flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Về Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) - Bánh mì và hoa hồng

Ngày đăng: 08-03-2018 Lượt xem: 1649

Trong tác phẩm nổi tiếng Đường cách mệnh xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh đã dành hẳn một phần nói về phụ nữ quốc tế. Người viết: “Ông Các Mác nói rằng: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?". Ông Lênin nói: "Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công". (…) Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước (1).

Như vậy, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đòi quyền bình đẳng, các quyền lợi cũng như vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng.

Cuộc biểu tình của đòi quyền lợi của phụ nữ trên thế giới. Ảnh: Diván Inquieto

Ngày Quốc tế Phụ nữ (International Women’s Day), ban đầu được gọi là “ngày phụ nữ làm việc quốc tế”, được tổ chức vào ngày 8-3 hàng năm. Các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ được cho là bắt đầu từ năm 1857. Ngày 8-3-1857, các công nhân ngành dệt đã đấu tranh chống lại những điều kiện làm việc khắc nghiệt tại New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. Ngày 8-3-1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8-3-1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin (1857 – 1933) đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để kỷ niệm những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 8-3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Từ đó, nhiều hoạt động đòi quyền bình đẳng và các quyền lợi khác cho phụ nữ được tổ chức thường xuyên hàng năm.

Ngày 8-3-1975, LHQ bắt đầu chính thức tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ; năm 1977, LHQ đã thông qua một nghị quyết công bố Ngày Liên hiệp quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế (United Nations Day for Women's Rights and International Peace) và khuyến nghị các quốc gia thành viên tổ chức ngày này với các hành động phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa. Và ngày 8-3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, ngày Quốc tế Phụ nữ được xem là ngày lễ chính thức tại Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraine, Uzbekistan, Việt Nam…

Năm 1912, nhà thơ Mỹ James Oppenheim (1882 – 1932) đã viết bài thơ Bread and Roses sau lần diễn hành của 14.000 người đình công tại Lawrence, Massachusetts. Bài thơ có nhiều câu đầy tính chiến đấu:

“Khi chúng ta đi diễu hành, diễu hành trong ngày đẹp trời,

Một triệu nhà bếp tối tăm, một ngàn nhà máy màu xám,

Được soi rọi bởi tất cả vẻ đẹp trong sáng của mặt trời đột ngột xuất hiện,

Đối với những người nghe chúng tôi hát: "Bánh mì và hoa hồng! Bánh mì và hoa hồng!"

Khi chúng ta đi diễu hành, diễu hành, chúng ta chiến đấu cho cả đàn ông

Cho trẻ con và chúng ta là mẹ chúng một lần nữa

(Cho đàn ông có thể không bao giờ tự do cho đến khi tình trạng nô lệ của chúng ta chấm dứt)

Cuộc sống của chúng ta sẽ không cực nhọc từ khi sinh ra cho đến khi cuối đời

Trái tim cũng đói khát như thể xác, hãy cho chúng tôi bánh mì cũng cho chúng tôi cả hoa hồng…

(…) Khi chúng ta đi diễu hành, diễu hành, chúng ta mang lại những ngày tốt đẹp hơn

Sự trỗi dậy của phụ nữ cũng đồng nghĩa với sự trỗi dậy của loài người

Không có thêm người khổ nhọc và kẻ nhàn rỗi, mười kẻ nhọc nhằn cho một nhàn rỗi

Nhưng, chia sẻ vinh quang của cuộc sống: Hoa hồng và bánh mì! Hoa hồng và bánh mì!”.

Trong bối cảnh hiện nay, bánh mì và hoa hồng cho phụ nữ có thể hiểu là những đòi hỏi về quyền lợi vật chất (kinh tế) và tinh thần (chính trị). Trên thực tế, các đòi hỏi này vẫn đang thách thức đối với phụ nữ nói riêng và nhân loại nói chung. Về vật chất, yêu cầu về quyền được sống, được an toàn, được làm việc, được có cuộc sống phù hợp… vẫn chưa đến được với tất cả phụ nữ trên thế giới. Về tinh thần, yêu cầu được bình đẳng với nam giới, được học tập, được cống hiến, thể hiện mình, được tự quyết những vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân của mình… vẫn còn khác xa nhau giữa các nước. Ở một số nước đang có xung đột sắc tộc, tôn giáo hay một số nước còn chậm phát triển, phụ nữ luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, hi sinh. Phụ nữ vẫn còn phải làm lụng vất vả nhưng lại là đối tượng bị chà đạp, bị mất tự do, không được học hành, không được tham gia các công việc của cộng đồng, xã hội… Tại nhiều nơi, phụ nữ vẫn còn lệ thuộc vào nam giới và chịu sự chi phối nặng nề của các tập tục, quan niệm đạo đức, kể cả pháp luật.

Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới và phát triển toàn cầu năm 2012 của Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Ở một số khu vực, tốc độ tiến bộ về bình đẳng giới còn hạn chế - kể cả ở những nước phát triển. Phụ nữ và trẻ em gái nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa, người tàn tật hay dân tộc thiểu số tiếp tục là những đối tượng chịu thiệt thòi”. Báo cáo nêu cụ thể: “Ở hầu hết các quốc gia, không phân biệt thu nhập, phụ nữ phải gánh phần lớn công việc nhà và chăm sóc gia đình, trong khi nam giới chủ yếu chịu trách nhiệm làm kinh tế. Khi tất cả các hoạt động này gia tăng, phụ nữ thường phải làm việc nhiều giờ hơn nam giới, và điều này ảnh hưởng đến thời gian giải trí và hạnh phúc của họ. Và ở khắp mọi nơi trên thế giới, phụ nữ dành nhiều thời gian mỗi ngày để chăm sóc gia đình và làm việc nhà hơn người chồng: chênh lệch thời gian làm việc nhà dao động từ 1 đến 3 tiếng, thời gian chăm sóc gia đình (con cái, cha mẹ già, người bệnh) dao động từ 2 đến 10 lần, và thời gian tham gia các hoạt động thị trường thấp hơn nam giới từ 1 đến 4 tiếng. Thậm chí ngay cả khi phụ nữ dành nhiều thời gian làm việc thị trường hơn người chồng, họ vẫn phải chịu trách nhiệm chính cho việc chăm sóc gia đình và làm việc nhà…”.

Trong bối cảnh đó, bánh mì và hoa hồng cho phụ nữ thực chất là cho tất cả mọi người và cuộc đấu tranh này vẫn còn tiếp diễn một cách đầy cam go, thử thách!

                                                                                                                                                   Trúc Giang

 

 

 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.313-314. Ngôn ngữ tác giả dùng trong tác phẩm này là ngôn ngữ tiếng Việt hồi đầu thế kỷ XX, nên có một số từ có thể hiện ít được dùng hoặc còn dùng nhưng có cách hiểu không giống như bây giờ.