flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Vụ việc “sư chùa ăn thịt chó” và sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng hiện nay

Ngày đăng: 11-03-2021 Lượt xem: 2718

Vụ việc ông Nguyễn Minh Phúc ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh hay còn được gọi là  “sư chùa ăn thịt chó” cuối cùng cũng được khép lại khi Công an huyện Củ Chi mời những livestream, quay phim đăng trên nền tảng youtube về hoạt động liên quan đến những hành động và phát ngôn của ông Nguyễn Minh Phúc. Ngày 06 tháng 3 năm 2021, các youtuber đồng loạt xóa bỏ nội dung về "sư chùa ăn thịt chó". UBND huyện Củ Chi cũng cho biết nhiều youtuber đăng tải nội dung liên quan đến ông Nguyễn Minh Phúc đã ký cam kết không tiếp tục ghi hình, đăng tải nội dung sai sự thật, xúc phạm đến tôn giáo...: “Nhiều cá nhân thừa nhận tự mua đồ ăn gồm bún đậu, vịt quay, hột vịt lộn... mang đến nơi ở của ông Phúc để "câu view" khai thác triệt để nhằm trục lợi kiếm tiền”. Các cơ quan có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo đã khẳng định ông Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ, nơi ở của ông không phải chùa và ông này đã làm giả con dấu cùng các giấy tờ liên quan tới giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ câu chuyện này hàng loạt câu hỏi được đặt ra cần giải đáp. Vì sao một người giả làm nhà sư và đã có rất nhiều các hành động, phát ngôn xúc phạm nghiêm trọng tới Phật giáo nhưng giờ này mới được xử lý? Các youtuber chỉ vì câu "câu view" kiếm tiền mà sẵn sàng chà đạp lên tất cả! Chỉ cần lên mạng xã hội, vào xem các video về ông này sẽ thấy vô vàn những bình luận của rất nhiều người: chua xót có, cay đắng có, phẫn nộ có, ngao ngán có và không thiếu những bình luận xúc phạm đạo Phật, xúc phạm các tu sĩ Phật giáo. Hóa ra, người xem đã thật là dễ tính, dễ tính tới mức xem cái gì, nghe cái gì chưa cần kiểm chứng mà đã vội tin ngay!

Sau khi công an giải quyết dứt điểm vụ này, đã có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm của mình. Dưới bài viết trên báo Người lao động online có một ý của một bạn đọc có tên gọi Ngộ Không thật đáng quan tâm: “Dù mấy tay youtuber xóa các video, nhưng sự việc diễn ra nhiều tháng qua, người trong nước và ngoài nước đều nghe, thấy và ít nhiều đã in vào tâm trí. Xóa là khắc phục hậu quả, còn những việc làm sai trái, vô nghĩa, phi đạo đức của các youtuber phải bị xử lý thật nặng. Pháp luật phải nghiêm minh chứ không thể chạy theo "vỗ ngọt" những thành phần bất hảo như thế được”.

Vì đâu mà tin giả, tin xấu vẫn có đất sống và vẫn lộng hành như kiểu vụ việc nêu trên? Đó không chỉ là câu hỏi giành cho các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là câu hỏi đối với mỗi người.

1. Tin nhảm, tin “tào lao” vì sao vẫn nhiều người tin?

Có một tin giả mà chắc hẳn chỉ cần ai đó có sử dụng mạng xã hội đều đã từng đọc được, đó là thông tin về đùa cợt về điều lệ mới của facebook và sau đó “chuyển hộ khẩu” sang zalo. Đại loại có đoạn: “THÔNG BÁO: Đừng quên ngày mai bắt đầu điều lệ mới của Zalo nơi họ có thể sử dụng hình ảnh của bạn…”. Rồi, “Nếu ai biết gia đình nào có em bé mắc bệnh tim bẩm sinh không có khả năng phẫu thuật, cần mổ miễn phí. Đăng ký với anh Quang phóng viên VOV1…”. Đó chỉ là muôn vàn những thông tin dạng tầm phào bá láp, kể ra cũng chả gây thiệt hại chết chóc gì nhưng có điều cứ “xuân thu nhị kỳ” nó lại xuất hiện và không phải không lừa được một số người.

