flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Văn nghệ sĩ và sứ mệnh tuyên truyền, sẻ chia trong dịch họa, thiên tai

Ngày đăng: 04-04-2020 Lượt xem: 2611

Khi đất nước cần, nghĩa tình đồng bào luôn là một điểm tựa vững vàng cho đất nước vượt qua thử thách. Nghĩa đồng bào trên mọi miền đất nước được thể hiện bằng nhiều hình thức sẻ chia vật chất hay tinh thần, cá nhân hay tổ chức đoàn, hội, nhóm,... Ở mọi ngành nghề, người góp của, người góp công. Khi chính quyền vận động, mỗi đóng góp của người dân đều thật đáng trân trọng trong những thời điểm có dịch họa, thiên tai đe dọa. Sự sẻ chia tích cực trong toàn xã hội luôn làm nhẹ gánh mưu sinh cho nhiều hoàn cảnh khốn khó. Nhìn lại những cánh tay tiên phong trong các phong trào vận động chung sức, chung lòng, luôn có văn nghệ sĩ - đội ngũ được mệnh danh là sứ giả của yêu thương, của kết nối tự nguyện, mạnh mẽ và hào hiệp. Trên hết, nghĩa cử của họ lan tỏa rất nhanh, tạo hiệu ứng tích cực trên toàn xã hội.

 

 

Khi đất nước gọi: văn nghệ sĩ tiên phong.

 

Thời gian qua, khi dịch họa COVID-19 luôn là tin nóng, đầu ngày với những con số tạo cảm giác hãi hùng đối với toàn cầu về số người chết, về sự tàn khốc của lây nhiễm,... cùng với thông tin bà con miền Tây đang kêu cứu vì “khát nước sạch, nước ngọt” do hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn đến sớm,... tác động không nhỏ đến tâm lý chung toàn xã hội. Đó là dịch họa, thiên tai, là biến cố từ bên ngoài ập tới, hiểm họa từ thiên nhiên trồi lên và người dân đang khốn khó... Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ giữa tháng 3/2020: toàn dân ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19, các cơ quan truyền thông chính thống đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền rất tốt, nhanh chóng đưa tin về đại dịch toàn cầu, cách phòng chống dịch bệnh và tình huống khẩn cấp thiếu nước vì hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây. Điều đáng mừng, nhiều doanh nghiệp quảng cáo (trong Hiệp hội Quảng cáo TPHCM) đã trở thành cánh tay đắc lực trong tuyên truyền, đánh động toàn xã hội với thông điệp “Cùng miền Tây chống hạn, mặn lịch sử” qua nhiều màn hình LED tại Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, các tỉnh miền Tây. Họ chủ động và tự nguyện phát thông tin tuyên truyền hoàn toàn miễn phí, kéo dài từ 15 ngày trở lên. Những thông tin khẩn cấp lan truyền rất nhanh, tác động mọi tầng lớp xã hội.

Bên cạnh các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ luôn là lực lượng nòng cốt. Trong nhóm tiên phong thiện nguyện, có ca sĩ Hà Anh Tuấn là người đóng góp gần 2 tỷ đồng để làm 3 phòng điều trị cách ly, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thiện tâm đó nhanh chóng lan tỏa sang Chi Pu, cô góp 1 tỷ đồng và 5.000 bộ trang phục bảo hộ, Min tặng 10.000 khẩu trang và 500 chai nước rửa tay;... Không chỉ như thế, những việc nên làm trong mùa dịch họa, thiên tai được truyền đi rất nhanh trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ góp mặt ngay trên tuyến đầu trợ giúp. Tham gia dự án mang nước sạch về cho bà con miền Tây, MC Đại Nghĩa, Việt Hương, Phi Nhung, người mẫu Ngọc Trinh, vợ chồng Lý Hải,... không chỉ góp tiền lắp máy lọc nước tại các địa phương ở miền Tây mà còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ, không chỉ có “mũi nhọn” phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà còn dốc lòng giải “khát” cho bà con miền Tây bị hạn, mặn. Thông tin nổi lên nhiều nhất trong nửa cuối tháng 3, có lẽ là ca sĩ Thủy Tiên vừa góp tiền, vừa vận động đồng nghiệp, doanh nhân đóng góp, vừa tự đi khảo sát nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Tây để lắp máy lọc nước cho người dân.

