flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

ỦY BAN QUÂN QUẢN THÀNH PHỐ SÀI GÒN - GIA ĐỊNH: DẤU ẤN VÀ VAI TRÒ LỊCH SỬ

Ngày đăng: 01-05-2020 Lượt xem: 7762

 Trưa ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thành phố Sài Gòn - Gia Định được giải phóng. Để đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng và trấn áp các thế lực phản động, thù địch sau giải phóng, chúng ta đã thực hiện chế độ quân quản ở Thành phố.

Ngày 7/5/1975, Ủy ban quân quản chính thức ra mắt nhân dân Thành phố trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào. Đó là một sự kiện hết sức ý nghĩa, để lại những dấu ấn khá đặc biệt trong lịch sử Thành phố.

Thông báo thành lập Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định

Ủy ban quân quản là tổ chức đặc biệt, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Ngay từ khi chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tế kết quả tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam và trực tiếp là dự kiến những vấn đề đặt ra ở Sài Gòn - Gia Định sau giải phóng, Trung ương Cục miền Nam đã ra Chỉ thị 06 thành lập Ủy ban quân quản. Ngày 3/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch, các đồng chí Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất đầu tiên của nhân dân thành phố sau ngày 30/4/1975.

Chấp hành Chỉ thị 06, để chuẩn bị tiếp quản, Đảng ủy đặc biệt Ủy ban quân quản cũng được thành lập với 11 ủy viên, do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Trà làm Phó Bí thư. Trực thuộc Đảng ủy đặc biệt có các Đảng ủy các khối như quân sự, an ninh nội chính, kinh tế kế hoạch, tuyên văn giáo, chính trị binh vận, y tế xã hội, ngoại vụ, Văn phòng Ủy ban quân quản. Số lượng cán bộ vào tiếp quản Sài Gòn - Gia Định là 2.820 người.

 Ủy ban quân quản ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh thật đặc biệt, trước vô vàn khó khăn, phức tạp do hậu quả nặng nề của chiến tranh và của chủ nghĩa thực dân mới để lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra và ta giành thắng lợi nhanh chóng. Ở Sài Gòn - Gia Định, toàn bộ chính quyền và quân đội ngụy đầu hàng và tan rã tại chỗ với khoảng 300.000 tàn quân (chưa kể cảnh sát, tình báo, tề) mới tan rã về tổ chức, nhưng tướng tá chỉ huy còn đó và súng đạn chưa thu hồi hết. Ngoài ra, các thế lực phản cách mạng còn chưa bị quét sạch, giai cấp tư sản mại bản và phần còn lại của giai cấp địa chủ phản động chưa bị xóa bỏ. Chế độ cũ để lại cho thành phố một nền kinh tế thực dân mới phá sản sau một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài tiền mất giá, nông nghiệp bị tàn phá, công nghiệp bị đình đốn vì lệ thuộc, thiếu nhiên và nguyên liệu. Thành phố xuất hiện nguy cơ xảy ra nạn đói.

Nhân dân Sài Gòn – Gia Định míttinh chào mừng Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định

Về xã hội, thành phố sau ngày giải phóng có khoảng 70 vạn người không có công ăn việc làm và 70 vạn có việc làm bấp bênh là nguồn gốc và nguyên nhân phát sinh tội phạm. Bọn tội phạm hình sự trong các nhà tù thoát ra khoảng 5.000 tên cướp, 10.000 tên du đãng, 18.000 buôn lậu, 5.000 cờ bạc, 16.000 gái mại dâm, 6.000 xì ke ma túy, tổng cộng có đến 60.0000 tên.  Theo tài liệu của địch để lại 1973, toàn thành phố có 100.000 gái điếm, 150.000 tên xì ke ma túy, 200.000 cô nhi bụi đời, 230.000 quả phụ, 270.000 thương phế binh ngụy… Bên cạnh đó một nền văn hóa lai căng thực dụng, đồi trụy kiểu Mỹ còn tồn tại rất nặng nề trong đời sống xã hội thành phố.

Đó là những khó khăn đặt ra cho chính quyền cách mạng mà Ủy ban quân quản phải giải quyết ngay trong những ngày đầu.

