Ngày đăng: 29-08-2019 Lượt xem: 2580
Chiều hôm qua, trên trang facebook cá nhân của Ngọc Vinh, một đảng viên, đồng thời là một nhân viên một tờ báo lớn của Thành phố, đăng bài Chuẩn bị vĩnh biệt… Đảng. Bài đăng chưa lâu thì đã có hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Một số trang web, blog… tiêu cực, xấu độc như Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn, Nguyễn Trọng Hùng, Đoàn Dũng, Việt Nam Tự do… cũng chia sẻ, đăng lại bài này. Trong bài viết, dù bằng một thái độ tếu táo, nhưng tác giả không giấu được thái độ hằn học với việc được (bị?) “đưa vào diện rà soát để đưa ra khỏi Đảng” và “đa số biểu quyết đồng ý”. Tác giả viết: “Thật ra nói Đảng đá đít mình là oan cho Đảng, mà phải nói là anh em đá đít mình thì đúng hơn”, trong bối cảnh như tác giả cho biết “chỉ còn có 3 tháng làm báo chính danh cuối cùng”. Tuy nhiên, những người hiểu chuyện hẳn sẽ thấy rằng việc “đa số biểu quyết đồng ý” để loại một đồng chí của mình ra khỏi Đảng là chuyện chẳng đặng đừng, khi đồng chí, đồng nghiệp của mình mắc nhiều khuyết điểm, đã được tổ chức nhắc nhở, giáo dục nhiều lần nhưng không có chuyển biến tích cực (trước đó nhà báo này đã bị kỷ luật về mặt nghề nghiệp bằng hình thức rút thẻ nhà báo). Đó là một biểu hiện suy thoái mà Đảng đã có chỉ thị phải sàng lọc và đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ chuẩn chất và không còn thiết tha với lý tưởng của Đảng nữa.
Thực ra, cái tứ “vĩnh biệt Đảng” không phải do cựu nhà báo này đặt ra. Một số đảng viên trước đây khi vi phạm kỷ luật của Đảng, bị khai trừ ra khỏi Đảng hoặc đang tiến hành các thủ tục khai trừ đã tự tuyên bố “bỏ Đảng” cũng đã sử dụng cụm từ này. Họ coi hành động của mình là một sự đoạn tuyệt với Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức mà họ từng giơ nắm tay lên thề sẽ tuyệt đối trung thành.
Xét cho cùng, sự trung thành với một lý tưởng không phải là điều bất biến. Do đó, việc thề đi theo lý tưởng của Đảng nhưng rồi sau đó phản bội lời thề cũng không có gì khó hiểu. Tương tự như vậy, phấn đấu trở thành đảng viên nhưng rồi vì lý do gì đó ra khỏi Đảng cũng nên được nhìn nhận như vậy. Tức là, Đảng không phải là một tổ chức khép kín, “có vào mà không có ra” và đảng viên cũng không phải là một danh hiệu hay danh xưng suốt đời, nhất là khi người đó không còn thể hiện tư cách, vai trò của mình trong tổ chức và với nhân dân nữa. Không chỉ vậy, bên cạnh yếu tố tự nguyện (tự nguyện xin vào Đảng, tự nguyện xin ra Đảng) thì Đảng còn có yếu tố kỷ luật, có nghĩa là đảng viên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Đảng, nếu vi phạm thì Đảng có thể xử lý kỷ luật, mà hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, có một điều khác đáng nói liên quan đến cụm từ “vĩnh biệt Đảng” cũng cần lưu ý thêm. Sự ra đời và giữ lấy vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan của lịch sử. Phong trào cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau các phong trào và một số đảng phái khác nhưng với đường lối đúng đắn, phù hợp, với mục tiêu rõ ràng, với những đảng viên trung kiên, tận hiến, đã dần khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình và giữ vững vai trò đó trong suốt gần 3/4 thế kỷ qua. Ai đó nói “vĩnh biệt Đảng” với nhận thức “chia tay Đảng” thì có thể chấp nhận, chứ nếu mang nghĩa “không còn liên quan gì đến Đảng” hoặc “Đảng (sắp) tan rã” là điều viển vông, mộng tưởng.
Có thể ai đó không thích Đảng Cộng sản Việt Nam mà ra nước ngoài sinh sống và không liên hệ gì với đất nước nữa, còn lại những người sống ở đất nước này sẽ tiếp tục thụ hưởng sự vươn lên, lớn mạnh của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi đó, cái gọi là “vĩnh biệt Đảng” chỉ một lối nói tự huyễn hoặc, tự lừa dối mình, bởi môi trường sống của họ chắc chắn ít nhiều có được từ thành tựu chung của đất nước, của xã hội do sự lãnh đạo của Đảng.
Cho nên, dẫu ai đó không còn là đảng viên thì cũng nên nhận thức rõ điều đó! Còn nếu người nào đã phản bội lại lý tưởng của Đảng mà còn phủ nhận tất cả thành tựu của Đảng thì hẳn lý trí của họ có vấn đề rồi!
Ngũ Yên