flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Vai trò của báo chí cách mạng trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931

Ngày đăng: 11-09-2020 Lượt xem: 2114

Đã từ rất lâu, những người cách mạng Việt Nam thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của V.I.Lênin về vai trò của báo chí cách mạng - báo chí không chỉ để tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là tổ chức tập hợp những người có khả năng chỉ đạo đấu tranh ở cấp cơ sở. Trong Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản ngày 27/10/1929 về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương có nêu rằng, Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương phải lập tức xuất bản báo chí của mình để tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng của mình và Quốc tế Cộng sản.

Khí thế ngất trời của Xô viết Nghệ - Tĩnh những năm 30 thế kỷ XX vẫn luôn bừng cháy trong mỗi người dân yêu nước Việt Nam

Theo Chỉ thị trên, từ cuối năm 1930 tỉnh Nghệ Tĩnh nhanh chóng cho ra đời nhiều tờ báo với tốc độ phát triển nhanh và mạnh, cùng với các tỉnh thành khác nơi đây trở thành một trong những trung tâm báo chí cách mạng của cả nước. Theo những số liệu thống kê chưa đầy đủ thì riêng các cơ quan lưu trữ của tỉnh Nghệ Tĩnh hiện còn lưu giữ khoảng 34 tờ báo bí mật của Đảng bộ các địa phương và 7 tờ báo khác của Trung ương được in ở Nghệ Tĩnh trong khoảng thời gian 1929-1945, trong đó, số báo được phát hành vào giai đoạn 1929-1932 chiếm phần lớn.

Báo chí, truyền đơn thời kỳ này là tiếng nói của Đảng nhằm tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân gia nhập các tổ chức cách mạng, đồng thời hoan nghênh việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi đảng viên, quần chúng xóa bỏ mọi thành kiến cũ, xây dựng đoàn kết trong Đảng và các hội quần chúng.

Báo của Đảng bộ Nghệ Tĩnh và các cơ sở bắt đầu nở rộ từ giữa năm 1930, khi cao trào 1930-1931 đã thực sự chuyển trọng tâm về Nghệ Tĩnh, khi những cơ sở đầu tiên của chính quyền Xô Viết ra đời. Đây là những tờ báo có sứ mệnh đặc biệt, không đơn giản là bản đồng ca, cái bóng của báo chí Trung ương và Xứ ủy mà còn là tổ chức tập hợp những người có khả năng chỉ đạo tranh đấu cụ thể ở cơ sở, chống lại hàng loạt các hình thức phản tuyên truyền cách mạng của thực dân Pháp, đập tan những luận điệu bôi nhọ cộng sản, ru ngủ nhân dân... Những tờ báo nổi tiếng tại Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ không thể không kể đến tờ Bôn sê vích của Xứ ủy Trung kỳ (do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo in ở Vạn Phần), các tờ Công hội, Nông hội, Xích sinh, Bước tới, Công nông binh, Chỉ đạo, Gương vô sản, Lao động, Sóng cách mệnh, Chuông vô sản, Nhà quê… của Đảng bộ tỉnh ủy và Đảng bộ huyện ủy thuộc Nghệ Tĩnh, đặc biệt là tờ Người lao khổ, tờ báo độc nhất xuất hiện trong ngọn lửa tranh đấu đang bốc cao của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong số đặc biệt ra ngày 6/9/1930 báo Người lao khổ có bài viết với tựa đề Nghệ An “đỏ” đang đấu tranh, từ đó thuật ngữ Nghệ An “đỏ” bắt đầu xuất hiện trên mặt báo chí công khai lúc bấy giờ. Có lẽ cũng vì thế, trong thư gửi Đông Phương Bộ Quốc tế Cộng sản ngày 19/1/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu, trong thời kì Pháp xâm lược cũng như trong cao trào cách mạng Quốc gia (1905 - 1925) Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình… Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”.

Từ giữa năm 1931, thực dân Pháp và triều đình phong kiến tay sai tăng cường chính sách khủng bố trắng, thủ đoạn lừa phỉnh, dụ dỗ nhân dân hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao. Trước tình hình phức tạp và căng thẳng đó, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An đã vận động, hướng dẫn các cấp bộ Đảng, đoàn thể quần chúng tạm rút lui vào rừng núi hoạt động bí mật. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng vẫn được các đồng chí nỗ lực duy trì. Phần lớn nguyên vật liệu phải từ làm lấy, giấy có khi phải bí mật chuyển về từ Thượng Hải (Trung Quốc). Xứ ủy phải cắt ra chia cho các Đảng bộ cơ sở. Bút viết là kim hát hỏng, chà sáp vào dạ, đặt giấy hoa lên, đem bàn là nóng chà trên giấy… Nếu sơn và mực thiếu, phải dùng đèn dầu hỏa, làm công tác in ấn dưới hầm bí mật đào trong những bụi rậm… Đồng chí Hoàng Văn Tâm, vào mùa thu 1930 khi ấy chỉ mới vừa tròn 20 tuổi, đã anh dũng hi sinh để bảo vệ cơ sở in ấn của Đảng bộ Nghệ An lúc đó đóng ở làng Đồng Xuân, tổng Xuân Liễu, Nam Đàn.