Ủy ban quân quản đã thực hiện sứ mệnh đặc biệt trong hoàn cảnh đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chưa có thời gian chuẩn bị, chưa có thực tiễn và kinh nghiệm gì trong nhiệm vụ quân quản giải quyết các vấn đề xã hội ở một thành phố vốn là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục, nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban quân quản tập trung vào các nội dung sau đây:

+ Nhanh chóng tiếp quản các cơ  sở quân sự, hành chánh, kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế xã hội, khoa học kĩ thuật của ngụy quân, ngụy quyền;

+ Đồng thời tiếp tục đánh địch, truy lùng tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, thiết lập trật tự trị an của thành phố;

+ Ổn định đời sống quần chúng, cứu tế đồng bào thiếu đói, đưa dần một bộ phận quần chúng bị địch di tản và gom tát từ trước hồi cư, từng bước khôi phục những cơ sở bảo đảm cuộc sống của nhân dân và sắp xếp công ăn việc làm cho quần chúng;

+ Xây dựng lực lượng ta về các mặt, chủ yếu xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh;

+ Chuẩn bị những điều kiện chuyển sang chính quyền cách mạng. 

Ngay trong chiều 30/4, ngày 1/5/1975, các đơn vị các khối thuộc Ủy ban quân quản và Thành ủy đã có mặt tại Sài Gòn - Gia Định. Trong đêm 30/4 và ngày 1/5/1975 các khối lực lượng vũ trang tại chỗ, Thành ủy, toàn bộ lực lượng vũ trang đã triển khai rồi chiếm lĩnh các mục tiêu đã được phân công trước theo kế hoạch và quản lý các mục tiêu đó, nhanh chóng tiếp quản gần như nguyên vẹn tất cả các cơ sở quân sự, kinh tế, hành chính, thông tin văn hóa và khoa học kỹ thuật của địch. Đó là thành công bước đầu của Ủy ban quân quản.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trong điều kiện hết sức khó khăn, Ủy ban quân quản đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Hội nghị Thành ủy lần thứ nhất sau ngày giải phóng (tháng 6/1975) và tiếp theo là Hội nghị bất thường (tháng 8/1975) đã nhận định: “… cùng một lúc chúng ta đã tiến hành hàng loạt các công việc phức tạp và khó khăn: phát động quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng, trấn áp truy quét bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh, giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống nhân dân…”. Trong hàng loạt vấn đề được Thành ủy đặt ra, vấn đề trọng tâm vẫn là truy quét tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, ổn định an ninh trật tự.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Ủy ban quân quản đã tổ chức các chiến dịch lớn:

Đăng ký trình diện cho ngụy quân, ngụy quyền, bọn đảng phái phản động cũ, tập trung cải tạo giáo dục chúng. Ủy ban quân quản đã huy động công an đã cùng với lực lượng quân sự, binh vận tổ chức đăng ký trình diện và giáo dục cải tạo cho các loại trên. Tổng số đã đăng ký trình diện là: 443.360 tên (trong đó có 28 tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 cấp úy, 35.564 cảnh sát, 1.932 tình báo các loại, 1.469 ngụy quyền cao cấp, 9.306 đảng phái phản động). Tiếp đó ta đã tổ chức học tập cải tạo tập trung cho số sĩ quan từ cấp úy trở lên, số ngụy quyền cấp tương đương, bọn tình báo, cảnh sát đặc biệt, đảng phái phản động và tổ chức học tập tại chỗ cho 424.470 tên các loại lớp dưới; hàng trăm tên lẫn trốn đã bị truy quét hoặc tự ý ra trình diện đã được học tập cải tạo. Qua học tập cải tạo, số đông đã nhận tội lỗi, thấy được chính sách khoan hồng và chính nghĩa của cách mạng, thấy được họ phải cải tạo tốt để trở thành người công dân lương thiện. Đầu tháng 4/1976 ta phục hồi quyền công dân cho trên 300.000 ngụy quân, ngụy quyền chiếm tỉ lệ từ 94 đến 96% tổng số ngụy quân ngụy quyền còn lại trong thành phố.

Cùng với việc tổ chức đăng ký trình diện và học tập cải tạo cho ngụy quân, ngụy quyền, Ủy ban quân quản đã tiến hành truy quét bọn tàn binh, trấn áp bọn phản cách mạng. Chỉ trong vòng 6 tháng từ tháng 5/1975 đến tháng 11/1975 lực lượng vũ trang và an ninh thành phố đã truy quét và bắt được 4.162 tên các loại (trong đó có một tướng, 281 sĩ quan cấp tá, 682 cấp úy, 666 hạ sĩ quan, 1.332 binh sĩ, 107 ngụy quyền, 82 tình báo, 44 tên Đảng phái phản động, 244 tên công an cảnh sát, 86 tên ác ôn địa phương, 79 tên chiêu hồi bình định, 5 tên sĩ quan biệt phái, 573 tên là các phần tử phản động khác. Ngoài việc truy quét, ta còn trừng trị bọn phá hoại hiện hành, phá rối mang tính chất quân sự là 347 vụ, bắt được 422 tên, thu 796 súng các loại, triệt phá 1017 gây phá rối có tính chất chính trị bắt 362 tên.

