flag header

Tin tứcChống DBHB

Về một nội dung giễu nhại của RFA với công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam

Ngày đăng: 21-08-2021 Lượt xem: 2528

Ngày 19-8-2021, Fanpage của Đài Á châu Tự do (RFA) đã đăng một status là đồ họa được thiết kế từ 3 tiêu đề của 3 bài viết đăng trên các báo và trang thông tin điện tử trong nước về công tác phòng chống dịch của Việt Nam với chỉ một câu hỏi: “Chống dịch COVID-19 theo kiểu Việt Nam?”. Đó là các bài viết: Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19-5-2020; Vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong phòng, chống dịch Covid-19, đăng trên Trang Thông tin điện tử của Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, ngày 30-7-2021; Phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đăng trên Báo Đồng Nai ngày 18-8-2021. Với cách khơi gợi và dẫn dắt đó, sau khoảng 15 giờ, status này đã thu hút 3.500 lượt tương tác, hơn 500 lượt bình luận và hơn 200 lượt chia sẻ, trong đó có nhiều bình luận châm biếm, mỉa mai lẫn công kích công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam hiện nay.

Trước hết, phải khẳng định ngay status này của RFA có dụng ý rất xấu, đã cắt cúp nội dung, xuyên tạc các bài viết được nêu và công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đây là cách mà RFA thông tin về tình hình chống dịch của nước ta trong suốt thời gian qua, đầy sai lệch, vô cảm, độc ác.

Hẳn chúng ta không lạ gì với câu chuyện sau đây: Về tác dụng và cách dùng của nhân sâm, đã có một lời khuyên: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử” (Đau bụng uống nhân sâm thì chết). Chuyện xưa kể lại, có một thầy thuốc sau khi cho một bệnh nhân bị đau bụng uống nhân sâm thì người này đã tử vong. Người nhà truy vấn, thầy thuốc cho rằng mình không hề có một sai sót gì cả! Vì trước đó, ông đọc rất kỹ sách, thấy chỉ rõ: “Phúc thống phục nhân sâm...”, tức là “đau bụng uống nhân sâm...”. Đáng tiếc là, thầy thuốc đã chưa đọc hết 2 chữ nữa ở trang sau: “tắc tử”, nghĩa là “sẽ chết”... Như vậy, cách mà RFA chỉ dẫn lại các tiêu đề bài viết mà tách ra khỏi nội dung của nó chẳng khác nào việc ông thầy thuốc đọc sót 2 chữ ở trang sau!

Đi vào các bài viết, chúng ta cũng không khó nhận ra những sai lầm (một cách cố ý) của RFA. Cả 3 tiêu đề của bài viết nêu trên có dùng những chữ rất quan trọng là “vận dụng” (2 lần) và “phát huy”, nói đầy đủ hơn là “vận dụng sáng tạo” (2 lần) và “phát huy những bài học kinh nghiệm”, điều này cho thấy các bài viết đang bàn về phương pháp luận. Người thạo tiếng Việt đều hiểu “vận dụng” là “đem tri thức, lý luận, áp dụng vào thực tiễn”, khác với “áp dụng”, vốn có nghĩa là “dùng trong thực tế những điều đã nhận thức được”. Tức là, nói “vận dụng” là nhắc đến cách người ta dùng lý luận để tìm ra phương pháp xử lý vấn đề, còn “áp dụng” là dùng ngay kiến thức đã học được để trực tiếp xử lý vấn đề đó.

Thí dụ, chúng ta có thể vận dụng nguyên lý về sự phát triển vào thực tiễn, để từ đó hiểu rằng mọi thứ luôn cần phải có thời gian tích lũy, khi tích lũy đạt đến một mức độ nhất định thì đòi hỏi phải bước tiến lên một bậc mới, tiến bộ hơn, phát triển hơn. Từ đó, cần phải tránh tâm lý ù lì, không chấp nhận sự phát triển như một quy luật tất yếu hoặc nôn nóng, chưa tích lũy đủ mà đã muốn tiến lên bậc mới… Tức là, nguyên lý này không chỉ trực tiếp cho chúng ta cách sống, cách ứng xử nhưng từ đó ta có thể học được cách sống, cách ứng xử. Trường hợp khác, chúng ta có thể áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghĩa là ta dùng cụ thể những điều mình học được, mình tích lũy được để phục vụ cho hoạt động sản xuất, như kỹ thuật tưới nhỏ giọt, kỹ thuật dùng chế phẩm sinh học để trừ sâu bệnh… Tức là ta trực tiếp đem kiến thức cụ thể mình tiếp thu được vào thực hiện đúng như thế trong thực tế để đạt kết quả như mong muốn.

