Ngày đăng: 30-08-2020 Lượt xem: 4105
Sau khi lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong cả nước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, bằng bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và các nước trên thế giới về nền độc lập của Việt Nam, về quyền con người và quyền của dân tộc. Tuyên ngôn thể hiện ý nghĩa sâu sắc cả về mặt đối nội lần đối ngoại, cả cho dân tộc Việt Nam lẫn các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới. “Bản Tuyên ngôn đã kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng kế thừa giá trị tiến bộ của nhân loại. Tuyên ngôn Độc lập không những có giá trị về chính trị, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới”[1].
Nói về quyền của dân tộc Việt Nam, trong Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một khẳng định bất hủ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khẳng định này nêu lên 3 thông điệp quan trọng: nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập một cách chính đáng và hiển nhiên; trên thực tế, dù có thông qua tuyên bố này hay không, nước Việt Nam cũng đã thực sự trở thành một nước tự do và độc lập; đồng thời, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ kiên quyết giữ vững quyền tự do và độc lập đó bằng mọi giá. Đó quả thực là một khẳng định sắc sảo và đanh thép!
Về quyền được hưởng tự do và độc lập, trong Tuyên ngôn, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những lý do chính đáng để Việt Nam xứng đáng nhận được quyền ấy.
Thứ nhất, Tuyên ngôn đã nêu lên một luận điểm: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Khẳng định này có hai ý nghĩa quan trọng: một là, người Việt Nam đã giành được chính quyền từ phát xít Nhật[2] mà phát xít Nhật đã bị Đồng Minh đánh bại thì người Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập. Hai là, quan điểm này cũng bác bỏ luôn ý kiến cho rằng Việt Nam (và cả Đông Dương) là lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nay Pháp và các nước Đồng Minh thắng trận thì Việt Nam đương nhiên phải được trả lại cho người Pháp, bởi trên thực tế Pháp đã dâng quyền cai trị (mà họ gọi là “bảo hộ”) nước ta cho người Nhật những hai lần (lần đầu vào mùa thu năm 1940, lần thứ hai vào ngày 9-3-1045) nên họ không còn quyền gì nữa ở xứ sở này.
Thứ hai, Hồ Chí Minh tuyên bố với nhân dân trong nước và thế giới rằng nhân dân Việt Nam “đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Ở các phần trên, Tuyên ngôn Độc lập đã tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, về kinh tế, về chính trị, về giáo dục… Cho nên, Tuyên ngôn mặc nhiên khẳng định rằng, đánh đổ một chế độ thực dân đã nô dịch nhân dân ta một cách tàn bạo – thực chất là trái ngược hoàn toàn với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của chính cách mạng Pháp năm 1791 – thì xứng đáng được tự do và độc lập. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ tất cả các xích xiềng nô lệ của Pháp áp đặt ở Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam xứng đáng được hưởng tự do và độc lập theo luật pháp quốc tế, mà trên hết là nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trên tinh thần của Hội nghị Tehran và San Francisco[3]. Chúng ta biết rằng Hội nghị Tehran diễn ra từ ngày 28-11 đến 1-12-1943 tại Đại sứ quán Liên Xô ở Tehran (Iran), là một trong những cuộc hội đàm đầu tiên về sự thành lập của Liên hiệp quốc, giữa ba cường quốc lúc đó là Liên Xô (do Tổng Bí thư Stalin đại diện), Mỹ (Tổng thống Roosevelt) và Anh (Thủ tướng Churchill). Tổng thống Roosevelt lần đầu tiên giới thiệu Stalin ý tưởng về một tổ chức quốc tế bao gồm tất cả quốc gia, để giải quyết những vấn đề chung của nhân loại. Còn Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 24-5 đến 26-6-1945 tại Mỹ với sự tham gia của 50 đại biểu từ các quốc gia Đồng minh. Hội nghị đã thông qua Hiến chương Liên hiệp quốc (có hiệu lực từ ngày 24-10-1945), trong đó khẳng định: “Tuyên bố một lần nữa sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ…”. Như vậy, trên nguyên tắc chung của thế giới, dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng với các dân tộc khác và như thế phải được tự do và độc lập, không thể nào và không chấp nhận là thuộc địa của bất kỳ một quốc gia nào khác.
Thứ tư, dân tộc Việt Nam đã đứng về phía Đồng Minh chống lại phát xít trong suốt Thế chiến II, trên thực tế đã chịu những thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến tranh do phe phát xít gây ra, đã chịu nhiều tổn thất, đau thương từ các chính sách khai thác thuộc địa của các nước xâm lược gây ra, đặc biệt là phát xít Nhật[4]. Nay phe Đồng Minh đã thắng trận, đã đánh bại hoàn toàn các nước phát xít thì Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả từ cuộc chiến đó. Do vậy, “dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” như Tuyên ngôn đã khẳng định.
Rõ ràng rằng, Tuyên ngôn Độc lập đã nêu lên các lý do cả về mặt nguyên tắc (có tính “thuận theo tự nhiên” như Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp đã khẳng định), tính pháp lý lẫn trên thực tế. Do đó, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nhân dân trong nước mà còn có có giá trị tuyên bố rất đanh thép và trịnh trọng với thế giới. “Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam trong hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do đã không chỉ là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam mà còn khẳng định trước công luận: Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập là đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ”[5].
Không chỉ vậy, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam còn vượt xa một số tuyên bố độc lập của nhiều nước, là đã đặt ra vấn đề mang tầm thời đại, đó đòi hỏi quyền độc lập, tự do của tất cả các quốc gia, dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng của nhân dân Việt Nam[6]. Do đó, “giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện ở chỗ: đây là văn bản báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội”[7]. Từ đó cho thấy, giá trị của Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã vượt xa ngoài biên giới Việt Nam, vượt xa thời điểm năm 1945 và hướng nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại đến một tương lai mới xán lạn hơn, tươi đẹp hơn!
TRÚC GIANG
[1] PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, Báo Tiền phong, ngày 2-9-2015.
[2] Trên thực tế, Nhật đã đảo chính và giành độc quyền cai trị Đông Dương từ ngày 9-3-1945. Chính thực dân Pháp đã sớm đầu hàng và dâng nước ta cho phát xít Nhật đồng thời tiếp tay cho Nhật để cai trị nhân dân ta. “Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật” (Tuyên ngôn Độc lập).
[3] Trong Tuyên ngôn Độc lập gọi là Cựu Kim Sơn, theo cách phiên âm Hán Việt trước đây.
[4] Tổn thất lớn nhất có lẽ là nạn đói năm Ất Dậu, diễn ra từ tháng 10-1944 đến tháng 5-1945, diễn ra gần như trong cả nước do chính sách tận thu lương thực của cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật, cùng với tác động trực tiếp của chiến tranh và thiên tai, làm nguồn lương thực bị thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến khoảng 2 triệu người chết đói.
[5] TS. Văn Thị Thanh Mai, Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập, Tạp chí Tuyên giáo số 8-2019.
[6] Chẳng hạn, Tuyên ngôn Độc lập của Indonesia do Sukarno và Hatta tuyên bố rất ngắn gọn và gần như chỉ có ý nghĩa đối với nhân dân Indonesia: “Chúng tôi, người dân Indonesia, từ đây tuyên bố độc lập Indonesia. Các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực được tổ chức công bằng và trong một khoảng thời gian ngắn”.