Dù đứng trước nhiều cam go thử thách nhưng báo chí cách mạng Nghệ Tĩnh đã không bỏ sót một sự kiện quan trọng nào trong những tháng ngày lịch sử đáng ghi nhớ ấy. Chỉ một ngày sau cuộc bãi công đẫm máu (1/5/1930) của công nhân các nhà máy Diêm, xe lửa Vinh - Bến Thủy, ngày 2/5/1930, báo Người lao khổ số 2 đã có bài Cuộc tổng bãi công mở đường hừng hực khí thế chiến đấu, đánh giá tình hình một cách sắc sảo khiến nhiều nhà sử học, nhà chính trị trong nước và ngoài nước triệt để sử dụng các tư liệu quý báu ấy khi nghiên cứu và đánh giá cao trào 1930-1931. Báo chí cách mạng của Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 còn là những ví dụ điển hình về tính chiến đấu và người tổ chức tập thể. Báo Công nông binh số ra ngày 10/1/1931 sau khi đăng tin về Vụ giết tên tri huyện Nghi Lộc đã rút kinh nghiệm và bài học về tính chất “bạo động non”. Tờ Chỉ đạo ngày 17/8/1931 có bài tưởng niệm 01 năm cuộc tàn sát (12/9/1930) ở Hưng Nguyên.

Nhiều tờ báo còn có những bài vạch mặt bọn cơ hội, cải lương, tuyên truyền cho Cách mạng tháng Mười Nga, cho đường lối của Quốc tế Cộng sản, thành tựu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô… Chẳng hạn như, tờ báo Tiến lên, số 19, ra ngày 20/8/1931 lên án và vạch rõ chính sách cải lương là một lợi khí rất hiểm độc của địch để phá hoại phong trào cách mạng: “Từ năm ngoái đến nay, chúng ta đã tù đày, bắn giết biết bao nhiêu người cách mạng và quần chúng biểu tình tranh đấu! Chúng đã đốt phá biết bao nhiêu đình, chùa để vu cho cộng sản. Chúng đã quân đội về đóng ở đền chùa để nhiễu hại dân chúng. Thế mà ngày nay chúng lại ra cái mặt cải lương, đạo đức để lừa gạt chúng ta và che lấp tội ác tày trời của chúng! Ôi, dùng bom đạn bắn chết một lúc hàng trăm người vô tội để bóc lột cho thỏa; thiết quân luật khắp thôn quê để hàng ngày đốt nhà, cướp của…”.

Còn báo Cờ vô sản, số 1, ra ngày 1/1/1931 đăng bài Gỡ mặt nạ bọn quốc gia cải lương cũng chỉ rõ trong khi phong trào cách mạng đang lên cao, địch đang thẳng tay đàn áp, khủng bố quần chúng cách mạng ở nhiều nơi trên đất nước ta bọn “quốc gia cải lương” Nguyễn Phan Long lại một mặt “tỏ vẻ hết sức lo lắng, hết sức mưu lợi cho dân chúng”; mặt khác chúng “xin Chính phủ Pháp dùng hơi độc hại nông dân biểu tình”, “bỏ phiếu thuận ủng hộ Chính phủ Pháp bỏ thêm 25.000 đồng Đông Dương nuôi lính kín” để tàn sát những người yêu nước. Báo Cờ vô sản cũng lên án “cái chính sách hợp tác giai cấp” của địch đang thi hành lúc đó, vì đó chính là “cái bùa mê hoặc công nông để cho bọn tư bản, địa chủ bóc lột” và thực chất của chủ trương Pháp - Việt đề huề chỉ là sự thỏa hiệp giữa quân cướp nước với bọn bán nước để tiếp tục thống trị nhân dân ta mà thôi.

Sức hút to lớn và mạnh mẽ của Xô Viết Nghệ Tĩnh không chỉ đối với các tờ báo chí địa phương mà còn lan rộng trong cả nước, hàng loạt các tờ báo cách mạng cả nước cũng đã lên tiếng ủng hộ và bảo vệ phong trào, các báo Tranh đấu, Cờ vô sản của Trung ương, báo Lao khổ của Xứ ủy Nam Kỳ, Bồi bếp, Thùng dầu của Sài Gòn, Xi moong của Hải Phòng hay Than của Hòn Gai đã liên tiếp có những bài ủng hộ Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh.

Ngoài ra, Xô Viết Nghệ Tĩnh còn để lại dấu ấn trên nhiều tờ báo quan trọng của các Đảng Cộng sản anh em, trước hết là tờ Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp với các tác giả quen thuộc như M.Tôrê, G.Đuyclô, A.Mácti,… hàng loạt bài báo của các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản và cộng tác viên Ban chuyên môn, các khu vực trong bộ máy đồ sộ của tổ chức quốc tế vĩ đại, những người cộng sản nổi tiếng như Đanxun, Oócvando, Gờran, Khanen, Nôvicốp, Đanxing cũng đề cập rất nhiều khía cạnh của Xô Viết Nghệ Tĩnh, hoặc trên các tờ tạp chí và báo lớn của Quốc tế Cộng sản được in bằng tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung quốc như: Quốc tế Cộng sản, Công hội Đỏ Quốc tế, Nông hội đỏ Quốc tế, Phương Đông cách mạng, Tư liệu về những vấn đề dân tộc và thuộc địa… cũng đã đăng hàng loạt bài viết rất có giá trị về cao trào 1930-1931 tại Việt Nam.

Có thể nói, chính nhờ những công tác tuyên truyền, giáo dục kịp thời mà Đảng ta đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, tập trung được lực lượng quần chúng cách mạng, xây dựng khối liên minh công nông vững chắc và cổ vũ, khích lệ niềm tin, tinh thần đấu tranh của nhân dân, góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, thông qua báo chí cách mạng, các hoạt động quần chúng cũng như do trình độ giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp của quần chúng ngày càng được nâng cao mà chỉ sau một thời gian thoái trào ngắn, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lại được khôi phục, phát triển, đóng góp vào phong trào cách mạng chung của cả nước trong thời kỳ 1936-1939 và nhất là tỏa sáng rực rỡ trong thời kì Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Huyền Nguyễn