flag header

Tin tứcTin tức

Vài điều lắng đọng sau kỳ thi THPT quốc gia

Ngày đăng: 07-07-2019 Lượt xem: 1856

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc được cho là “nghiêm túc, nhẹ nhàng”. Dĩ nhiên, đánh giá kỳ thi này thành công hay không hoặc thành công đến mức độ nào thì còn đợi nhiều yếu tố khác, trong đó có việc chấm thi, đánh giá kết quả và các vấn đề khác nữa. Nhưng bước đầu, như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với những điểm mới được Bộ quy định nhằm siết chặt kỷ cương; kỳ thi năm nay đã tăng cường việc kiểm soát trên diện rộng với nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra lưu động; các điểm thi đã thực hiện tốt quy chế, đặc biệt là những điểm mới lần đầu tiên quy định ở khâu coi thi như việc giám thị bốc thăm nhận phòng thi đầu các buổi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi, bảo mật chặt chẽ hơn trong các khâu niêm phong, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi…

Nhiều người cũng nhắc đến những câu chuyện cảm động của các lực lượng xã hội, các nhà trường, sinh viên tình nguyện đã giúp đỡ thí sinh, như câu chuyện cán bộ công an, sinh viên tình nguyện đến tận nhà đón thí sinh đến điểm thi hay thí sinh được tạo điều kiện bằng cách gửi đề trên giấy khổ A3... Hay hình ảnh phụ huynh đội mưa đưa đón con cùng những cái ôm thắm thiết của cha mẹ, người thân dành cho thí sinh đã làm rung động nhiều người. Kể cả các câu chuyện về những thí sinh lớn tuổi (có trường hợp trên 60 tuổi) được thông tin trên báo chí cũng làm nhiều bạn đọc ngưỡng mộ…

Hay với đề các môn thi, dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng cơ bản nhiều người cho là đề khá tốt. Chẳng hạn, đề Ngữ văn được cho là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đòi hỏi thí sinh có kiến thức khá rộng, có độ cảm thụ các tác phẩm văn học tốt; đề môn Địa lý khuyến khích học sinh sử dụng atlas và thực sự có tác động tích cực đến việc thúc đẩy giáo viên quan tâm đúng mức việc dạy cho học sinh “đọc được” các atlas; đề môn Lịch sử ít buộc phải nhớ sự kiện hoặc số liệu, ít đánh đố, thí sinh không chỉ cần kiến thức rộng mà còn phải biết vận dụng; đề môn Giáo dục công dân có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống vì xoay quanh mối quan hệ công dân với nhà nước, pháp luật, có nhiều câu hỏi lồng ghép tình huống thực tiễn, dù không có các câu hỏi mang tính thời sự như đề thi năm 2018; đề môn Tiếng Anh được cho là vừa phải, tuy không nhắc đến những câu chuyện thực tế nổi bật nhưng cũng nêu ra vài chi tiết mang tính thời sự, như rác thải điện tử, sự lên ngôi của smartphone…

Dĩ nhiên, một kỳ thi quan trọng và được tổ chức trên diện rộng khó tránh được một số sự cố nhỏ như phát nhầm đề thi, in sao sai mã đề thi khiến thí sinh phải làm bài muộn… nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến kết quả làm bài của thí sinh.

Có thể nói, kỳ thi THPT quốc gia để lại nhiều điều lắng đọng. Trước hết, cho đến thời điểm kết thúc việc làm bài của thí sinh, có thể nói, công tác chuẩn bị và tổ chức cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trong việc tạo một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, tiết kiệm. Sự cố của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là hết sức nghiêm trọng, đã đặt ra nhiều thách thức cho toàn ngành giáo dục trong việc chấn chỉnh kỳ thi năm nay, nên từ sớm đã có sự nghiên cứu, phối hợp tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học.

Bên cạnh đó, các đề thi cơ bản đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu, đủ cơ sở để thí sinh tốt nghiệp đồng thời có sự phân hóa nhất định để thực hiện việc xét tuyển vào các trường đại học. Như vậy, tính chất “2 trong 1” của kỳ thi nào tiếp tục được phát huy như các năm trước.

Hay các công việc mang tính hỗ trợ, “bên lề” của kỳ thi cũng được sự quan tâm của xã hội. Chẳng hạn, việc tổ chức phân luồng giao thông ở các nơi được thực hiện rất tốt, không xảy ra sự cố giao thông đáng tiếc; lực lượng sinh viên tình nguyên tiếp tục thể hiện vai trò hỗ trợ rất tích cực và kịp thời cho cả thí sinh lẫn phụ huynh; nhiều tổ chức, cá nhân có nhiều cách thức giúp đỡ cho thí sinh và thân nhân cả về vật chất lẫn tinh thần…

Bước đầu đánh giá những kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 không chỉ có ý nghĩa thuần túy ở một hoạt động của ngành giáo dục mà còn có thể hiện một sự nỗ lực cao độ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương trong việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia thực sự an toàn, nghiêm túc, góp phần lấy lại niềm tin của toàn xã hội đối với kỳ thi này nói riêng và với ngành giáo dục nói chung. Trên thực tế, trong thời gian qua, trước một số tồn tại, khuyết điểm của ngành giáo dục, những kẻ cơ hội, những nhà “dân chủ” đã dùng nhiều lời lẽ phê phán nặng nề nhưng cũng rất phiến diện đối với ngành giáo dục cũng như các vị lãnh đạo ngành. Họ ngụy biện bằng phương thức biến điểm thành diện rồi quy hiện tượng thành bản chất, coi các khuyết điểm, hạn chế đó thành bản chất của nền giáo dục nước nhà, là bản chất của chế độ (!), trong khi những kết quả đạt được của ngành cũng rất lớn nhưng lại bị phủ nhận hoặc bị lờ đi. Cũng có những người không rõ vì không biết hay cố ý không biết đã xuyên tạc một số kết quả của ngành, như cách đánh vần tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục hay thành tích của học sinh Việt Nam ở các kỳ thi Olympic quốc tế…

Dĩ nhiên, toàn xã hội đòi hỏi ngành giáo dục tiếp tục có những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tích cực hơn nữa, bám sát thực tiễn hơn nữa. Nhưng khi đã xem công tác giáo dục phục vụ cho tất cả mọi người thì mỗi người nên cùng tham gia góp sức, ở vai trò là người học, là phụ huynh học sinh, là giáo viên, là những người có thể tham gia ở góc độ riêng của mình, chứ đó không chỉ là việc riêng của ngành giáo dục. Ai đó nhận thấy tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành thì trong điều kiện của mình nên mạnh dạn đề xuất, hiến kế các giải pháp, chứ đừng nên làm “anh hùng bàn phím” với rổn rảng chữ nghĩa hay các phê phán nặng lời!

NGŨ YÊN