flag header

Tin tứcChống DBHB

Vấn đề tên gọi và chủ quyền ở biển Đông

Ngày đăng: 31-03-2018 Lượt xem: 5024

Có một sự thật hiển nhiên rằng, tên gọi quốc tế “South China Sea” (tên tiếng Anh của biển Đông(1); nhiều tài liệu, bản đồ của Việt Nam ghi trực tiếp là biển Đông hoặc East Sea) để chỉ vùng biển nằm ở phía Đông của Việt Nam, phía Tây của Philippines và phía Nam của Trung Quốc. Thế nhưng, lợi dụng cách gọi “South China Sea” (biển Nam Trung Hoa), phía Trung Quốc có nhiều động thái coi đó là một “sự thật lịch sử” để âm mưu chiếm hữu gần như toàn bộ vùng biển này.

Một số vụ vi phạm trắng trợn
Dù nhiều người cho rằng tên gọi một vùng biển không có ý nghĩa xác lập chủ quyền của nước nào đó đối với vùng biển đó nhưng phía Trung Quốc không ít lần dùng tên gọi “South China Sea” để mưu đồ xác lập chủ quyền của họ đối với biển Đông. Có một số vụ vi phạm trắng trợn:
- Đầu tháng 12-2012, cơ quan chức năng bắt lô hàng có 10 bản vẽ kỹ thuật hàng hải của tổ chức nghiên cứu năng lượng ở các nước Đông Nam Á (Indonesia, Philipinnes, Myanmar, Vietnam). Trên các bản vẽ kỹ thuật này ghi “South China Sea” và đường chín khúc trên biển Đông. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 54 tấm bản đồ thế giới giới thiệu các chi nhánh của công ty UMICORE không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 
- Tháng 11-2012, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thu giữ 108 cuốn sách "tiếng Hoa để học" in bản đồ đường lưỡi bò và 94 cuốn Stage 4 World – Stage 4 Global Geography có bản đồ ghi vùng biển Đông của Việt Nam thành “South China Sea”. Đây là những văn hóa phẩm có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, nghiêm trọng hơn là các ấn phẩm này được nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng giảng dạy – học tập. 
- Tháng 6-2012, Hoàn Cầu thời báo phát động chương trình “Liên hiệp hành động Nam Hải (tức biển Đông)” thông qua game World of Tanks. Theo đó, đơn vị cung cấp game này quyên tặng vật chất, cho những binh sĩ Trung Quốc đang đóng trái phép tại Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam, dựa trên tổng thời gian chơi của tất cả các thành viên. Không những thế, báo này còn hợp tác lập diễn đàn để người chơi đưa ra những lời lẽ cực đoan, hiếu chiến, kêu gọi cưỡng đoạt các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Tháng 7-2011, Tạp chí Science đăng một bài báo trong đó kèm nhiều bản đồ thể hiện “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông. Tuần san Science của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển khoa học (AAAS), một trong những tạp chí học thuật uy tín nhất, được trích dẫn vào loại nhiều nhất thế giới, trong số báo ngày 9-7-2011 đã đăng bài Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai (China’s Demographic History and Future Challenges của Bành Hi Triết). Bài báo đánh giá tổng quát về dân số Trung Quốc qua các thời kỳ cũng như chỉ ra các thách thức về dân số tại nước này. Điều đáng chú ý là trong phần viết về tỉ lệ các độ tuổi của dân số Trung Quốc, tác giả Bành Hi Triết (thuộc Đại học Phúc Đán), đã đăng kèm 4 bản đồ, trong đó, bên cạnh mỗi bản đồ lớn in hình lục địa Trung Quốc, còn có bản đồ nhỏ ghi chú “South China Sea” cùng đường lưỡi bò ôm trọn vùng biển này, dĩ nhiên bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
    - Từ năm 2014, phía Trung Quốc công bố các bản đồ có “đường 10 đoạn” về nguyên tắc cơ bản vẫn giống như các bản đồ “đường 9 đoạn”, vốn đã không có cơ sở luật pháp quốc tế.
Trước đây, Hội Địa lý quốc gia (NGS) ở Mỹ từng đăng bản đồ phương hại đến chủ quyền Việt Nam trên biển Đông (ghi chú “China” vào khu vực quần đảo Hoàng Sa), sau khi nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí, chính quyền Việt Nam lên tiếng, NGS đã đính chính, sửa đổi. Dịch vụ Google Maps của hãng Google cũng đã thực hiện điều tương tự. Còn trên công cụ tìm kiếm của Google, khi gõ từ khóa “South China Sea” (tại Việt Nam) sẽ hiện lên đồng thời từ khóa “biển Đông”.
Sơ nét về các tên gọi của biển Đông 
Thời gian qua, cuộc tranh luận về tên gọi quốc tế của biển Đông trở nên nóng hơn với nhiều đề nghị khác nhau. Trung Quốc vẫn muốn giữ nguyên tên “South China Sea” (trong tiếng Trung, họ gọi là Nam Hải), Philippines lại muốn gọi là “biển Tây Philippines” (West Philippine Sea), còn một số nhà nghiên cứu Việt Nam đề nghị đổi tên thành “biển Đông Nam Á” (Southeast Asia Sea). Ngày 12-9-2012, Tổng thống Philippines khi đó là Benigno Aquino đã thông qua Lệnh hành chính 29 chính thức gọi “biển Tây Philippines” trên bản đồ hành chính của nước này. Trước đó, nước này vẫn dùng tên gọi biển Luzon (Luzon Sea, gọi theo tên hòn đảo lớn nhất của Philippines). Với biển Đông, trừ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines có tên gọi khác, nhiều nước trong khu vực vẫn gọi bằng ngôn ngữ của nước mình vùng biển này mang nghĩa “biển phía nam Trung Quốc”, chẳng hạn Nhật Bản gọi là "South Shina Sea", Malaysia gọi là “Laut Cina Selatan”, Indonesia gọi là “Laut Cina Selatan” hoặc “Laut  Tiongkok Selatan”…