Thế nhưng đâu chỉ có những thông tin kiểu “tào lao bí đao” ấy mà có những tin xấu, tin giả vô cùng độc hại, nếu người dùng không tinh ý sẽ vô hình dung tin theo, lan truyền gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng, xã hội. Không khó để nhận biết các loại thông tin kiểu này, thôi thì hầm bà lằng trên mạng xã hội hết thần y nọ, nhà ngoại cảm siêu phàm kia, chuyên gia kinh tế siêu đẳng chỉ cách làm giàu không khó…Hết chuyện tào lao đến chuyện “bình loạn” chính trị kiểu ông A bị bắt, ông B thất sủng, ông C tham nhũng v.v…và mây mây.

Câu hỏi đặt ra, vì sao nhiều người dễ tin như vậy?

Có lẽ đầu tiên phải kể tới là tính cách người Việt. Người Việt Nam đa phần sống trọng tình cảm, vậy nên mới có câu: “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Lối sống duy tình đâu phải hoàn toàn không hay, song thói thường cái gì quá đều không tốt vậy! Lối sống trọng tình cảm nếu được bổ sung, phát triển cho phù hợp với xã hội hôm nay thì hoàn toàn tốt đẹp và vẫn mang nhiều giá trị. Bởi sống duy tình nên người Việt có truyền thống yêu thương, đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Vậy nên năm 2020, khi miền Trung lũ lụt, nhiều ngả đường nơi đây tắc nghẽn vì lý do…quá nhiều xe từ mọi miền đất nước đổ về cứu trợ đồng bào. Phàm, cái gì có hay ắt đi kèm cái không hay. Thế giới và sự vật luôn biến đổi nên con người cũng cần biến đổi, thay đổi cho phù hợp. Bởi lối sống thiên về tình cảm ấy mà nhiều người dễ tin. Cái sự dễ tin của nhiều người đã được đức kết, thậm chí “tin bạn mất bò” mà đâu chỉ mất bò, nhiều khi mất cả nhà, cả nước:

Tôi kể người nghe chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ đặt trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu (Tâm sự - Tố Hữu).

Bởi sự dễ tính, cả tin như vậy của một số người nên các tin xấu, tin giả không những vẫn sống khỏe mà còn mặc sức hoành hành. Bởi vậy mới có chuyện trò đùa tuyên bố “ngày mai là điều lệ mới của zalo” trước đây vốn có “hộ khẩu” bên facebook, hoành hành phá đám bỡn cợt một thời gian lừa được vô khối người rồi chuyển “hộ khẩu” qua zalo tiếp tục “làm mưa làm gió”. Mà đâu chỉ giới lao động ít có thời gian lên mạng xã hội, thậm chí cánh báo chí, trí thức cũng chia sẻ rần rần. Cũng vậy, mỗi cái chuyện anh Quang VOV1 mổ tim từ thiện, thôi thì VOV, báo chí rất nhiều lần lên tiếng rằng VOV1 không có ai tên Quang, rằng không có chương trình vận động mổ tim nào cả, những tưởng sau đó những thông tin kiểu này được xếp vào viện bảo tàng. Ai ngờ lâu lâu lại có người lôi ra, vậy là “giang cư mận” (cư dân mạng) lại được phen chia sẻ rần rần.

