flag header

Tin tứcChống DBHB

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Ngày đăng: 25-02-2020 Lượt xem: 2927

Năm 1428 đất nước ta sạch bóng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi thay lời nhà vua để viết nên Bình Ngô đại cáo đọc trong lễ tuyên bố kết thúc chiến tranh, nước Đại Việt từ nay bước sang giai đoạn bốn phương biển cả thái bình. Điều làm nên giá trị nội dung bất hủ của tác phẩm chính là tư tưởng nhân nghĩa truyền thống đã được Nguyễn Trãi đúc kết như một chân lí ngay trong câu mở đầu " VIỆC NHÂN NGHĨA CỐT Ở YÊN DÂN".

Tư tưởng ấy, chân lí ấy là nền tảng của mọi suy nghĩ, hành động, chiến lược, chiến thuật và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấm nhuần quan điểm tiến bộ của Nho giáo, coi dân là gốc (dân vi bản), ý dân là ý trời. Ông cho rằng, bất cứ triều đại nào muôn tồn tại dài lâu và vững mạnh đều phải dựa vào dân, đặt mục đích yên dân lên hàng đầu bởi dân có yên thì nước mới thịnh.

Bệnh nhân nhiễm Codid-19 được điều trị khỏi và xuất viện tại TPHCM

Từ triết lí nhân nghĩa thủy chung đó, ngày 20/2/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020. Công văn nêu rõ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định. Với tinh thần đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho học sinh, giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, UBND TP.HCM có đề nghị về việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên cả nước.

Trước việc làm nhân nghĩa, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ" (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc) của Thường trực UBND Thành phố và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên...Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số "cử nhân mạng, anh hùng bàn phím, lãnh tụ bàn phím " đang viết bài chê bai kiến nghị của Thành phố, có kẻ còn nhân danh "lãnh tụ bàn phím" chê bai, dè bỉu cái tâm, cái tầm và trí của cá nhân Chủ tịch Nguyễn Thành Phong - thật đáng buồn thay.

Thành phố Hồ Chí Minh có số dân là 8.993.028 người, là TP đông dân nhất nước, cũng là TP có đầy đủ 54 dân tộc sinh sống và làm việc (kết quả điều tra dân số đến 0h ngày 1/4/2019), nhưng con số thực tế là khoảng 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, trong đó có nhiều quận huyện dân số còn đông hơn các tỉnh, như quận Bình Tân hơn 784.173 người, Bình Chánh 705.508 người, trong khi xem lại nhiều tỉnh chỉ có 400-500 ngàn dân. Năng suất  lao động tại TP đang gấp khoảng 3 lần cả nước, GDP chiếm 24%, đóng góp ngân sách chiếm 27%. Tức là thu ngân sách TP bằng 55 tỉnh (tính từ dưới lên) cộng lại, cao gấp 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ.

Từ những con số này cho thấy áp lực về phát triển kinh tế, về thu ngân sách của Thành phố là rất lớn, chắc chắn rằng Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chịu áp lực hơn rất nhiều người về trách nhiệm này, hiểu hơn những người khác về trách nhiệm thu và nộp ngân sách...

Vậy! Vì sao Thành phố lại có văn bản kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3? Bởi vì theo thống kê, chỉ tính riêng TP.HCM hiện có hơn gần 2 triệu học sinh với hơn 80.000 giáo viên, và gần 2.300 trường. Đây là thành phố có lượng học sinh lớn nhất cả nước (trong đó có nhiều học sinh tới từ các địa phương khác). Bên cạnh đó TPHCM là một trong những thành phố tập trung đông các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Trên địa bàn thành phố hiện nay có trên 100 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp bao gồm đầy đủ các loại hình đào tạo từ công lập, bán công, dân lập, các trung tâm liên kết đào tạo, có hơn 1 triệu sinh viên cả trong nước và ngoài nước đến học tập. Nếu học sinh chỉ đến trường học và về nhà, còn sinh viên thì hoàn toàn khác... sinh viên vừa học tập, vừa trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế- xã hội ...

Hãy hình dung, nếu cho các cháu đi học, một lớp học có từ 35 đến hơn 40 học sinh, các cháu đều học bán trú cả ngày. Việc ăn, ngủ và sinh hoạt chung trong suốt thời gian từ 7h30 đến 16h mỗi ngày càng sẽ làm cho mọi người lo lắng nhiều hơn. Giáo viên không thể vừa dạy vừa phải làm thêm công việc kiểm tra, giữ gìn sức khoẻ cho các cháu, và nếu đi học trong trạng thái tinh thần lo lắng với dịch bệnh thì không bao giờ đảm bảo được chất lượng dạy và học. phụ huynh dù đưa còn đến trường cũng khó mà an tâm để làm việc đúng năng suất. Vậy nên cho đi học hay cho nghỉ? Nếu cho học sinh đi học trở lại, xảy ra trường hợp không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng và tác động rất lớn đến cả Thành phố và cả nước (Thành phố là đầu mối giao lưu không chỉ trong nước mà còn cả khu vực và quốc tế).

