Ngày đăng: 17-10-2021 Lượt xem: 13991
Ngày 17/10/1945, sau chưa đầy 1 tháng ngày Nam Bộ kháng chiến đã diễn ra ra trận đánh kho đạn Thị Nghè (kho đạn chứ không phải kho xăng, kho xăng ở Nhà Bè). Trận đánh nổi tiếng này gắn với tên tuổi của người anh hùng Lê Văn Tám. Tuy nhiên, năm 2009, trên Tạp chí Xưa và Nay, Giáo sư sử học Phan Huy Lê có một bài viết và trong bài viết này tác giả nhắc lại lời Giáo sư Trần Huy Liệu rằng do nhiệm vụ tuyên truyền nên chính Giáo sư Trần Huy Liệu là người đã dựng nên nhân vật Lê Văn Tám, có nghĩa nhân vật Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu…Sau này, nhiều người đã chỉ ra những mâu thuẫn và một số chi tiết không thống nhất trong bài viết của GS Phan Huy Lê, tuy nhiên cũng từ đó, đã xuất hiện rất nhiều các bài viết trên mạng và báo chí của người Việt ở nước ngoài vin vào đó để xuyên tạc, vu khống, chửi bới Đảng và Nhà nước Việt Nam là dối trá (?).
Những thông tin về trận đánh gắn với tên tuổi Lê Văn Tám
Sau sự kiện kho đạn Thị Nghè bị đánh, hàng loạt các báo đã đưa tin về sự kiện này. Tác giả Lý Châu Hoàn, Nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh trong bài viết với tiêu đề “Sự thật về đuốc sống Lê Văn Tám” đăng trên Tuần Báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 383 đã phát hiện và liệt kê rất nhiều các bài báo khi ấy đã đăng về sự kiện này.
Báo CỨU QUỐC (Cơ quan Tuyên truyền Tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh (Hà Nội), số 71, ngày 19/10/1945 có bài đóng khung nổi bật Một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt, với nội dung: “Tin điện từ Mỹ Tho (*) đánh ra ngày 17/10 cho hay rằng: một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông Pi-ê-tờ-ri (Simon Piétri) của địch. Lập tức kho dầu bị bắt lửa. Và lửa đã bốc cháy dữ dội suốt hai ngày hai đêm…”. Ở trang 2 báo này còn đăng bài thơ LỬA THIÊNG (27 câu): “Kính tặng hương hồn một chiến sĩ Việt Nam tự thiêu mình để đốt một vị trí quân địch (tin Nam bộ)”của tác giả Đông Hà.
Báo ĐỘC LẬP (Cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), ngày 20/10/1945, nội dung : “Ngày 16, quân ta đốt cháy 2 kho hàng của Pháp thiệt hại tới mấy triệu đồng. Lửa to quá, giặc Pháp không thể cứu được (Tin Đê-li ngày 18/10)”.
Báo LA RÉPUBLIQUE (xuất bản bằng tiếng Pháp ở Hà Nội), số 2, ra ngày 21/10/1945, có bài Sự anh hùng của một chiến sĩ Việt Nam, viết: “Một người lính Việt Nam đã tẩm dầu vào thân mình và đã thành công trong việc đốt cháy kho Simon Piétri. Đám cháy kéo dài 2 ngày 2 đêm.”. Cũng báo LA RÉPUBLIQUE, số 5, ngày 4/11/1945, có bài đuốc sống: “Ngày 16/10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống, bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho dầu Simon Piétri ở Sài Gòn. Đám cháy đã kéo dài 2 ngày 2 đêm. Vị anh hùng vô danh, người đã đốt sáng ngọn đuốc chủng tộc (race) đã chiếu sáng tất cả chúng tôi trên con đường bổn phận”.
Không những vậy, tác giả Lý Châu Hoàn còn gặp gỡ nhiều nhân chứng và các nhân chứng đều khẳng định nhân vật Lê Văn Tám là có thật.
Khẳng định của lịch sử và người trong cuộc
Sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)” do Nxb TP. Hồ Chí Minh (1994) cũng khẳng định "cây đuốc sống Lê Văn Tám" là có thực. Theo sách này thì kho đạn (chứ không phải kho xăng) ở cầu Thị Nghè trong thời gian 1945-1946 đã từng bị cháy đến hai lần. Lần đầu xảy ra vào ngày 17 tháng 10 năm 1945, khi đó thiếu niên Lê Văn Tám, dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Châu, đã đột nhập vào kho đạn, mang theo diêm và chai xăng. Khi rút lui, Lê Văn Tám bị dính xăng và bốc cháy như một cây đuốc sống. Cũng sách này viết (trang 63): "Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17 tháng 10, Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt”.
Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định sự kiện này trong đoạn hồi ký ở bộ sách "Đứng lên đáp lời sông núi": “Người tổ chức cho đội viên cảm tử Lê Văn Tám lập chiến công là Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị".
Tên của anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tám được đặt cho nhiều trường học tại TPHCM
Sự kiện trận đánh ngày 17 tháng 10 năm 1945 với "cây đuốc sống Lê Văn Tám" còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách Mùa thu rồi ngày hăm ba của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67: "Đêm ngày 17 tháng 10 năm 1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn".