Rõ ràng là qua status nêu ở trên, RFA đã cố tình đánh tráo các khái niệm để dẫn dắt người đọc đi đến một nhận thức sai lệch, sai lầm có lợi cho mong muốn của họ.

Đi vào cụ thể từng bài viết, sự sai lầm của RFA càng nhiều hơn. Trong bài viết ở Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả nêu rõ, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, phải vận dụng sáng tạo tư tưởng lấy dân làm gốc, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh toàn dân, về tấm lòng nhân văn cao cả, về đoàn kết, trách nhiệm quốc tế, về phong cách làm việc sát sao, quên mình vì nhân dân… Tức là, trên cơ sở các nguyên lý đó, tùy điều kiện cụ thể mà mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân có thể vận dụng một cách linh hoạt, chủ động, sáng tạo để hình thành nên cách thức, phương pháp phù hợp. Chứ bản thân từng quan điểm đó chưa chỉ ra cụ thể chúng ta phải làm gì để phòng, chống dịch.

Trong bài viết ở Trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, tác giả nhấn mạnh đến những nguyên lý thế giới quan trong chỉnh thể phương pháp luận, đó là việc “tổng kết, đúc kết sự hiểu biết chính xác, khoa học và đầy đủ về một đối tượng, về một sự vật, về một quá trình trong phạm vi cho đến thời điểm đó”. Điều này chỉ ra rằng, muốn phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả thì phải nắm bắt các các yếu tố khách quan của dịch, như nguyên nhân, cơ chế lây lan, hậu quả đối với từng nhóm đối tượng, cơ chế kiểm soát, kinh nghiệm thực tiễn… Nắm bắt được những yếu tố này sẽ có căn cứ khoa học để xử lý, tránh chủ quan, duy ý chí hoặc hoang mang thái quá. Điều đó rõ ràng là có ý nghĩa rất quan trọng để phòng, chống dịch hiệu quả.

Còn bài viết ở Báo Đồng Nai, tác giả đúc kết các bài học kinh nghiệm chủ yếu từ Cách mạng tháng Tám mà từ đó có thể phát huy và vận dụng trong công tác phòng chống dịch hiện nay, đó là các bài học phải có một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, luôn nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; nắm bắt thời cơ, đề ra được những quyết sách chính xác và kịp thời đưa cách mạng đến thắng lợi quyết định; vai trò sức mạnh to lớn của nhân dân và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân; đại đoàn kết toàn dân tộc… Chẳng hạn, nói về vai trò của Đảng trong công tác phòng chống dịch, có thể đi từ quan điểm nhất quán hết sức nhân văn và tiến bộ là đặt sức khỏe và tính mạng nhân dân lên trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau, phát huy vai trò của nhân dân cùng toàn bộ hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho nhân dân, tăng cường sự nêu gương của đảng viên trong công tác phòng chống dịch… Thực tiễn thời gian qua cho thấy, những điều đó đến thời điểm này vẫn hoàn toàn đúng đắn và đang phát huy ý nghĩa trong thực tiễn.

Một trong nhiều phương pháp luận của các phần tử phá hoại là dùng thuật ngụy biện để chứng minh điều không thành có, sai thành đúng, biến hiện tượng cá biệt thành cái phổ biến… Về hình thức, những thông tin, lập luận họ đưa ra có vẻ chặt chẽ, chính xác, nhưng về bản chất là sai lầm hoàn toàn. Status nêu trên của RFA là một trong thí dụ điển hình. Nếu người tiếp nhận không tỉnh táo, không truy nguyên nội dung thực sự lại a dua với các bình luận sai lầm thì có thể dẫn đến nhận thức sai lầm, rồi có thể có hành động sai lầm. Do đó, mỗi người đọc nên hết sức thận trọng và cảnh giác!

NGŨ YÊN