 

 

Cách chia sẻ của đội ngũ văn nghệ sĩ đến với đồng bào trong mùa dịch có thiên hình vạn trạng, mà một số báo “lá cải”, câu view từng chỉ trích người cho ít, kẻ cho nhiều và phân tích ý đồ PR cá nhân đằng sau công tác thiện nguyện,v.v... gây muộn phiền người trong cuộc, người hâm mộ - không đáng có. Để làm gì khi toàn xã hội chúng ta đang cần chung tay, góp sức ?! Hãy đừng so sánh nhiều, ít trong lúc này, không nên phân tích cách ai đó làm từ thiện, bởi khi nghệ sĩ đã lên tiếng, dùng uy tín, danh dự của mình để quyên góp, vận động giúp đỡ người dân thì đó đã là thiện tâm. Những nghệ sĩ như Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương, Hariwon, Linh Nga, Đức Hải, Phi Phụng,... và nhiều nhiều nữa những nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ,... âm thầm, đích thân đưa quà (tiền, gạo, mì, khẩu trang, nước sát khuẩn,...) cứu trợ người dân. Họ vận động bạn bè, tiểu thương,... từ nhiều nguồn để góp phần nhỏ nhoi của mình, vun đắp sức mạnh nội sinh cho đất nước vững vàng trong cuộc chiến dịch họa, thiên tai.

 

Hiệu ứng tuyên truyền tác động mạnh đến tư duy sáng tác, tâm thế của văn nghệ sĩ

 

Và, không chỉ chia sẻ vật chất, công sức, vừa giúp dân phòng chống dịch bệnh, vừa giải cứu hạn, mặn miền Tây, mà đội ngũ văn nghệ sĩ cũng ý thức rất rõ sứ mệnh của mình và hiệu quả tuyên truyền trước hiểm họa. Có lẽ, bắt đầu từ bài hát “Ghen Covy” (sáng tác của Nhạc sĩ Khắc Hưng, do Erik và Min thể hiện, vũ công Quang Đăng sáng tác “Vũ điệu rửa tay”) trở thành tác phẩm đầu tiên trong mùa đại dịch và nhanh chóng trở thành bài HIT trên cộng đồng mạng. Từ việc Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y Tế đặt hàng sáng tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nhóm nhạc sĩ, ca sĩ, vũ công này thực hiện ca khúc khá nhanh, với mong muốn truyền thêm năng lượng và bớt chút căng thẳng cho đội ngũ chuyên gia, các y bác sĩ, các nhân viên y tế trực chiến cùng bệnh nhân. MV thể hiện sự sáng tạo, dí dỏm đưa thông tin dễ nhớ, mô tả phương pháp phòng vệ dễ dàng, hiệu quả chống lại sự lây lan của virus Corona đã lan truyền nhanh chóng thu hút hàng triệu người xem trên mạng xã hội. Truyền thông thế giới đánh giá cao và thích thú với  thông điệp nâng cao sức khỏe cộng đồng của Việt Nam qua bài hát tươi vui, đầy năng lượng, lạc quan và không đánh giá thấp tình hình lây lan nguy hiểm của dịch bệnh.

 

 

