flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Về cuộc gặp của Nguyễn Ái Quốc với nhà thơ Osip Mandelstam

Ngày đăng: 29-06-2020 Lượt xem: 2664

Khoảng tháng 12-1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Osip Emilyevich Mandelstam, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist (Đỉnh cao) của Nga. Đây chính là người đã có một nhận xét cực kỳ tinh tế về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, khi đó Người chưa phải là lãnh tụ của một đảng cách mạng hay là nhà lãnh đạo của một đất nước…

Nhà thơ Osip Emilyevich Mandelstam sinh ngày 15-1-1891 tại Warszawa (Ba Lan), trong một gia đình người Do Thái được coi là giàu có. Năm 1897, cả gia đình ông chuyển đến Saint Pertersburg (Nga). Năm 1911, ông theo học Đại học Saint Pertersburg và tốt nghiệp năm 1917. Mandelstam bắt đầu sự nghiệp thơ ca như một nhà thơ của phái hình tượng, chịu ảnh hưởng của Fyodor Sologub (nhà thơ, nhà văn Nga, 1863 – 1927) và Fyodor Ivanovich Tyutchev (nhà thơ Nga, 1803 – 1873). Cuối năm 1912, ông tham gia phái Asmeist, kết bạn với Anna Akhmatova (nhà thơ Nga, 1889 – 1966), Nikolay Stepanovich Gumilyov (nhà thơ Nga, người sáng lập trường phái Asmeist, 1886 – 1921), xuất bản tập thơ đầu mang tên Đá, ba ấn bản vào các năm 1913, 1916, 1922, mỗi ấn ản đều có bổ sung). Thời kỳ Thế chiến I và Cách mạng tháng Mười Nga (1916 - 1920), Mandelstam hoàn thành tập thơ thứ hai mang tên Tristia, xuất bản năm 1922,  đến năm 1923 in lại dưới tên Quyển sách thứ hai đề tặng Nazezhda Khazina, vợ của nhà thơ. Những năm 1925 – 1930, Mandelstam chỉ viết văn, năm 1930 ông mới quay lại với thơ.

Một số tác phẩm khác của Mandelstam có thể kể như Tiếng ồn của thời gian (văn xuôi, năm 1923), Con tem Ai Cập (văn xuôi, năm 1927), Lời nói và văn hóa, tiểu luận, năm 1922), Về bản chất của lời nói, tiểu luận, năm 1922), Những ghi chép ở Voronezh, văn xuôi, năm 1935–1937), Về thơ ca, văn xuôi, năm 1928), Trò chuyện về Dante (văn xuôi, năm 1933), Thơ về người lính vô danh (thơ, năm 1937)…

Mandelstam mất ngày 27-12-1938  ở Vladivostok[1].

Cuộc gặp giữa nhà thơ Liên Xô bấy giờ đã có tên tuổi với một nhà hoạt động cách mạng từ một quốc gia châu Á xa xôi đang là một chiến sĩ cộng sản được Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử ghi lại như sau:

“Tháng 12, trước ngày 23. Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam khi đang hoạt động ở Liên Xô.

 Thuật lại cuộc gặp gỡ đó, nhà thơ đã viết một bài báo nhan đề Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Tạp chí Ogoniok số 39, ghi lại những lời của Nguyễn Ái Quốc nói về nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Khi nêu lên tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chính sách thực dân của Pháp, Nguyễn Ái Quốc nói: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bolshevik” và “Lenin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm; và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bolshevik và Lenin…”[2].

Về Osip Mandelstam, Hồ Chí Minh toàn tập (tập 1) đã ghi chú ở phần cuối sách: “Sinh trong một gia đình thương gia Nga. Làm thơ từ trẻ; năm 1909, có thơ in trên báo lần đầu tiên. Sau Cách mạng tháng Mười, tham gia các cơ quan tuyên truyền văn hóa; sáng tác nhiều thể loại, nghiên cứu văn học và viết báo. Mandelstam gặp Nguyễn Ái Quốc để phỏng vấn tháng 12-1923 và viết bài đăng trên báo Ogoniok”[3].

Cuộc gặp giữa nhà thơ, lúc đó là một nhà báo, với một nhà báo khác, đồng thời là một nhà tranh đấu có quyền độc lập cho dân tộc của mình, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà thơ. Ta nghe Mandelstam kể lại: “‘Phong trào bất bạo động của Gandhi có ảnh hưởng đến Đông Dương không? Có làn sóng, tiếng vang nào lan đến không’? Tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc. ‘Không - người trò chuyện cùng tôi trả lời - người nông dân An Nam đang sống trong đêm tối của địa ngục, không có báo chí, không biết về những gì đang xảy ra trên thế giới. Chỉ có đêm, đêm sâu thẳm mà thôi’. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam duy nhất ở Moscow - đại diện của một chủng tộc Mã Lai cổ (theo hiểu biết của người châu Âu lúc bấy giờ - người trích). Anh ấy nhỏ nhắn, mỏng mảnh nhưng rất linh hoạt trong chiếc áo khoác len. Nói bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của kẻ đi áp bức, nhưng những âm thanh được phát ra vẫn mang âm hưởng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình...”.