Cần phải nói rằng, “South China Sea” đã được sử dụng phổ biến trong các văn bản chính thức xuất phát của thủy thủ Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI, trong quá trình tìm kiếm cơ hội giao thương với các nước phương Đông, trong đó có Trung Hoa, vốn là một trong vài quốc gia phương Đông nổi bật nhất vào lúc đó. Tên gọi này sau đó được các tổ chức về thủy văn và hàng hải sử dụng phổ biến. Trong tất cả các văn bản, văn kiện bằng tiếng Anh hiện nay như trang web của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Giáo dục Khoa học và Nhi đồng LHQ (UNESCO), Tổ chức Thủy văn học quốc tế (IHO), Diễn Đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR), Quỹ Phát triển LHQ (UNDP), các nhà xuất bản quốc tế như Rand McNally, Lonely Planet, Les Echos, Suddeutsche Zeitung, Britannica, Tạp chí Địa lý quốc gia (Mỹ), Đài CNN… đều sử dụng tên gọi “South China Sea” để chỉ khu vực biển Đông. Trong các văn kiện của ASEAN đều sử dụng tên gọi “South China Sea” để chỉ biển Đông; trong truyên bố chung ASEAN về biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – tại Phnom Penh, Campuchia ngày 4-11-2002) tên gọi “South China Sea” trong văn bản tiếng Anh dùng để chỉ biển Đông cũng đã được các nước thông qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, tên gọi “South China Sea” có thể tạo ra những hiểu lầm cả về địa dư lẫn pháp lý. Tên gọi này còn có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hóa các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật rằng những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải. Thực tế phía Trung Quốc đã có âm mưu này dù nếu xét về địa dư, Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của biển Đông với tổng chiều dài bờ biển khoảng 130.000km trong khi đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía nam Trung Quốc chỉ 2.800km! Điều đó cho thấy sự phi lý và ngang ngược của phía Trung Quốc.
Việc đổi tên thành biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) sẽ tạo ra một cái tên trung lập hơn, cũng như tên biển Caribe hay biển Arab. Việc đặt tên biển thành tên khu vực đất liền bao xung quanh bờ biển không chỉ thể hiện vị trí địa lý của biển, quyền lợi của các quốc gia trong khu vực mà còn “nói lên tính quốc tế của vấn đề tranh chấp, đụng chạm đến trung tâm lợi ích về an ninh và kinh tế của các nước trong khu vực”, tạo ra cơ hội xây dựng đối thoại đa phương nếu có những tranh chấp về chủ quyền. Nếu tên gọi này được các nước thống nhất và được quốc tế thừa nhận (dĩ nhiên phải qua nhiều bước và trong thời gian dài) thì âm mưu “chia bó đũa” của Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện.
Kiên quyết không lưu hành các ấn phẩm có tên riêng của từng nước chỉ biển Đông
Trên thực tế, vì "South China Sea" là tên tiếng Anh thông dụng mà quốc tế dùng để chỉ biển Đông, đã được sử dụng phổ biến từ lâu, trên các bản đồ quốc tế và các văn bản chính thức của ASEAN nên các nước ngoài hoàn toàn có quyền dùng cụm từ "South China Sea" để chú thích vùng biển Đông của Việt Nam.
