân tộc. Cả biển người Việt Nam đã cùng hô vang khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và lời thề Độc lập!

            Tại Sài Gòn, hơn một triệu người dân thành phố cùng nhiều tỉnh với cờ đỏ sao vàng đã đội ngũ chỉnh tề trong cuộc mít tinh mừng Ngày Độc lập, để nghe Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Rất tiếc do thời tiết xấu cùng với trình độ máy móc kỹ thuật lúc đó nên những lời tuyên bố lịch sử của Hồ Chủ tịch không trực tiếp đến ngày đượcvới đồng bào Nam Bộ và Sài Gòn. “Nhiều đồng chí trong Xứ ủy và thành viên của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ đã có sáng kiến đề nghị đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ đứng ra phát biểu ý kiến”[8].

         Đồng chí Trần Văn Giàu nói lên niềm tự hào, niềm vui của người dân trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, sẵn sàng đón quân Đồng minh nhưng cũng “hết sức nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của thực dân đế quốc trở lại xâm lược nước ta một lần nữa”[9].

            Sau Lời tuyên thệ của đại diện Lâm ủy hành chánh Nam Bộ và Lời thề của đại diện Tổng Công đoàn Nam Bộ, “Cả triệu người đồng thanh hô to như sấm dậy “Xin thề! Xin thề!” và lần lượt đi biểu dương lực lượng trên các đường phố dưới các băng biểu ngữ với các khẩu hiệu “Độc lập hay là chết!”; “Việt Nam dân chủ muôn năm!”; “Đả đảo thực dân Pháp!””[10]

           Tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập đã thực sự thấm sâu vào tâm khảm của cả dân tộc, trở thành sức mạnh của cả dân tộc. Thực hiện Lời thề Độc lập của Tuyên ngôn, ngay sau đó Sài Gòn và cả Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược Pháp khi chúng quay lại hòng xâm lược nước ta một lần nữa.

            Thực hiện Lời thề Độc lập, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã đi trước về sau trong hai cuộc kháng chiến, đem lại hòa bình, thống nhất nước nhà, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn Độc lập đã và vẫn mãi mãi là bản hùng ca của cả dân tộc, vẫn đang ngân vang cổ vũ chúng ta trong cuộc chiến chống dịch hôm nay vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hùng cường!

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

[1] Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H., 2011, tr.1

[2] Như trên, sđd, tr.1

[3] Như trên, sđd, tr. 2

[4] Như trên, sđd, tr. 3

[5] Hồ Chí Minh, sđd, tr. 3

[6] Hồ Chí Minh, sđd, tr. 3

[7] Hồ Chí Minh, sđd, tr. 3

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 320

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 320

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 321