flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Vụ bài thơ "Đất nước ở trong tim" - ÔI NÃO TRẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI THÀNH KIẾN!

Ngày đăng: 21-02-2020 Lượt xem: 12121

Mấy ngày gần đây, người dùng mạng xã hội bàn nhiều về bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh ở trường THCS Hùng Vương, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Nhiều người chia sẻ và ủng hộ thái độ, tình cảm của cô đối với hiện tình của đất nước nói chung và với công tác phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. Nhưng cũng có không ít người khác tỏ ra dè bỉu, châm biếm lời lẽ, ý tứ của bài thơ, nhất là sau khi có một văn bản được cho là của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý của Thủ tướng Chính phủ gửi lời động viên cô; một số người còn đi quá xa khi suy diễn nặng nề về suy nghĩ tốt đẹp của cô giáo trong bài thơ. Những suy diễn, xuyên tạc đó có thể cũng chỉ lạc lõng giữa nỗ lực chống dịch Covid-19 rất thành công của Việt Nam, giữa bao nhiêu lời lẽ ủng hộ và đồng tình với cô giáo, nhưng dẫu vậy cũng lần nữa đã bộc lộ thái độ thành kiến đối với những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Trong công tác chống dịch Covid-19 lần này, một số người ban đầu thì tỏ ra hoài nghi các con số người nhiễm bệnh, cho rằng số người mắc bệnh có thể nhiều hơn các con số được công bố, nhưng sau đó họ lại chỉ trích Chính phủ chưa công bố hết tình trạng dịch bệnh, rồi phê phán, chửi bới việc chính quyền TP.HCM đề nghị Chính phủ tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3-2020. Một số người dường như “không cam tâm” khi thấy số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam dừng lại con số 16 và tất cả đều đã được chữa khỏi, đồng thời lại mượn việc ngành y tế cấp tốc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch Covid-19 để nói rằng thực ra tình trạng bệnh dịch vẫn còn nghiêm trọng. Họ lại không dám thừa nhận nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã chữa khỏi tất cả 16 ca nhiễm, trong khi một số nước khác có người nhiễm đã không qua khỏi; vì lẽ đó, ai “dám” mở miệng khen Chính phủ, khen ngành y tế thì họ vội vàng tìm cách công kích!

Thật không may, người bị họ tập trung mũi dùi là một cô giáo! Nhiều người đã nói: Không đánh phụ nữ dù chỉ một cành hoa, thế nhưng với não trạng bỉ bai nặng nề chế độ, với Đảng và Nhà nước, người ta đã lấy cô giáo làm “vật thế thân” để nặng lời mai mỉa, công kích, sỉ vả... Trong khi đó, nhiều người trong số những kẻ “to mồm” này luôn ra rả đòi hỏi có tự do này nọ, thì chính họ đã tự vả vào mặt mình bởi cách ứng xử của họ chẳng khác nào đã lên tiếng đòi tước quyền tự do bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của một cô giáo. Không chỉ vậy, cùng với bài thơ này, cô giáo Chu Ngọc Thanh còn có một status khá dài phân tích và dẫn chứng rõ ràng các nỗ lực chống dịch của Chính phủ, ngành y tế, đồng thời có so sánh với một số cách làm của vài nước khác. Từ đó, cô khẳng định các giải pháp hợp lý và cách xử sự đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong việc ứng xử với dịch bệnh cũng như người nghi nhiễm bệnh và người đã nhiễm bệnh. Đó là những điều có thật, không những được dư luận rộng rãi trong nước ghi nhận mà còn được quốc tế đánh giá cao, thế sao một số người lại không dám “dũng cảm” thừa nhận? Khi châm chích, sao họ lại không dám nhắc lại điều có thật đó trong status của cô giáo!

Còn nói một giáo viên, một công dân khen Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ là “nịnh” thì có lẽ xã hội này đầy rẫy người nịnh! Bởi đất nước ta trong nhiều năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đưa chất lượng sống của người dân từng bước được nâng cao, đó chính là vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, sao lại không khen điều đó? Bên cạnh khen ngợi năng lực lãnh đạo, điều hành, hẳn chúng ta vẫn thường xuyên nghe, thấy (có khi chính chúng ta còn thực hiện) những góp ý, phản biện, thậm chí phê phán, những chủ trương, quyết sách chưa bám sát thực tiễn, những cách làm của các ngành các cấp, của đội ngũ cán bộ công chức, điều đó được thể hiện công khai trên các phương tiện truyền thông, gần như không có bất kỳ sự giới hạn hay ngăn cản nào. Làm tốt thì được khen, làm chưa tốt thì bị phê bình, góp ý…, đó là lẽ rất bình thường, cớ sao một số người lại cố tình đơm đặt, xuyên tạc?

Trong khi đó, trong số những người mang thành kiến, họ vẫn thường xuyên bày tỏ sự khen ngợi, bợ đỡ các chính phủ, các nhà lãnh đạo nước ngoài, đến độ có người phải thốt lên: một số người khen “shit” (“shit” là gì, xin quý bạn đọc vui lòng tra từ điển!) của Mỹ cũng thơm! Nếu khen Chính phủ nước nhà là “nịnh” thì khen chính phủ nước ngoài, trong đó có những nước từng (thậm chí đang!) gây nhiều bất lợi cho nhân dân Việt Nam, thì nên gọi là gì: vọng ngoại, sính ngoại, sùng ngoại hay có “căn tính nô lệ”…?

Trở lại với tình hình dịch bệnh, dù hiện ở nước ta dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn không nhỏ, nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm ở một số nước vẫn tăng nhanh, số người chết vẫn còn nhiều. Không ai chắc rằng trong thời gian ngắn sắp tới mọi thứ đều được kiểm soát. Do đó, các giải pháp thận trọng được đưa ra là hoàn toàn dễ hiểu và cần được ủng hộ, kể cả việc đề nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 1 tháng nữa như của TPHCM. Suy cho cùng, đó là tinh thần nhân văn sâu sắc mà trong bài thơ, cô giáo Chu Ngọc Thanh đã viết: “Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi/ Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên”.

Còn về lời động viên của Thủ tướng với cô Chu Ngọc Thanh (nếu có), có ý kiến nói rằng, đây chỉ là thư cảm ơn thôi, cảm ơn tấm lòng cô giáo, chứ có phải bằng khen, hay trao giải thưởng văn học gì đâu..., nên… làm ơn tha cho cô giáo đi! Đúng vậy, cô giáo đâu có lỗi, và dĩ nhiên Thủ tướng hay vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng đâu có lỗi, bởi từng người đã ứng xử đúng mực trong vai trò, vị trí của mình. Chỉ tiếc là với não trạng thiên kiến, thiên lệch của một số người, sự việc lẽ ra rất tích cực, rất bình thường lại bị đẩy đi quá xa, hẳn khiến không ít người thấy buồn lòng!

Ngũ Yên