Về mặt pháp lý, tên gọi một khu vực biển không làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ. Ví dụ như "Ấn Độ Dương” không phải là vùng biển của riêng Ấn Độ, vịnh Thái Lan cũng không phải là vịnh của riêng Thái Lan, cũng như vậy khi gọi biển Đông là "South China Sea" không có nghĩa coi vùng biển này là của Trung Quốc. Việc sử dụng cụm từ "South China Sea" chỉ biển Đông trong các văn bản tiếng Anh rõ ràng không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông.
Hiện nay, việc các cơ quan, tổ chức và địa phương trong cả nước tích cực phối hợp phát hiện, xử lý mọi biểu hiện vi phạm chủ quyền biển đảo của đất nước là việc làm cần thiết, nằm trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trên vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, việc đánh giá và xử lý đối với những ấn phẩm có nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo cần đảm bảo tính chính xác và khách quan nhằm hướng tới mục tiêu loại bỏ những yếu tố bất lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực trên các mặt kinh tế, dư luận và tâm lý xã hội.
Tương tự như vậy, giả sử trong một bộ phim nào đó của nước ngoài chiếu ở Việt Nam mà trong phụ đề hoặc lời thoại có cụm từ "South China Sea" thì khi dịch sang tiếng Việt bắt buộc phải gọi là “biển Đông”; nếu tên gọi đó có liên quan đến chủ quyền của nước khác đối với vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam thì không nên công chiếu ở Việt Nam, hoặc có chiếu thì phải cắt bỏ đoạn đó và những đoạn có nội dung liên quan. Cũng phải thực hiện tương tự như vậy đối với băng đĩa, sách báo, tài liệu… tiếng nước ngoài khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam.
Từ tình hình trên, để bảo đảm việc xử lý một cách phù hợp và thống nhất đối với các sự việc liên quan đến tên gọi của biển Đông trên các ấn phẩm lưu hành trong nước, có thể lưu hành ở Việt Nam các ấn phẩm dùng tên gọi "South China Sea" để chỉ biển Đông trong các văn bản tiếng Anh nếu không kèm theo các yếu tố khác vi phạm chủ trương, quan điểm của ta về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, kiên quyết không lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam các ấn phẩm dùng các tên gọi khác như "Nam Hải", "biển Trung Hoa", "China Beach", "biển Tây Philippines", "West Philippine Sea"… vì đây là cách gọi riêng của từng nước, không phải là tên gọi quốc tế của biển Đông.
Các tổ chức và cá nhân khi sử dụng hình ảnh, tư liệu, bản đồ… phải hết sức thận trọng với các vấn đề liên quan đến biển, đảo nói chung và tên gọi biển Đông nói riêng; đồng thời tránh vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các thế lực xấu tuyên truyền, quảng bá chủ quyền của nước khác đối với các vùng lãnh thổ, khu vực có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam. Đó cũng là một cách thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. 
                                                                                                                                                     Trúc Giang Nguyễn