6 ngày sau sự kiện này, trên Báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ngày 23/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “"Cái cử chỉ phi thường của một chiến sĩ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được."
Một vài sai khác trong cách đưa tin của báo chí không thể phủ nhận sự thật sự kiện Lê Văn Tám là có thật
Có những ý kiến nghi ngờ rằng trong thời chiến, không ai có thể tùy tiện hành động mà đơn vị lại không biết. Các nội dung đã nêu trên cho thấy những nhân chứng đã khẳng định việc này là có thật, có tổ chức.
Nhà báo Nam Đình, cựu Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp chính phủ Trần Trọng Kim là người có mặt ở Sài Gòn thời gian ấy đã viết trong Hồi ký của mình rằng việc tổ chức đốt kho đạn đã được phía kháng chiến tính toán và chuẩn bị kỹ càng. Theo Nam Đình, nếu vụ đốt kho đạn thành công sẽ có 4 điểm lợi, trong đó có những điểm lợi quan trọng là trả lời cho tướng Leclerc biết Nam Bộ vẫn còn lực lượng kháng chiến chứ không phải tan rã như tướng Leclerc tuyên bố và để đồng bào khắp nơi biết lực lượng kháng chiến vẫn còn mạnh mẽ…
Cũng có ý kiến cho rằng một sự kiện chấn động như vậy, tại sao mấy chục năm qua không có ai là thân nhân của liệt sỹ Lê Văn Tám đứng ra nhận người thân?
Câu hỏi này có lẽ chỉ hợp với thời bình chứ ở vào một giai đoạn kháng chiến cam go của dân tộc, khi khói lửa ngút trời, nhà nhà, người người tản cư, lạc nhau, mất thông tin về nhau vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Cũng vậy, buổi đầu kháng chiến Nam Bộ có nhiều những nhóm tự phát tham gia và ủng hộ phía kháng chiến. Thậm chí chiến tranh ác liệt đã có nhưng đơn vị bị quét sạch không còn dấu vết thì lấy gì để còn biết thân nhân. Vả chăng, tinh thần khí phách khi ấy là để giết giặc giữ nước chứ nào ai ra trận lại cẩn thận ghi lại tiểu sử, quê quán để đợi sau này được vinh danh!
Có lẽ chi tiết Lê Văn Tám tẩm xăng tự thiêu rồi lao thẳng vào kho bị cho là phi lý khi cho rằng một cái kho không dễ vào và tẩm xăng chạy từ cổng vào, không bị bắn hạ thì cũng chết cháy trước khi vào tới.
Theo nhà báo Nam Đình thì đã có sĩ quan Nhật đầu hàng dẫn đường cho 2 cảm tư quân ta chui vào ống cống đến nơi đốt kho đạn. Cũng Nam Đình cho biết, “Lúc đó dân quân ở ngoại ô Sài Gòn tuyên truyền rằng: “Có 2 cảm tử quân mình làm cây đuốc. Rồi tự đốt đuốc chạy vào kho đạn. Thật ra, việc phá huỷ kho đạn Sài Gòn do một công trình nghiên cứu rất khoa học của dân quân tổ chức lâu ngày. Hai cảm tử quân cùng với một sĩ quan Nhật đầu hàng dân đường”.
Thực ra đó chỉ là cách đưa tin của báo chí khi ấy và các báo đã không ngờ rằng bảy tám mươi năm sau lại có những người vin vào những chi tiết nhỏ nhặt này với mưu đồ đánh đổ một tượng đài anh hùng, quả cảm.
KẾT LUẬN:
Khi đọc kỹ bài viết của Giáo sư Phan Huy Lê trên Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10/2009 thấy rằng Giáo sư Phan Huy Lê không phủ nhận “sự thật Lê Văn Tám” mà chỉ muốn lịch sử hiểu đúng “cái tên Lê Văn Tám”. Lời căn dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu cũng không phủ nhận “sự thật Lê Văn Tám”. Theo như văn bản hiển ngôn của bài viết này thì Giáo sư Trần Huy Liệu chỉ “dựng lên cái tên Lê Văn Tám”, chứ hoàn toàn không “dựng lên sự thật Lê Văn Tám”, bởi sự kiện này là sự thật. Giáo sư Trần Huy Liệu - từ câu chuyện có thật, từ sự thật có thật, từ chiến công có thật này đã có công đặt cho người anh hùng (cũng có thể nhiều anh hùng) chưa biết tên ấy một cái tên là: LÊ VĂN TÁM.
Những người vin vào câu chữ trong bài viết này của Giáo sư Phan Huy Lê để xuyên tạc và phủ nhận lịch sử thì hoặc là họ đã chưa đọc toàn bộ bài viết của Giáo sư Phan Huy Lê hoặc cố tình xuyên tạc. Có thể là cả hai!
Từ những tài liệu nêu trên, từ những lời kể của các nhân chứng thì “câu chuyện Lê Văn Tám”, “sự kiện Lê Văn Tám” là có thật, chỉ có sự sai khác ở một vài chi tiết đưa tin của báo chí khi ấy. Thực tiễn đã chứng minh cuộc kháng chiến 9 năm của đồng bào Nam Bộ cũng như các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã có hành ngàn, hàng triệu những câu chuyện như người anh hùng như Lê Văn Tám.
Viễn Trung