Ngày đăng: 23-11-2020 Lượt xem: 1187
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định, một trong những bài học xương máu của khởi nghĩa Nam kỳ là vấn đề xác định thời cơ cách mạng. Chính vì nhận định chưa chính xác và đầy đủ về tình hình thực tiễn, thực lực của ta và địch, khởi nghĩa Nam kỳ đã mất đi một yếu tố quan trọng để có thể thành công.
Các tác giả của công trình Lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa đã có lý khi nhận định: “Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra khi tình thế cách mạng đã xuất hiện, nhưng chưa đủ điều kiện chín muồi cho cuộc tổng khởi nghĩa trong phạm vi Nam kỳ và cả nước”[1]. Có tình thế cách mạng nhưng chưa tạo nên thời cơ cách mạng; đó là nhận định của chúng ta sau khi nhìn lại toàn bộ diễn biến sự kiện, chứ còn với điều kiện hạn chế thông tin lúc đó, quyết định khởi nghĩa của những người lãnh đạo Xứ ủy có thể coi là rất quyết đoán và dũng cảm!
Thời cơ của một cuộc cách mạng, một cuộc khởi nghĩa có thể khái quát ở mấy điểm chính: kẻ thù bị suy yếu toàn diện hoặc bị chia rẽ sâu sắc; sự chuẩn bị của chúng ta tốt nhất hoặc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất; sự phẫn nộ, mâu thuẫn của quần chúng đối với kẻ thù lên cao nhất và đồng bào có khả năng thống nhất thành một khối. Nếu chúng ta xem Cách mạng tháng Tám là sự vận dụng thời cơ một cách hoàn hảo thì trong khởi nghĩa Nam kỳ, vấn đề thời cơ thực sự có nhiều điểm chưa ổn. Bấy giờ, kẻ thù (cả thực dân Pháp và phát xít Nhật) đều còn rất mạnh, dù tạm thời thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật nhưng lực lượng của họ vẫn còn nguyên vẹn và khi hai kẻ đang đối đầu nhau lại cùng đối mặt với kẻ thù – là quân khởi nghĩa – thì nhất định chúng sẽ hợp sức đối phó. Giữa người Nhật và người Pháp có mâu thuẫn nhưng chưa đến mức một mất một còn; tại chính quốc, Pháp đã đầu hàng phát xít Đức nhưng chính quyền mới vẫn nhất quán với đường lối xâm lược so với chính quyền cũ và vẫn tiếp tục điều khiển được chính quyền thực dân tại thuộc địa.
Như vậy, có thể nói, khởi nghĩa đã diễn ra hơi “non”!
Vận dụng vào điều kiện hiện nay, trong quan hệ với các nước luôn đan xen thời cơ và thách thức. Nếu chúng ta chỉ nhận thấy thời cơ mà không nhìn rõ thách thức hoặc nhìn chưa đầy đủ thì có thể dẫn đến trạng thái lạc quan thái quá, say sưa mà thiếu sự cảnh giác và đề phòng các tình huống rủi ro. Trái lại, nếu chỉ thấy thách thức mà không nhận ra thời cơ có thể để mất cơ hội để thúc đẩy sự phát triển đất nước hoặc tạo ra được mối quan hệ tích cực hơn với một đối tác nào đó. Không chỉ vậy, nếu chưa xác định được thời cơ một cách đúng đắn thì không có phương pháp ứng xử phù hợp, có khi để thời cơ trôi qua mất.
Bấy giờ, quần chúng nhân dân lúc đó vô cùng căm thù cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật nhưng chưa được tổ chức lại thành một khối. Từng cá nhân, từng giới, từng giai cấp đều có lòng yêu nước, căm thù giặc nhưng biến điều đó thành sức mạnh vật chất thì cần phải có sự giác ngộ cách mạng sâu sắc, sự tổ chức, huấn luyện, diễn tập để họ phát huy được sức mạnh đoàn kết một cách cao độ. Những điều này vào thời điểm tháng 11-1940 đều chưa có hoặc có nơi có thì cũng chưa sâu sắc và chưa đều khắp.
Còn phía lực lượng cách mạng, khi bắt đầu Thế chiến II, một bộ phận đáng kể các đồng chí lãnh đạo, các đảng viên và các tổ chức đảng bị truy bắt, bị giam cầm, bị phá vỡ. Số còn lại thì vừa yếu, vừa mỏng và sự chuẩn bị về nhiều mặt cho cuộc khởi nghĩa thực sự chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã chuẩn bị lực lượng từ sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945) trong điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều, chúng ta mới có thể giành thắng lợi giòn giã. Còn điều kiện của khởi nghĩa Nam kỳ thì trong tình thế rất khó khăn.
Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị mở rộng ở Tân Hương - Mỹ Tho; 3 vấn đề lớn được hội nghị thảo luận sôi nổi nhất: một là, lấy vũ khí ở đâu mà trang bị cho quân khởi nghĩa; hai là, phải có những điều kiện nào mới phát động khởi nghĩa; ba là, có thể khởi nghĩa ở Nam kỳ trước hay phải chờ phải khởi nghĩa trong cả nước gần cùng một lúc với nhau. Hội nghị bế mạc trong không khí phấn khởi và có quyết tâm cao, tuy không phải mọi người đều đồng ý với nhau về chỗ nhận định thời cơ trước mắt. Hội nghị xong, đồng chí Phan Đăng Lưu liền đi ra Bắc để báo cáo và xin sự chuẩn y của Trung ương. Như vậy, hội nghị này mới giải quyết vấn đề tâm lý và tinh thần của cuộc khởi nghĩa, chưa xác định được những điều kiện cần thiết để khởi nghĩa nổ ra và có thể giành được thắng lợi.
Một trong những lực lượng có thể coi là chủ lực của khởi nghĩa Nam kỳ là binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Dù Xứ ủy đồng thời quan tâm đến cả lực lượng chính trị lẫn lực lượng vũ trang và trong lực lượng vũ trang thì có tổ chức lực lượng tại chỗ nhưng dường như có phần trông cậy nhiều vào lực lượng binh lính. “Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy. Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến”[2].
Thực sự, Xứ ủy có vẻ đã xem trọng công tác binh vận hơn một số công tác khác, như công vận, nông vận… “Xứ ủy Nam kỳ xác định binh vận là một khâu quan trọng trong chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp là con em nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc, có thể trở thành một lực lượng khởi nghĩa nếu được giác ngộ. Xứ ủy thành lập hai ủy ban chuyên môn binh vận. Những nỗ lực trong công tác binh vận làm cho số lượng binh sĩ có cảm tình với cách mạng ngày càng nhiều. (…) Đến tháng 11-1940, nhiều đơn vị binh lính người Việt ở Nam kỳ đã ngả về phía cách mạng, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. (…) Tuy nhiên, phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường, thực dân Pháp đã kịp thời thu vũ khí và cấm trại binh sĩ người Việt. Vì thế, anh em binh lính không có cơ hội tham gia khởi nghĩa”[3]. Khi lực lượng chủ lực này bị khống chế, việc phát huy tổng lực của khởi nghĩa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi các lực lượng khác không tạo ra sức mạnh tương ứng. Trong đó, các đội vũ trang được chuẩn bị tại chỗ tuy có lòng hăng hái, quyết tâm hy sinh cho đất nước nhưng phần nhiều là thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí được trang bị rất thô sơ, các kỹ chiến thuật chiến đấu cũng còn giản đơn nên nhiều nơi chỉ có thể giành ưu thế được bước đầu, rồi sau đó nhanh chóng bị đàn áp.
Do đó, có thể nói rằng có một sự chưa hoàn chỉnh, hợp lý, chặt chẽ “về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa”[4].
Đây có thể coi là yếu tố cốt tử của vấn đề nội lực. Bản thân lực lượng cách mạng phải đủ mạnh với nhiều thành phần có thể phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp đồng bộ thì cách mạng mới có nhiều cơ hội thành công. Hiện nay, trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng ta có thể tận dụng yếu tố luật pháp quốc tế, dựa vào mối quan hệ đan xen giữa các nước, nhất là các nước lớn, nhưng nhất định phải có nội lực đủ mạnh. Đó là kinh tế phải phát triển bền vững, làm tiền đề việc nâng cao khả năng quốc phòng, đồng thời phải bảo đảm sự ổn định chính trị, làm động lực cho việc phát huy sức mạnh tổng hợp cả các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao…
Bên cạnh đó, phải luôn có nhiều phương án cho các tình huống có thể xảy ra (hay được gọi là “kịch bản”) để có thể chủ động ứng phó. Tuyệt đối tránh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, say sưa trên chiến thắng hoặc hăm hở quá mức.
Có thể nói, khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại nhiều bài học quý báu không chỉ cho Cách mạng tháng Tám và còn cho thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay và mai sau!
NGŨ YÊN
[1] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ, Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.516-517.
[2] Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Nam kỳ.
[3] PGS.TS. Vũ Quang Hiển, Bài học về xây dựng Đảng từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, Tạp chí xây dựng Đảng, số 11-2015.
[4] Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Nam kỳ.