flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

VỀ THĂM CĂN CỨ NỔI ĐẶC KHU RỪNG SÁC, CẦN GIỜ

Ngày đăng: 13-12-2018 Lượt xem: 7785

Nếu nói địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu Rừng Sác (Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ) là “căn cứ nổi” của quân và dân miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” của kẻ quân thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng đặc công Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động.

Chiến sĩ Rừng Sác diệt cá Sấu. Trong ảnh tái hiện lại một lần hành quân, chiến sĩ Hoàng Dương Chương bị cá Sấu lao tới đớp, anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên cạnh người đâm vào mắt khiến cá Sấu đau quá phải buông con mồi.

Từ một tổ chức quân sự toàn diện, Đặc khu Rừng Sác từng bước đi vào chuyên môn hóa và sau này trở thành một trung đoàn đặc công gọi là “Đoàn 10 Rừng Sác” (thành lập 15/4/1966), thực hiện những nhiệm vụ quân sự “xuất quỷ nhập thần” đã buộc Tướng Mỹ William Westmoreland, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận: những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”.

Đặc khu Rừng Sác nằm ở phía Đông Nam thành phố, là một vùng rừng đước, chà; phía Bắc là khu lòng chảo Nhơn Trạch; phía Đông là quốc lộ 15; phía Tây là sông Soài Rạp; phía Nam kéo dài sát biển Đông. Rừng Sác là nơi tập hợp của hàng trăm sông rạch lớn nhỏ, chằng chịt, ngang dọc, ngoằn ngoèo như mạng nhện, tạo nên những đảo triều xúp nổi giữa mênh mông nước. Sông rạch, đảo triều, rừng cây làm cho Rừng Sác trở thành một khu vực cực kỳ hiểm trở, một “trận đồ bát quái”. Từ những thế kỷ trước đã được Nguyễn Huệ, rồi Trương Định chọn làm căn cứ địa. Trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là địa bàn trú ẩn của những người có chí khí khai sơn phá thạch, khuấy nước chọc trời, cát cứ một cõi, những người trốn lính, phu, thuế, cờ bạc, hút chích bị chính quyền thực dân truy nã; những người là hảo hớn gian hồ, đảng cướp lưu manh, bị xã hội dồn đến chân tường, sống ngoài vòng pháp luật.

Năm 1965 đế quốc Mỹ bị thất bại trong “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”, chuyển sang “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ, chư hầu và phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, địch xác định sông Lòng Tàu là “đường giao thông thủy huyết mạch” cho việc vận tải quân sự từ biển Đông về nội đô Sài Gòn. Và một trong những trận đánh tàu nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông.

Ngoài ra, một trận đánh oai hùng khác của các chiến sỹ đặc công Rừng Sác không thể không nhắc tới là trận đánh kho xăng Nhà Bè với lề thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về”. Trong trận này, chỉ với 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí của đội 5, đoàn đặc công 10 Rừng Sác đã vượt qua sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn khiến kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm”.

Trong cảnh tái hiện chỉ huy đoàn 10 đang nghe các chỉ huy phân đội báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, một trung tâm cung cấp xăng dầu: 50% dân dụng và 50% cho quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, chúng ta cảm nhận được bản hùng ca về chiến công hiển hách mà Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã lập nên như “nổ kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, đánh chìm tàu giặc trên sông Lòng Tàu… Đây còn là nơi lưu dấu muôn đời về nghĩa tình đồng đội, tình quân dân cá nước, về những nông dân chân lấm tay bùn nhưng với lòng yêu nước sắc son vô bờ bến, họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo toàn lực lượng của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, như ba Năm Hổ - người có ba đứa con trai đều hi sinh trên chiến trường; như má Hai Trầu giao liên công khai bị giặc bắt tra khảo, tù đày… Và đúng như lời nhận xét của nguyên Tổng giám đốc kho xăng Nhà Bè trước đây rằng “Một phút chiến công đã tạo bằng 6 tháng ròng chuẩn bị, bằng lòng dân và ý chí căm thù, bằng cả sức mạnh Việt Nam”.

Về thăm đặc khu Rừng Sác, mọi người có thể xem lại những mô hình như nhà Cảnh vệ với vòng ngoài gồm những bãi chông cọc đước, chông đinh, mìn và hỏa lực đánh chặn từ xa. Vòng trong bố trí các quả mìn ĐH để sẵn sàng đánh bật quân địch tiếp cận vào căn cứ; nhà đón tiếp dùng để tiếp khách hoặc có những chuyến hàng tiếp tế vào; hầm trú ẩn chữ A, chữ T, hầm chữ H; khu vực quân y, xưởng quân giới… cùng nhiều cảnh tái hiện chiến sĩ đeo dao găm, lựu đạn, ống thở và kẹp mũi; cảnh trữ nước mưa trong bồn bằng bạt nilon; cảnh nấu nước mặn thành nước ngọt.

Lần nào trở lại Cần Giờ chúng ta cũng thấy thêm yêu thương mảnh đất “gian lao mà anh dũng” này. Tuy không có nhiều dịch vụ như mong muốn nhưng đây là địa chỉ du lịch đa dạng, có truyền thống, có tâm linh, có sinh thái, có rừng, có biển, giao thông khá thuận tiện (trừ việc phải qua phà Bình Khánh hơi lâu); có thể đi xe máy, sáng đi chiều về và đặc biệt là chi phí thấp. Gần đây tuyến đường này đã trồng hoa giấy hàng chục km từ bến phà dẫn đến trung tâm Cần Giờ rất đẹp.

Hoàng Minh