Hiện nay chủ trương của Thành phố kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ học đến tháng 3 đang được nhiều phụ huynh ủng hộ vì mục tiêu hàng đầu hiện nay là kiểm soát được dịch bệnh. Bởi trẻ em thường chưa đủ ý thức để bảo vệ mình, các dấu hiệu trên người bệnh thường không rõ ràng nên sẽ không an toàn khi tập trung đông người. Nhiều phụ huynh cho rằng: thực tế ở Việt Nam hiện tại đã chữa khỏi đa số bệnh nhân mắc Covid - 19, tuy nhiên dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp. Với dân số đông như hiện nay cùng với sự giao lưu quốc tế rộng rãi, không thể khẳng định dịch Covid-19 không quay lại Việt Nam. Tất nhiên, nếu học sinh nghỉ quá lâu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, việc thi cử cũng theo đó mà hoãn lại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác cũng đặt sức khỏe của các con lên hàng đầu. Thậm chí các phụ huynh chấp nhận cho con học lại một năm còn hơn là nguy hiểm đến sức khỏe nên rất ủng hộ phương án cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Đồng thời đề xuất nghỉ hết tháng 3 để các bậc phụ huynh cũng không phải thắc thỏm chờ đợi vào chiều thứ 6 hàng tuần để xem thông báo của ngành giáo dục đi học hay nghỉ, mà ngay từ bây giờ có kế hoạch chủ động sắp xếp cho gia đình, cho con cái...

Bệnh viện Dã chiến TPHCM

Trở lại với công tác chỉ đạo của Thành phố và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thành phố đã liên tục có các cuộc họp để chỉ đạo các biện pháp chống dịch. Quán triệt chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đưa ra là “chống dịch như chống giặc”, Thành phố quyết liệt thực hiện phương châm 5 tại chỗ gồm: lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh khiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ",  Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới corona. Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng và Chủ tịch UBND 24 quận, huyện để triển khai kế hoạch phòng, chống dịch.

Ngày 13/2/2020, Chủ tịch UBNDTP ban hành Quyết định số 502/QĐ-UBND về thành lập Bệnh viện dã chiến phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona (Covid-19) tại TPHCM trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện dã chiến có quy mô 300 giường với 200 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần và hành chính. Thành phố đã chỉ đạo phối hợp các cơ quan, ban, ngành truyền thông về tình hình dịch bệnh, phổ biến, hướng dẫn người dân các biện pháp tự phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe. Có thể nói, từ chỉ đạo thống nhất của UBND Thành phố,  các ngành, địa phương quận, huyện, phường xã đã vào cuộc rất quyết liệt, rốt ráo, cùng với ý thức rất cao của người dân, đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm; đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, hạn chế tập trung ở những nơi đông người... góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền đã có hàng chục địa điểm phát khẩu trang miễn phí ở TPHCM do những mạnh thường quân đứng ra tổ chức để cùng chung tay với người dân phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra (khác hẳn với nhiều nơi khác là lo đầu cơ, nâng giá khẩu trang để trục lợi trên nỗi đau của đồng loại). Tính đến chiều 19/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông tin, cả 3 bệnh nhân (gồm: 2 bố con người Trung Quốc điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 Việt kiều Mỹ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), đều đã khỏi bệnh Covid-19.

Tuy nhiên như cảnh báo của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus "Chúng ta không có thời gian để tự mãn", do đó đề xuất kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ học đến tháng 3 của Thành phố là một quyết định hoàn toàn sáng suốt, khi đảm bảo thực sự an toàn cho các cháu, đảm bảo an tâm thực sự cho các phụ huynh, khi tình hình dịch bệnh thực sự ổn định, thì mới cho đi học và lúc đó mới đảm bảo chất lượng dạy và học.

Ảnh minh họa

Thế mới nói, làm lãnh đạo của một Thành phố lớn cần phải có chiến lược, tư duy độc lập, phải “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ". Trên cõi mạng ảo này, không một thành phần nào đủ tầm để dạy Chủ tịch Nguyễn Thành phong về cách bảo vệ nhân dân về cách phát triển kinh tế Thành phố.

Xin mượn câu nói hết sức ý nghĩa để kết thúc bài viết này: “Giá trị đích thực của cuộc đời này không nằm ở những kẻ thích chỉ trích, và lại càng không nằm ở những kẻ thích phán xét người khác. Giá trị thật sự nằm ở những người đang thật sự chiến đấu, những người đang nỗ lực hết mình vì người khác, vì cộng đồng”.

Việt Phúc Khang