Cứ có thông tin về thày thuốc Nam, nhà ngoại cảm, chuyên gia phong thủy….nào đó được đưa lên thì ôi thôi chỉ qua một khoảng thời gian ngắn tất cả họ đều trở thành thiên tài. Thuở xưa, cha ông, từ kinh nghiệm sống của mình đã đúc kết và nhắc nhở con cháu về cái chuyện “tam sao thất bổn” bằng câu chuyện “con rắn vuông” chắc không ai lạ gì. Vài thông tin kiểu “thông tấn xã vỉa hè” như ông A chữa bịnh bằng nước lã hay lắm, “thần y” chữa bệnh bằng cách bạt tai, rút lưỡi, ông C cho số đề linh lắm, bà D chọn phong thủy siêu lắm…thế là một đồn mười, mười đồn trăm và nhờ mạng xã hội và nhờ sự tiếp tay có chủ đích và cả không có chủ đích do cả tin của nhiều người nên những thông tin kiểu này càng phát tán dữ dội. Có lẽ vì vậy nên sẽ chẳng lạ gì khi giới đầu cơ nhà đất chỉ cần tung vài thông tin hỏa mù, đăng vài bài báo nói về tương lai của một vùng đất nào đó là ngay lập tức đất ở nơi đó bỗng biến thành vàng. Chẳng hạn gần đây, mới chỉ có thông tin Tỉnh ủy Bình Phước đề xuất Chính phủ được cải tạo sân bay trên địa bàn huyện Hớn Quản thì ngay lập tức xe cộ nối đuôi nhau về mua bán đất gây náo loạn cả một vùng quê yên bình. Phương án sân sân bay được chấp thuận và thông qua thì sau đó mới sẽ đưa vào quy hoạch tới…2050. Không nói đâu xa, một người từng trải trên thương trường như ông Huỳnh Uy Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam vừa qua cũng đã lên tiếng tố cáo bị một người là…”thần y” lừa đảo. việc lừa đảo của “thần y” này đã rõ khi “ông Võ Hoàng Yên đã viết thư gửi vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng đề nghị trả lại tiền và nhà đất, nhưng vợ chồng ông Dũng nói sẽ không rút đơn tố cáo tới công an” (Tuổi trẻ online ngày 07-3-2021).

Hỏi nguyên nhân vì sao chia sẻ thì trả lời thấy bên zalo của những người bạn là người nổi tiếng, có vị thế xã hội.

2. Tin giả, tin xấu và tác hại từ sự cả sự cả tin

Sách Cổ học tinh hoa có chuyện rằng Thời Xuân Thu có ông Tăng Sâm người đất Phi là học trò đức Khổng Tử. Lúc bấy giờ có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn. Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo nên bà mẹ không tin con mình giết người. Thế nhưng đến lần thứ ba thì bà cuống cuồng chạy trốn. Thế mới biết tác hại của tin giả, tin xấu khủng khiếp đến thế nào.

Thực ra có rất nhiều những tin xấu, tin giả chỉ cần người bình tâm một chút, có so sánh, đối chiếu, kiểm tra cẩn thận lại thông tin sẽ không khó để nhận biết.  Không quá để nói rằng Việt Nam là một đất nước “bội thực” về các danh xưng kiểu “thần y”, “chuyên gia ngoại cảm”, “chuyên gia tài chính”, “chuyên gia phong thủy”, “nhà ngoại cảm siêu phàm” v.v…Thực ra đa số các “ngụy” danh hiệu này là tự xưng chứ hầu như cũng chẳng có cơ quan nào phong cho cả. Có thật xã hội Việt Nam nhiều các chuyên gia vĩ đại đến như vậy hay không? Phàm đã là thần này thần nọ, chuyên gia này chuyên gia kia phải do xã hội, cộng đồng, cơ quan có trách nhiệm công nhận, suy tôn chứ không phải cứ tự nhận mình là chuyên gia ắt sẽ là chuyên gia. Khổ nối, thiên hạ nghĩ bằng đầu, nhiều người tư duy bằng bụng “bụng tôi sao tôi nói vậy”, “suy bụng ta ra bụng người”. Có lẽ chuyện tự xưng thần này, chuyên gia kia phải nhớ tới câu chuyện về Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917 - 2014), bậc cao tăng thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chuyện rằng khi sinh thời ngài rất ngại đến dự trai tăng ở nhà các cư sĩ bởi ngài cho rằng các vị Bồ Tát thường lẩn khuất trong hàng cư sĩ. Nếu đến đó để các bậc Bồ tát phải cúng dường mình thì sẽ tổn phước. Thế nhưng, có một lần có vị trưởng giả nọ, cũng là người đọc nhiều kinh sách tự xưng mình là Bồ tát và mời ngài dự trai tăng, ngài vui vẻ đến ngay. Các đệ tử thắc mắc là người này tự xưng là Bồ tát mà sư phụ không sợ giảm phước đức hay sao. Ngài đã trả lời: “Kẻ đã tự xưng là Bồ Tát, thì chắc chắn không phải Bồ Tát, còn phải ngại gì nữa?”. Câu chuyện này có làm cho một số người cả tin thay đổi được chút gì hay không?

