flag header

Tin tứcChống DBHB

Về việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 11-05-2020 Lượt xem: 7073

Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin cho rằng thực chất không hề có chuyện UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng Hồ Chí Minh chưa bao giờ được UNESCO vinh danh. Sự thật có phải như các luận điệu này xuyên tạc?

1. Xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - việc làm có chủ đích của một số người

Chỉ cần sử dụng công cụ tra cứu google, người sử dụng mạng xã hội sẽ đọc thấy rất nhiều các nội dung xuyên tạc về Hồ Chí Minh từ ngày sinh, gia đình, cuộc đời, v.v…Trước những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sĩ quan chế độ Sài Gòn tại Hoa Kỳ là Trần Chung Ngọc lúc sinh thời trong bài viết có tựa đề “Vài nét về cụ Hồ” cho rằng viết về một nhân vật có tầm vóc quốc tế như Hồ Chí Minh hoàn toàn là điều không dễ. Theo Trần Chung Ngọc, viết theo cảm tính thù hận mà không hiểu, không biết gì về Hồ Chí Minh thì rất dễ, vì muốn viết sao cũng được: “Đưa ra những chi tiết lặ vặt, cộng với xuyên tạc, dựng đứng v.v.. nhằm “ám sát tư cách cá nhân” (character assassination), bằng những từ tục tĩu, hạ cấp v..v.. cho hả lòng thù hận, thì có lẽ ai viết cũng được, không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và không cần đến liêm sỉ”. Tác giả cũng cho rằng để viết cho đúng với nhân cách, khả năng, tư tưởng và con người của Hồ Chí Minh thì quả thật là khó, “vì điều này đòi hỏi trước hết là một sự lương thiện trí thức, một sự hiểu biết đứng đắn về cuộc đời của ông Hồ, và nhất là, về ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam”. Tác giả cũng cho rằng sở dĩ tất cả những luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh cuối cùng đều thất bại thảm hại bởi nó không dựa trên bất kỳ sự thật nào.

2. Về việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc…

Phái đoàn Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng Unesco Thế giới khóa 24 ở Paris 1987. Hàng trước trái sang: Thứ trưởng, Đại sứ Hà Văn Lâu. Thứ trưởng, Đại diện UNESCO Việt Nam Nguyễn Di Niên và Phó trưởng ban thư ký Nguyễn Xuân Thắng (giữa hàng 2).

Trong Nghị quyết của mình, Đại hội đồng UNESCO không chỉ khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người" mà còn đồng thời đề nghị Tổng giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam". 

3. Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO khóa 24: một văn kiện quan trọng ghi nhận những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO khóa 24 là một văn kiện rất quan trọng của một tổ chức thuộc Liên hợp quốc đã tôn vinh, ghi nhận những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại. Biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO khóa khóa họp lần thứ 24 đã được xuất bản bằng 6 thứ tiếng (Pháp, Anh, Ả rập, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nga), trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện văn bản này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau Nghị quyết này của UNESCO, rất nhiều nước trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để tưởng niệm và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Ấn Độ là một trong những nước đã giành cho Chủ tịch Hồ chí Minh những tình cảm đặc biệt nhất với rất nhiều các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh người diễn ra ở khắp các diễn đàn, khắp mọi nơi. Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ủy ban quốc gia kỷ niệm lần thứ lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Sekha làm chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh một cách long trọng nhất, lâu nhất với thời gian từ 19-5-1990 đến 19-5-1991. Cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ nước ngoài được Chính phủ Ấn Độ tổ chức kỷ niệm long trọng nhất.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm sôi động ở Ấn Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm và dự đợt kỷ niệm này. Trong buổi tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngài Chandra Sekha, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ đã bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc của toàn thể nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh: “Chính phủ và nhân dân Ấn Độ coi việc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế mà là một trách nhiệm quốc gia của toàn thể nhân dân Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ hết sức kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi người như lãnh tụ Mahatma Gandhi của mình”. Chiều 14-01-1991, tại Calcutta đã diễn ra cuộc mít tinh của hơn hai mươi nghìn người kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Chính phủ Ấn Độ và Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Sekha phát biểu: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con của quần chúng nhân dân. Người là hiện thân của sự kết hợp tinh thần dũng cảm, chí khí kiên cường của một con người hành động với sự nhạy cảm tinh tế của một nhà văn hóa lớn. Người là triết gia, chính khách chân chính, là biểu tượng của ý chí không gì lay chuyển nổi của con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là ngọn cờ cổ vũ đối với các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới”. Cùng ngày 14-01-1991, Hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh, Việt Nam và hòa bình thế giới” được tổ chức tại thành phố Calcutta, bang Tây Bengal. Hội thảo do chính Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ bang Tây Bengal phối hợp tổ chức. Cả Tổng thống và Thủ tướng bang Tây Bengal đều tham dự cùng rất nhiều các học giả trên thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời của hội thảo. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thủ tướng bang Tây Bangal G.Basu đã ca ngợi sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và chủ nghĩa nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng G.Basu đã nhấn mạnh: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam và các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người” v.v…

Phát biểu tại hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn" ở Hà Nội tháng 3/1990, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương Modagat Ahmet, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, khẳng định Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990 và khẳng định: “Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng”. Tiến sĩ Ahmet cũng khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".

Kết luận: Nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Trần Bạt đã rất có lý khi viết rằng: “Rất nhiều người tầm thường cố giải thích một cách tầm thường về Hồ Chí Minh. Bởi vì đã là những con người tầm thường thì giải thích mọi cái đều tầm thường”. Trần Chung Ngọc đã thật chí lý khi đã lấy đoạn kết kết trong cuốn Ho Chi Minh của Jules Archer để kết luận cho bài viết của ông rằng: “Cộng Sản hay không, ông Hồ Chí Minh cũng sẽ đi vào lịch sử như là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, là một trong những khuôn mặt phi thường của thế giới trong thế kỷ này”. Tất cả những luận điệu cho rằng UNESCO không hề vinh danh Hồ Chí Minh là những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý.

TS. Vũ Trung Kiên