Mandelstam viết tiếp: “Nguyễn Ái Quốc phát âm từ “nền văn minh” một cách ghê tởm; anh đã đi hầu hết thế giới thuộc địa, đã từng ở Bắc và Trung Phi và quan sát đủ mọi ngóc ngách. Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh thường dùng từ “anh em”. Anh em - đó là người da đen, người Ấn Độ, Syria, Trung Quốc. Anh đã viết thư cho René Maran, người da đen quốc tịch Pháp, tác giả của tác phẩm Batouala[4] và đặt câu hỏi thẳng thắn: Maran muốn hay không muốn giúp đỡ sự nghiệp giải phóng của những người anh em các nước thuộc địa. René Maran được Viện Hàn lâm Pháp quàng cho vòng hoa danh dự, đã trả lời một cách thận trọng và lảng tránh.

‘Tôi lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở An Nam. Ở đó, thanh niên nghiên cứu Khổng giáo. Anh biết rồi đó, Khổng giáo không phải là một tôn giáo mà là một khoa học về những kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó, người ta đưa ra khái niệm “thế giới đại đồng”. Khi là một cậu bé ở tuổi 13, tôi lần đầu tiên đã nghe đến những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái và tình anh em - đối với chúng tôi tất cả người da trắng đều là người Pháp. Tôi muốn tìm hiểu nền văn minh của Pháp để biết xem cái gì ẩn đằng sau những từ ấy. Nhưng ở các trường Pháp dành cho người bản xứ, người Pháp dạy như dạy con vẹt. Người ta ngăn cấm chúng tôi tiếp xúc với sách báo, không chỉ là những nhà văn mới mà ngay cả Rousseau và Montesquieu. Tôi đã làm gì? Tôi quyết định đi ra nước ngoài. Người An Nam bị xem là nông nô. Chúng tôi không chỉ bị cấm du lịch, mà còn bị cấm đi lại trong nước. Đường sắt được xây dựng cho các mục đích chiến lược riêng: trong con mắt người Pháp, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng những tuyến đường này. Tôi đã ra đi bằng đường biển. Lúc đó tôi 19 tuổi. Ở Pháp, các cuộc bầu cử đang diễn ra. Giới tư sản đang lừa phỉnh nhau’.

Gương mặt Nguyễn Ái Quốc nhăn lại một cách khinh bỉ. Đôi mắt nặng nề, u ám bỗng bừng lên. Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm…”.

Rõ ràng những điều Mandelstam thuật lại hoàn toàn trùng khớp với các tư liệu khác về Hồ Chí Minh ở các tài liệu khác mà sau này chúng ta đều biết. Nhưng cách kể lại của nhà thơ cho thấy ông có sự quan sát tỉ mỉ, sự đồng cảm sâu sắc và nhận xét tinh tế. Nhất là đoạn sau đây: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc chúng ta như nghe thấy ngày mai, như nghe thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. Đoạn trích này được rất nhiều người dẫn lại như là một minh chứng hùng hồn không chỉ về sự nhạy cảm của nhà thơ Mandelstam mà còn về sự thuyết phục, sức hấp dẫn bằng chiều sâu văn hóa của một nhà lãnh đạo cộng sản, bấy giờ có thể vẫn chưa có được độ chín về trí tuệ và cũng chưa đạt để đỉnh cao về tầm vóc.

Bài báo này của Mandelstam hẳn là một văn bản rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những người nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Rất may, cách đây gần 14 năm, một bản sao của bài báo nổi tiếng này đã được phía Nga trao cho Việt Nam, như tường thuật của Báo Sài Gòn Giải phóng vào tháng 5-2011: “Cuối tháng 11-2006, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga V.Putin đã thay mặt Nhà nước Liên bang Nga trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tập tài liệu và ảnh về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô giai đoạn 1923 - 1924 và 1934 - 1938, trước đó được lưu giữ tại Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Quốc gia Nga (ngày 30-11-2006 Văn phòng Chủ tịch nước đã bàn giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh). Trong số này có bản sao bài báo của nhà thơ Xô viết Osip Emilyevich Mandelstam viết về buổi gặp gỡ với người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Ogoniok) số 39 ra tháng 12-1923. Thời gian này Người đang dự Hội nghị Quốc tế nông dân ở Moscow, còn Osip Emilyevich Mandelstam là phóng viên Tạp chí Ogoniok”[5].

Sau gần 100 năm nhìn lại cuộc gặp của một nhà thơ Xô viết với một lãnh tụ cộng sản Việt Nam ta vẫn cảm thấy vô cùng thú vị về dự cảm của nhà thơ đối với vị lãnh tụ đó. Hẳn phải là một chiều sâu tri thức và văn hóa, một độ dày về chính trị và một độ nhạy bén về sự rung cảm, Mandelstam mới nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc điều mà mãi khá lâu về sau mọi người mới nhìn rõ. Điều đó càng khiến chúng ta tự hào về Hồ Chí Minh!

NGŨ YÊN

 

[1] Đoạn này có dẫn tư liệu từ trang https://en.wikipedia.org/wiki/Osip_Mandelstam.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.517.

[4] Batoula là tiểu thuyết của nhà văn người Pháp gốc Mauritius René Maran (1887 – 1960) vào năm 1921. Batouala là tên một bộ lạc ở xích đạo châu Phi. René Maran là nhà văn Pháp da đen đầu tiên đoạt giải thưởng Prix Goncourt (năm 1921), giải thương văn chương Pháp dành cho tác giả có "tác phẩm văn xuôi hay nhất và giàu trí tưởng tượng nhất của năm".

[5] Việt Khoa, Câu chuyện mùa đông năm 1923 ở Mátxcơva, Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 20-5-2011.