Tất nhiên, những thông tin dạng liệt kê nếu trên nếu tác hại cũng chỉ trong một phạm vi hẹp và tác hại không lớn. Còn rất nhiều các thông tin xuyên tạc nếu người tiếp nhận không suy xét thấu đáo mà đã vội tin và lan truyền sẽ gây ra những hậu quả lớn. Chẳng hạn các thông tin xuyên tạc, phỉ báng, kêu gọi bạo lực, giết chóc; các thông tin xuyên tạc lịch sử dân tộc, “lật sử”, xuyên tạc danh nhân, anh hùng dân tộc. Thậm chí, chỉ một vài thông tin xấu, không chính xác có thể giết chết cả một làng nghề, làm sụp đổ cả một chuỗi nhà hàng, gây bạo loạn, đập phá v.v…Tác hại lớn nhất mà các thông tin giả, xấu, độc gây ra là làm cho người tiếp nhận bị nhiễu, loạn thông tin, dẫn tới nghi ngờ các giá trị trong cuộc sống, mất niềm tin và có thể dẫn tới con đường phạm tội.

3. Lỗi của ai và trách nhiệm trước vấn đề này

Bảo rằng lỗi của các cơ quan có trách nhiệm, không sai! Đổ lỗi cho người dùng, lại cũng đúng nốt. Tất nhiên bình tâm mà xét thì “tại anh tại ả, ại cả đôi bên”.

Nhu cầu thông tin là một trong những nhu cầu rất quan trọng của con người. Nguyên lý Công tác tư tưởng chỉ ra rằng trong tư tưởng của đối tượng tiếp nhận thông tin không có chỗ trống. Nếu không chịu sự chi phối của chủ thể này thì đối tượng chắc chắn sẽ tìm đến và tự nguyện chịu sự chi phối của chủ thể khác. Cũng vậy, nếu chủ thể này không chi phối, ắt chủ thể khác sẽ tìm tới để tác động, chi phối. Vì lẽ ấy, những thông tin mà dư luận quan tâm nhiều, nếu các cơ quan có trách nhiệm về truyền thông không kịp thời cung cấp, người dân sẽ tìm đến các luồng thông tin khác, trong tình hình hiện nay, đó là các thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội và “thông tấn xã vỉa hè”. Trước đây, khi mạng xã hội chưa có và chưa phát triển như hiện nay, thiếu thông tin lại ở một hình thức khác, đó là thiếu toàn diện. Trong bối cảnh “bội thực” thông tin như hiện nay vẫn thiếu thông tin, nhưng thông tin thiếu là các thông tin chính thống, chính xác, kịp thời.

Báo chí, các cơ quan truyền thông cũng không thể vô can trong chuyện này. Chẳng hạn ngày vía thần tài mới du nhập vào Việt Nam gần đây mà bây giờ đến ngày ấy người dân lũ lượt xếp hàng mua vàng. Nguyên nhân thì nhiều nhưng không thể không tính đến một “thủ phạm” là có những tờ báo cũng đi sâu vào khía cạnh khai thác tính thần bí của vấn đề kiểu như mua vàng ngày thần tài phải thế này, thế nọ. Thỉnh thoảng, chúng ta không khó để nhận ra có những trang thông tin, tờ báo liên tục đưa tin về chỗ này linh thiêng, chỗ kia có ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, chỗ nọ đúc quả chuông “siêu to khổng lồ” v.v…Rồi không biết cơ quan có trách nhiệm nào có thẩm quyền phong hay công nhận ông A, bà B là “thần y”, là “chuyên gia phong thủy” mà nhiều tờ báo lăng xê quá mức v.v…Chẳng hạn vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng bị “thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo. Câu hỏi đặt ra, ai phong ông Võ Hoàng Yên là “thần y”? Phong lúc nào? Phong ở đâu? Nếu ông Võ Hoàng Yên không phải “thần y”, vậy Bộ Y tế đã có ý kiến gì cảnh báo hay chưa? Nếu có thì lúc nào, ở đâu? Đừng đổ vấy tất cả cho người dễ tin mà trong đó có trách nhiệm không nhỏ từ các cơ quan có trách nhiệm.