Ngoài việc ráo riết truy quét địch trong thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố đã cử trung đoàn Gia Định phối hợp với các địa phương truy quét bọn thổ phỉ Phun-Rô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Việc truy quét tàn quân địch, trấn áp bọn phản cách mạng, tổ chức đăng ký trình diện và học tập cải tạo cho ngụy quân, ngụy quyền, Ủy ban quân quản đã từng bước và căn bản ổn định được trật tự trị an, bảo đảm các hoạt động bình thường của thành phố, kể cả những ngày lễ lớn, đón tiếp khách Trung ương và quốc tế, chính sách học tập cải tạo của ta có phân biệt xử lý đã có ảnh hưởng tốt, được đông đảo quần chúng hoan nghênh, binh lính sĩ quan và hầu hết gia đình binh sĩ đồng tình hưởng ứng.

Tháng 9/1975, ta mở chiến dịch về giữ gìn trật tự trị an. Trong chiến dịch này lực lượng công an, quân sự đã phối hợp thực hiện đưa công tác trật tự an ninh thành phố tiến lên một bước mới trên các mặt trận; trật tự giao thông, đường phố, bước đầu làm giảm bớt các tệ nạn xã hội.

Đối với bọn tội phạm hình sự ta mở từng đợt đánh mạnh và kiên quyết trừng trị bọn chuyên gây án. Chỉ trong 10 ngày thực hiện chiến dịch ta đã bắt được 614 tên. Dựa vào quần chúng kết hợp với các mặt công tác nghiệp vụ, công an thành phố và các quận đã điều tra kết luận, khám phá 3.854/6.856 vụ trộm cướp, cướp giật xảy ra đạt tỉ lệ 56,2% (trong đó có 134 vụ cướp có vũ trang) bắt 1.220 tên thu 230 súng các loại.

Sau chiến dịch tình hình trộm cướp đã giảm xuống rõ rệt. Đây là một thắng lợi lớn. Ta đã đánh trúng bọn đầu sỏ nên đến tháng 1/1976 các vụ phạm pháp giảm 28%, tình hình thành phố từng bước đã được ổn định về căn bản tạo ra những điều kiện rất thuận lợi cho phép ta chuyển sang một giai đoạn mới tập trung nhiều hơn cho công tác xây dựng sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân.

Ủy ban quân quản còn tổ chức công tác tiến công tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp, tạo điều kiện để phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp.

Lễ bàn giao giữa Ủy ban Quân quản và Ủy ban nhân dân Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh

Sự ra quân kịp thời của các lực lượng vũ trang và an ninh đã thể hiện tính chuyên nghiệp, thái độ chính trực, cương quyết của chính quyền cách mạng đối với  các loại đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội, bước đầu tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ mới.

Ủy ban quân quản đã dựa vào quần chúng, phát động nhiều phong trào hành động cách mạng, tập trung sức trước hết nhằm ổn định tình hình chính trị, coi đó là cái gốc tạo nên sức mạnh giải quyết những khó khăn to lớn của Thành phố lúc đó.

Đầu năm 1976, tình hình các mặt của thành phố tương đối ổn định, Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định đã làm lễ bàn giao nhiệm vụ lại cho Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố. Ngày 24/1/1976 Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch đã chính thức ra mắt nhân dân Thành phố tại Nhà hát lớn.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian 8 tháng, Ủy ban quân quản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành phố vừa giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban nhân dân thành phố chính thức hoạt động.

Có thể nói, là tổ chức kiểu quân sự nhưng Ủy ban quân quản đã thực hiện quyền lực của nhân dân với phương thức đặc biệt, với lực lượng và sức mạnh không chỉ riêng lực lượng vũ trang, không chỉ với phương thức đấu tranh quân sự mà kết hợp cả chính trị, quân sự, được toàn dân ủng hộ và trực tiếp tham gia. Đây cũng là một điểm đặc biệt của Ủy ban quân quản. Đó là kết quả to lớn của một chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng trong công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng ở Thành phố./.  

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam