flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Vùng lõm chính trị Bảy Hiền: Căn cứ của lòng dân

Ngày đăng: 28-01-2018 Lượt xem: 1991

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, trở về nơi được mệnh danh là vùng lõm chính trị Bảy Hiền (Ngã tư Bảy Hiền, phường 11, quận Tân Bình) - Nơi đây là minh chứng cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng, có thể nói đây chính là những “căn cứ của lòng dân”.

Vùng lõm chính trị căn cứ cách mạng Bảy Hiền là vùng ven đô thuộc tỉnh Gia Định (trước đây). Là cửa ngõ quan trọng đi vào nội thành Sài Gòn, nên ở nơi đây địch bố trí các căn cứ quân sự dày đặc của chế độ Sài Gòn và cảnh sát chìm nổi ngày đêm kìm kẹp, khống chế nhiều mặt rất ác liệt. Cũng chính nơi đây, ngọn lửa cách mạng của ta bí mật hoạt động và phát triển không ngừng ăn sâu vào lòng yêu nước của người dân Bảy Hiền.

Đồng chí Lê Thanh Hải - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, thay mặt Đảng và Nhà nước trao huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân phường 11

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân vùng Bảy Hiền đã kề vai sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ kiên quyết đấu tranh giành độc lập. Bảy Hiền từng là nơi tôi luyện và giúp cho nhiều cán bộ trưởng thành, trong đó có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam); đồng chí Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), đồng chí Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM), đồng chí Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ); đồng chí Trần Trọng Tân (nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM); đồng chí Thân Thị Thư (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM...

Tinh thần cách mạng quật khởi

Vùng lõm chính trị Bảy Hiền do đồng chí Trần Trọng Tân (Hai Tân), lúc này là  Phó ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định cùng đồng chí Phạm Thị Đào, Ủy viên Ban tuyên Huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo. Đến cuối năm 1967, Vùng lõm chính trị Bảy Hiền có hàng trăm cơ sở vững chắc về chính trị, vũ trang. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 Mậu Thân, tại Vùng lõm chính trị Bảy Hiền, đồng chí Hai Tân cùng đồng chí Phạm Thị Đào thành lập ngay Ban chỉ đạo vùng gồm có các đồng chí Nguyễn Trữ, đồng chí Thân Thị Thơ (Năm Thành), Nguyễn Tấn, Nguyễn Hồng Giáo, Nguyễn Trung, Huỳnh Xiêm, Nguyễn Đức. Phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Thân Thị Thơ phụ trách phụ vận và giao liên từ nội thành về căn cứ và ngược lại. Đồng chí Nguyễn Trữ phụ trách chung, vận động quần chúng và vũ trang kết hợp với đồng chí Nguyễn Hồng Giáo củng cố đội vũ trang và nhiệm vụ in ấn tài liệu, may cờ mặt trận, băng rôn, khẩu hiệu và tiếp nhận vũ khí trang bị đội vũ trang. Tình hình nhiệm vụ rất khẩn trương trong ngày trước tết.

Căn cứ lõm Bảy Hiền nằm lọt giữa một "rừng" đồn, bót địch. Đồ họa: T.Mận - K.Phượng

Các đồng chí lãnh đạo phổ biến (cơ mật) cho biết: Tình hình chiến trường Bảy Hiền có khả năng bộ đội ta vào đánh trong nội thành qua hành lang bàn đạp Bảy Hiền, công việc vận động nhân dân tích trữ lương thực, thực phẩm lương khô để tiếp tế Bộ đội. Chuẩn bị công tác y tế, cứu thương, huy động y tá, bác sĩ. Và anh em cơ sở có phương tiện như xe lam, vận tải nhẹ để tải thương bộ đội ra tuyến ngoài an toàn, vận động nhà thuốc tây của ông bà Phan Thanh Quan ủng hộ, dụng cụ y khoa, thuốc trụ sinh, băng bông, thuốc sát trùng cầm máu... Ông bà sẵn sàng ủng hộ đầy đủ theo yêu cầu. Vận động gia đình chí cốt với cách mạng là nơi che dấu an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo về dừng chân. Đây là nơi trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Riêng bộ phận vũ trang tuyên truyền khi ra chiến trường trực tiếp dẫn đường cho bộ đội, vận động người dân đưa con em tham gia kháng chiến. Nhờ vậy mà ngay trong sào huyệt của chế độ Mỹ ngụy, ngọn lửa cách mạng vẫn âm thầm nhen nhóm, các tổ chức cách mạng của ta vẫn bí mật hình thành, các cơ sở cách mạng không ngừng phát triển.

Tại Vùng lõm chính trị Bảy Hiền vào những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nối dậy Mùa Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Tư Bốn chỉ đạo cho đồng chí Nguyễn Hồng Giáo (cán bộ đội vũ trang tuyên truyền thuộc khu tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định), giờ G là bộ đội ta vào trận (tuyệt mật) so với thời gian chậm hơn 4 ngày. Ngay sau đó, đồng chí Phạm Thị Đào phối hợp hiệp đồng tác chiến lực lượng cùng vũ trang Bình Tân với bộ đội chủ lực từ bên ngoài đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất khu hậu cần quan trọng của Mỹ Ngụy gần Lăng Gia Cả và Đài rađa cạnh nghĩa địa Pháp. Vùng Bảy Hiền trở thành hành lang của bộ đội tiến quân về Tân Sơn Nhất với hai cánh quân do lực lượng vũ trang chỉ dẫn. Cánh thứ nhất, từ đường Hồ Tấn Đức rẽ qua đường Quảng Hiền, Nguyễn Bá Tòng ra đến cây xăng đôi băng qua khu chợ nhỏ sát với nghĩa địa Pháp. Và một cánh quân tiến thẳng đường Hồ Tấn Đức gần cuối đường rẽ trái ra đầu đường Nguyễn Bá Tòng băng qua nghĩa địa Pháp.

Khi bộ đội ta áp sát vào vành đai Tân Sơn Nhất, đụng ngay với bọn phòng vệ sư đoàn 33 không quân bảo vệ phi trường. Với hỏa lực mạnh, bộ đội ta đã tiêu diệt được lực lượng địch tại đây do tên Đại tá Lưu Kim Cương chỉ huy. Mũi tiến quân bộ đội ta thọc sâu vào khu hậu cần của Mỹ Ngụy dùng thủ pháo và chất nổ làm nổ tung khiến chúng thiệt hại nặng nề. Trong lúc đó bọn Mỹ Ngụy dùng máy bay khu trục quần đảo thả bom xuống nghĩa địa Pháp liền bị hỏa lực phòng không bắn chặn. Ngay tại Vùng Bảy Hiền, bộ đội ta làm chủ và phong tỏa từ ngã tư Bảy Hiền tiếp giáp với Hãng thầu xây dựng RMK và dừng chân ở Vùng Bảy Hiền để nhận tiếp tế lương thực từ nhân dân. Sau khi được tiếp tế đầy đủ, dưới sự chỉ dẫn của các tổ vũ trang, bộ đội ta len lỏi vào những nơi xung yếu mà địch phòng thủ.

Đồng chí Nguyễn Hồng Giáo - Nguyên cán bộ đội vũ trang tuyên truyền, Khu tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định

Cùng lúc chúng tôi thấy các đồng chí lãnh đạo xuất hiện ngay tại mặt trận như đồng chí Phạm Thị Đào, đồng chí Nguyễn Trữ, đồng chí Thân Thị Thơ, tỏa các ngõ đường vận động người già, trẻ em ra tuyến ngoài để tránh đạn, động viên anh chị em cở sở tiếp tục nấu cơm tiếp tế cho bộ đội, bám sát trận địa, hướng dẫn bà con vào ở tại các nhà lầu chắc chắn. Nhìn chung tất cả anh chị em vũ trang, cán bộ cơ sở hoạt động gần như công khai, không còn ngăn cách.

Địch bắt đầu phản kích, bọn lính sư đoàn dù tăng cường chi viện bao vây đánh trả thù, bám chặt trận địa bộ đội chủ lực ta án ngữ trước bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) là tiểu đoàn 3 sư đoàn dù cố tình đánh vào Vùng Bảy Hiền, bị bộ đội ta tiêu diệt, kháng cự không được nên đành bất lực ở ngoài. Bên ngoài, về phía Tây bọn lính dù tăng cường vào đường Trần Mai Ninh, chiếm giữ ngay tại căn nhà lầu của ông Chức gần 2 trung đội lính dù để chống trả. Bộ đội chủ lực của ta đã án ngữ trước, với hỏa lực mạnh, bọn chúng bắt đầu phản kích bắn trả dữ dội, bộ đội ta áp sát sử dụng súng B40 tiêu diệt một số tên, chúng còn ngoan cố chống trả bị bộ đội ta bắn tỉa từng tên một, bọn chúng không còn sức đề kháng và yêu cầu chi viện. Đại đội tăng cường đánh thốc vào Bảy Hiền, dẫn đầu một trung đội do tên thượng sĩ Thông (an ninh sư đoàn), tuy nhiên chúng cũng bị tiêu diệt dần. Chiến trường trở nên ác liệt, bọn lính dù co cụm tại khu Bàu Cát để phòng thủ. Trong khi đó, dọc đường Tái Thiết (hiện nay) bọn lính Mỹ bảo vệ hãng thầu RMK bắn đạn lửa vào hàng trăm nhà dân bị đốt cháy toàn bộ. Bộ đội và anh em vũ trang tiếp cận chữa cháy, giúp đỡ người dân. Trong lúc chiến đấu, một số chiến sĩ ta bị thương, được bộ phận y tế dùng xe lam đưa ra tuyến Vườn Lài, Địa đạo Phú Thọ Hòa để săn sóc.

Hậu phương anh hùng

Xuyên suốt trong 3 ngày đêm chiến đấu với tinh thần dũng cảm kiên cường của chiến sĩ giải phóng quân đã ăn sâu vào tâm khảm người dân Bảy Hiền. Dưới làn lửa đạn, những người mẹ, người chị vẫn vững vàng tiếp tế từng nắm cơm, gói lương khô, từng gói thuốc, để bộ đội an tâm vững dạ chiến đấu với quân thù. Mặc dù địch kìm kẹp khống chế ngày đêm rất ác liệt, chúng ráo riết dùng bạo lực lùng xét, vây bắt những người chúng tình nghi, lục xét từng nhà, truy lùng những cán bộ nắm vùng ở Bảy Hiền, khủng bố những gia đình cơ sở cách mạng.

Đợt 2 trận Mậu Thân, trong lúc giao chiến giữa hai bên, ba chiến sĩ bộ đội đã hy sinh tại đây. Người dân lập miếu thờ để tri ân các anh. Ngày đầu, miếu được làm từ miếng ván thùng đựng sợi dệt, sau nâng cấp bằng gạch và xi măng. Lính chế độ cũ đập phá vì cho rằng người dân “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, nhưng người dân dựng lại. Cuối cùng người dân đã thắng, ngôi miếu thờ quân giải phóng hiên ngang tồn tại giữa lòng thành phố, luôn được người dân lo nhang khói đủ đầy và xem đây là biểu tượng của một chứng tích lịch sử hào hùng mà người dân Bảy Hiền ai ai cũng tỏ lòng thành kính tri ân.

Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Vùng lõm chính trị Bảy Hiền là cái nôi của Cách mạng, là chiếc áo giáp an toàn che chở cho bộ đội, thọc sâu vào căn cứ không quân chiến lược Tân Sơn Nhất, đánh một đòn choáng váng vào bọn Mỹ và Bộ Tổng tham mưu Ngụy tại Sài Gòn đưa phong trào vũ trang tiến lên một bước, gây được niềm tin sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân trong thành phố. Không những thế, lực lượng vũ trang tuyên truyền Vùng lõm chính trị Bảy Hiền tổ chức treo cờ mặt trận giải phóng miền Nam, in ấn truyền đơn cảnh cáo bọn ác ôn phản động, kêu gọi nhân dân ủng hộ Cách mạng, lên án Mỹ -Thiệu, “còn Thiệu Kỳ là còn chiến tranh”. Với khẩu hiệu: Giặc Mỹ đốt nhà, Cộng hòa bắn phá đồng bào ta cam chịu nổi hay sao”, nhân dân Bảy Hiền vùng lên diệt Mỹ, trừng trị ác ôn, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Nêu cao tinh thần yêu nước, truyền đơn in ấn gửi đến tận nhà trong khu phố nhân dân rất phấn khởi, củng cố thêm sức mạnh và tin tưởng vào sự nghiệp Cách mạng góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

CLB Truyền thống kháng chiến - Khối Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định Họp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018)

Vươn mình sau nửa thế kỷ

Với những gì mà nhân dân “vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” (nay là phường 11, quận Tân Bình), đã cống hiến và hy sinh, năm 2013 Đảng ủy và Nhân dân phường 11vinh dự được Đảng và Nhà Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những năm gần đây, Đảng ủy và nhân dân phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của phường; kịp thời triển khai, quán triệt và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, Thành phố và quận, đặc biệt, việc xây dựng và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và các chương trình đột phá của thành phố, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng có nhiều chuyển biến, tạo được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Đảng ủy luôn chú trọng công tác dân vận,  nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh, đề xuất và tham gia giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Nhất là dư luận các vấn đề liên quan đến chung cư, tình hình biển Đông, các tình huống dễ phát sinh các điểm nóng trên địa bàn phường.

Đặc biệt, Đảng ủy phường 11 (quận Tân Bình) luôn thực hiện tốt an sinh xã hội, chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; vận động Nhân dân hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...; tập hợp có hiệu quả các tầng lớp Nhân dân đóng góp góp, ủng hộ đồng bào miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên bị bão lũ trong thời gian vừa qua; thành lập “Câu lạc bộ Chung tay làm việc nghĩa tình”, vận động các nhà hảo tâm nâng cấp mặt bằng sân và xây dựng mới sân khấu tại Điểm sinh hoạt Văn hóa phường (166 - 168 Võ Thành Trang); tổ chức thành công ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn phường, làm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân…

Nhìn lại 43 năm sau ngày giải phóng, nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phường 11 quận Tân Bình không ngừng phấn đấu góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, đời sống các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhân dân phường 11 với truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống cách mạng kiên định, cần cù lao động, thông minh, sáng tạo đã vượt qua tất cả những thử thách khó khăn và không ngừng phát triển đi lên.

 

Hoàng Minh

(Ghi lại theo lời kể của đồng chí Nguyễn Hồng Giáo

Nguyên cán bộ đội vũ trang tuyên truyền

Khu tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định)