Những người lãnh đạo hôm nay có thể đủ hiểu biết để tin rằng nhiều thông tin trên mạng hiện nay là xuyên tạc, vu khống, bịa đặt. Nhưng những nhà lãnh đạo truyền thông không thể không tin là có hàng triệu người đang hàng ngày, hàng giờ tin vào các thông tin đó. Đây là trách nhiệm nặng nề đặt ra cho những cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Tất nhiên không phải thông tin nào trên mạng xuyên tạc và dư luận bàn tán thì đều phải công bố hay giải thích. Bởi hàng ngày có hàng trăm, hàng nghìn những vấn đề bị xuyên tạc, vu khống trên các trang mạng xã hội. Dù cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Nhà nước có ba đầu sáu tay cũng không thể nào giải thích hết được. Vả lại, việc công bố hay chưa, hoặc không công bố một vấn đề gì đó còn phải tính đến cả những ảnh hưởng của việc công bố này đối với an ninh quốc gia…

Một điển hình thành công của việc cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời chính là những thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua ở Việt Nam. Thỉnh thoảng trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin kiểu như chỗ này “bung”, chỗ kia “toang”. Mỗi lần như vậy người tung tin đồn nhảm lại được “bế” lên phường mời uống nước trà và đóng phạt. Tất cả các thông tin về dịch bệnh đã được công bố nhanh chóng, chính xác, kịp thời vì vậy đã góp phần rất quan trọng cho thành công của công cuộc chống dịch ở Việt Nam. Từ bài học này cho thấy, nếu trước các thông tin suy diễn, xuyên tạc trên mạng, các cơ quan có trách nhiệm không kịp thời cung cấp thông tin chính thống kịp thời, chính xác người dân rất dễ tìm đến các thông tin trôi nổi trên mạng xã hội. Giả sử những thông tin trên các trang mạng xã hội đưa ra trước đó mà khi thông tin chính thức của các cơ quan có trách nhiệm đưa ra khác với những thông tin đó thì không sao. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều thông tin khi các cơ quan Nhà nước công bố - tất nhiên thường chậm - thì lại trùng khít với các thông tin mà các trang mạng trước đó đã đưa. Thử hỏi người dân không tìm và tin vào các trang mạng này mới là lạ. Vậy thì, trước những sự kiện lớn, những vấn đề bị xuyên tạc, vu khống trên mạng, cơ quan có trách nhiệm tạo sao không tổ chức họp báo công bố rộng rãi. Nếu làm được như vậy thì đây sẽ là cách tốt nhất để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin xấu, thông tin xuyên tạc và giúp người tiếp nhận vững tin hơn.

Nhiều người luôn nghĩ rằng mạng xã hội gây những tác động xấu đến người dùng, nhất là giới trẻ. Lo lắng này quả không sai khi mà có quá nhiều người đã lạm dụng mạng xã hội một cách thái quá. Có người dùng mạng xã hội để chửi bới nhau, mạt sát nhau, hạ bệ nhau. Có người dùng mạng xã hội để đưa những thông tin bá láp tầm phào kiểu như cô ca sĩ này có thai mấy tháng với ai, anh cầu thủ nọ bị bồ đá thế nào. Với hàng chục triệu người đang dùng mạng xã hội trên toàn quốc hiện nay, nếu các tổ chức đoàn thể nhất là đoàn than niên tổ chức phát động một chiến dịch toàn quốc về sử dụng tiện ích của mạng xã hội để lan truyền cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu sẽ hay và ích lợi biết bao nhiêu. Hãy khuyến khích để mọi người khi tham gia mạng xã hội trở thành một chiến sĩ tiên phong trong đấu tranh ngăn chặn cái xấu, cái ác, cổ vũ cho những điều tốt đẹp bằng cách lan truyền những hình ảnh đẹp, những câu chuyện cảm động v.v…

Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Nếu mỗi người luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình với xã hội đưa tin, truyền tin, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần phổ biến, lan truyền được những thông tin chính xác, tốt đẹp để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, ngăn ngừa và hạn chế những thông tin sai trái, xấu xí. Đó là cách tốt nhất mà mỗi người có trách nhiệm cùng chung tay đóng góp cho sự văn minh, tiến bộ của xã hội./. 

                                           Vũ Trung Kiên - Học viện Chính trị khu vực II