flag header

Tin tứcTin tức

Về các luận điệu xuyên tạc Cách mạng tháng 10 Nga

Ngày đăng: 09-11-2021 Lượt xem: 8183

          Kỷ niệm Cách mạng tháng 190 Nga năm nay cũng là tròn 30 năm nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết, Nhà nước ra đời từ cuộc cách mạng vĩ đại này sụp đổ. Kể từ khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã gán cho cuộc cách mạng này rất nhiều những tội lỗi.

          Các ý kiến phản đối cuộc cách mạng này cho rằng nó là cuộc cách mạng sử dụng bạo lực, vì vậy ủng hộ cuộc cách mạng này là cổ súy cho bạo lực. Họ cũng cho rằng người Nga hôm nay đã “vứt cuộc cách mạng này vào sọt rác” (?).

          Cách mạng tháng 10 Nga có phải là cuộc cách mạng bạo lực?

          Cách mạng tháng 10 Nga đúng là cuộc cách mạng sử dụng bạo lực. Những người lao động Nga và nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của những người Bolshevik Nga đã lãnh đã đứng lên đánh đổ giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập nên nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đầu tiên trên thế giới. Thế nhưng, ngay từ lúc ban đầu, cuộc cách mạng này không có chủ đích sử dụng bạo lực.

Ngày 4 tháng 4 năm 1917, lãnh tụ Lênin đọc một bài phát biểu quan trọng có nhan đề "Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay". Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Luận cương tháng Tư" chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng con đường hòa bình. Theo Lênin phương pháp đấu tranh là: "Vũ khí ở trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển và hòa bình của cách mạng". Tuy nhiên, Lênin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi, nếu các Xô viết bị tấn công”.

Ngày 3 tháng 7 năm 1917, hơn 500.000 nhân dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay xô viết nhưng Chính phủ lâm thời đã từ chối và ra lệnh cho binh lính bắn vào đoàn biểu tình, làm hơn 1.000 người chết và 2.000 người bị thương. Sau đó, Chính phủ Lâm thời tiến hành đàn áp và bắt các đảng viên Bolshevik. Vì quan điểm hòa bình và cách mạng hòa bình nên ngay khi Cách mạng tháng 10 thành công, Lênin đã ký “Sắc lệnh về hòa bình”. Sắc lệnh khẳng định những người cộng sản lên án mọi chính sách bạo lực cường quyền, phản đối chiến tranh xâm lược, ra sức bảo vệ hòa bình và quyền bình đẳng, quyền tự quyết định vận mệnh, con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. V.I.Lênin nêu rõ: “Chiến tranh là một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và kêu gọi chính phủ tất cả các bên can dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất phải đình chiến và tiến hành những cuộc thương lượng, đàm phán hòa bình để “ký kết một hòa ước hòa bình ngay lập tức” mà không cưỡng bức, không thôn tính, không xâm chiếm đất đai của nhau và không được sáp nhập các dân tộc khác vào lãnh thổ của mình.

Như vậy, ngay từ lúc ban đầu, chủ trương của Lênin là không sử dụng bạo lực cách mạng. Thế giới có câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng: "nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh".  Những người Bolshevik Nga, binh lính và nhân dân lao động Nga chỉ sử dụng bạo lực khi bị đàn áp bằng bạo lực.

Có phải người Nga đã “vứt cuộc cách mạng này vào sọt rác” (?)

Người Nga không những không quên cuộc cách mạng này mà còn vẫn luôn nhắc nhớ về nó.

Trung tâm Phân tích Levada, một trung tâm uy tín về phân tích chính trị đã từng mở muộc thăm dò dư luận để nắm bắt ý kiến của người Nga về cuộc cách mạng này. Kết quả có 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga. 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Trong khi đó, chỉ có 16% ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân. Cũng vậy, chỉ 15% cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga là một tai họa đối với họ.

Kể từ khi lên nắm giữ vận mệnh nước Nga, ngài Putin đã có nhiều phát biểu về những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng này.

Trong phát biểu ngày 30-12-1999 với tiêu đề: “Nước Nga buổi giao thời thiên niên kỷ” Tổng thống Putin đã đánh giá rằng: “Trong thế kỷ sắp trôi qua này, nước Nga đã có 3/4 thời gian sống với những mục tiêu và lý tưởng cộng sản. Nếu có ai đó phủ nhận thành quả của chủ nghĩa Cộng sản thì quả là sai lầm nghiêm trọng... Nếu chúng ta không nhận thức chính xác về vị trí của người dân và xã hội thì chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt, lúc này sai lầm sẽ càng trầm trọng hơn”. Tháng 7-2001, trong buổi họp báo, khi nhận được câu hỏi “Ngài đánh giá thế nào về sự đổ vỡ của Liên Xô?”. Tổng thống Putin đã trả lời: “Ai không tiếc cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có lương tâm; Ai muốn khôi phục Liên Xô trong quá khứ, người đó không có đầu óc”. Ngài Putin cũng từng khẳng định vào tháng 2-2004 rằng: “Liên Xô tan rã là bi kịch lớn của toàn dân tộc”, đất nước sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề như ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị...”.

Không những vậy, Tổng thống Putin luôn dùng từ “đồng chí” của những người cộng sản trong các cuộc diễn tập kỷ niệm chiến thắng phát xít. Ngài Putin cũng là người quyết định giữ nguyên hiện trạng thi hài Lênin và quyết định lấy bản nhạc của Quốc ca Liên Xô làm nhạc cho Quốc ca Liên bang Nga.

104 năm sau cuộc cách mạng vĩ đại này, thế giới vẫn chưa ngớt tiếng súng. Các cuộc chiến tranh tranh giành tài nguyên, tranh chấp chủ quyền, biển đảo, những xung đột về sắc tộc, tôn giáo vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Dịch bệnh, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng xã hội ngày càng khủng khiếp. Chừng nào thế giới còn đầy dẫy bất công và bạo lực thì khi ấy những lý tưởng cao đẹp mà Cách mạng tháng 10 chỉ ra từ 104 năm trước vẫn còn giá trị./.

Viễn Trung