Hiệu ứng tuyên truyền tác động mạnh đến tư duy sáng tác, tâm thế của nhiều văn nghệ sĩ. Hàng loạt ca khúc nhạc trẻ, tân cổ giao duyên, vọng cổ hài, nhạc bolero, có  dự án nghệ thuật cá nhân trở thành của tập thể,... liên tiếp ra đời, mang tới sinh khí tràn đầy nhiệt tâm đẩy lùi dịch bệnh. Có sáng tác mới, có ca khúc được viết lại lời; có đơn ca, song ca, hợp ca, có MV với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, người dẫn chương trình, vũ đoàn,... đều tập trung chủ đề phòng, chống virus Corona, mang tính chất cổ động cao, được chia sẻ rất nhanh trên mang xã hội ở bình diện rộng, như: Khúc hát đôi bàn tay (của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác từ mùa dịch SARS năm 2003); Ông bà anh thời COVID-19 (NSND Bạch Tuyết viết lời ca cổ và thể hiện, lấy cảm hứng từ bài Ông bà anh của NSW Lê Thiện Hiếu); Nắm tay qua đại dịch (NS Tú Dưa viết lại từ bài Nắm lấy tay anh); ca cổ Quyết tâm chống dịch Cô Vy (sáng tác của Hoàng Sen, NS Minh Trường thể hiện); Cách ly dẹp Cô Vy (sáng tác Nguyễn Hậu, do ca sĩ Quý Bình và Nguyễn Trung thể hiện); MV Tan biến đi virus Corona (NS Trần Hùng, ca sĩ Việt Anh, Thu Hường), MV Bao la những trái tim hồng (sáng tác của ca sĩ Phi Hùng, có gần 20 ca sĩ, nghệ sĩ tham gia: NSND Tạ Minh Tâm, NSUT Quế Trân, NSUT Vân Khánh, ca sĩ Quý Bình, MC Quỳnh Hoa, nhóm Mắt Ngọc, Tùng Lâm,...); MV Việt Nam ơi! Đánh bay COVID, (từ ca khúc, NS Minh Beta thực hiện MV cùng tên (được Bội Y Tế bảo trợ) tham gia có vũ công Quang Đăng, Pom, Quỳnh Anh Ghyn, nghệ sĩ Trung Dân, Khánh Thi, siêu mẫu Hà Anh..); MV Người mẹ áo trắng (sáng tác Lê Xuân Bắc, tác giả đạo diễn Anh Quân, do ca sĩ Huyền Trang, bác sĩ Hồng Anh thể hiện); MV Chung tay phòng chống Corona (Nhạc sĩ Lê Hồng Phúc, có hơn 20 ca sĩ, diễn viên: Ôn Bích Hằng, Phi Thanh Vân, Quý Bình, Minh Luân, Hiền Mai, Hiền Trang, Vũ Thanh, Hồ Lệ Thu,...). Còn rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ ở các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc, tự lên mạng xã hội YOUTUBE, biểu diễn nhiều ca khúc cổ động việc phòng chống virus Corona. Các ca khúc nhạc trẻ, hay vọng cổ giao duyên đều mộc mạc, vui tươi, chuyên nghiệp nhiều và mang tính cổ động nghiệp dư cũng không ít. Còn MV là những thước phim ngắn, trẻ trung được dàn dựng hay chỉ ghi hình đang thu âm,... với nội dung mang tính cổ động, kêu gọi người dân đồng tâm hiệp lực cùng ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh; hoặc là thông điệp tri ân đội ngũ y, bác sĩ đang dốc sức lực, tâm trí ngày đêm trong tuyến đầu chống dịch COVID-19, như món quà tinh thần dành tặng các y bác sĩ không quản ngày đêm, chấp nhận xa gia đình, đối mặt với hiểm nguy, ở lại bệnh viện cứu chữa bệnh nhân,... Âm nhạc bao giờ cũng có sức lan tỏa rất nhanh và hiệu quả, “sức nóng” của đại dịch còn thôi thúc cả các bác sĩ, thầy cô giáo sáng tác, làm thơ,... đưa lên mạng xã hội, như Đánh giặc Corona, Tâm tình ngày xa trò,... cũng tạo được nhiều đồng cảm tích cực. Dù là tác phẩm chuyên nghiệp được đầu tư công phu, hay chỉ là ngẫu hứng của người không chuyên nghiệp, nhưng đều thể hiện sự chung lòng với cảm xúc lạc quan, góp phần “giảm nhiệt” lo lắng, hoang mang trước đại dịch trong cộng đồng và nâng cao ý thức phòng vệ hơn.

 

Ngoài ra, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh, giữa tháng 3/2020, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT và DL) đã tổ chức cấp tốc cuộc thi vẽ tranh cổ động, mời hơn 20 họa sĩ có kinh nghiệm trên toàn quốc tham gia sáng tác. Có 14 mẫu tranh xuất sắc được chọn trong hơn 100 sáng tác của các họa sĩ. Các mẫu tranh này sau đó đã được triển khai rộng khắp các Trung tâm văn hóa, thể thao quận, huyện, thị xã và các địa bàn dân cư trên toàn quốc.

 

Hiệu quả thiết thực thể hiện niềm tin chiến thắng dịch họa.

 

Những liệt kê trên chắc chắn chưa đầy đủ, danh sách văn nghệ sĩ, tác phẩm hẳn nhiên còn tiếp tục kéo dài hàng giờ, hàng ngày. Có thể thấy, trên “mặt trận” văn hóa, văn nghệ hay trong “cuộc chiến” thời dịch họa, thiên tai, văn nghệ sĩ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong, mặc dù các dự án, chương trình, hoạt dộng của bản thân bị hoãn hoặc phải hủy. Họ ý thức rất cao sứ mệnh tuyên truyền, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng, cũng như chưa bao giờ vắng họ trong những sự kiện mang tính chất sẻ chia, tương thân tương ái. Họ vừa là đội ngũ nhạy cảm với thời cuộc, mong manh trong cảm xúc, dễ tổn thương trong đời thực, cũng vừa là những “cầu nối” bền bỉ, tích cực và nghĩa hiệp nhất.

Tin vui mới nhất đầu tháng 4, Việt Nam là quốc gia có số ca bệnh đứng thứ 88 thế giới và thuộc danh sách 1 trong 5 nước trên thế giới có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong ! Trong trận đại dịch có tính toàn cầu này, thế giới đánh giá cao khả năng dập dịch của Việt Nam, đánh giá cao phản ứng của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, ngưỡng mộ người dân Việt Nam qua những động thái tích cực, lạc quan thể hiện niềm tin đối với Chính phủ - đó là một tin vui, đáng tự hào, đó là kết quả của nỗ lực phi thường, đồng tâm hiệp lực của ngành y tế và nhân dân Việt Nam, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ.

HOÀNG THI