Ngày đăng: 27-11-2021 Lượt xem: 982
Lịch sử nước ta trải qua nhiều lần bị các thế lực nước ngoài đô hộ, đồng hóa. Dù từng có hơn ngàn năm Bắc thuộc, chịu nhiều hình thức đồng hóa nhưng dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Đặc biệt là ở đầu thế kỷ XV, sau khi xâm chiếm nước ta, nhà Minh đã thực hiện chính sách đồng hóa thâm độc, như đốt sách, phá hủy văn bia, bắt thợ giỏi đưa về Trung Quốc…, hòng xóa bỏ nền văn hóa và văn hiến nước Đại Việt. Trong thế kỷ XIX – XX, các thế lực thực dân, đế quốc phương Tây cũng không từ thủ đoạn nào để đồng hóa dân tộc ta nhưng tất cả đều thất bại. Những điều đó đã chứng minh rằng sức sống của dân tộc Việt, mà trước hết là văn hóa, là vô cùng mãnh liệt, bền vững, dù thử thách nào cũng không làm tàn lụi mà vẫn không ngừng vươn lên và phát triển. Lời đúc kết “Còn da lông mọc, còn chồi lên cây” của cha ông ta có lẽ không chỉ đúng với hoàn cảnh sống mà còn trong văn hóa.
Nghi thức khai mạc ngày hội văn hóa đọc quận 2 - năm 2020 (nguồn; Báo NLĐ)
Nhiều người cho rằng, có được sức sống như vậy trước hết là phải có bản lĩnh văn hóa. Mà bản lĩnh văn hóa thì đầu tiên là ở chiều sâu văn hóa. Về hình thức, đó là sự đan dày của các tầng văn hóa trong cộng đồng, xã hội, từ đặc trưng văn hóa của quốc gia, dân tộc cho đến làng xã, từ cách ứng xử, giao tiếp cho đến ngôn ngữ, cách ăn uống… Về bản chất, đó là sự kết hợp và tổng hòa của tất cả các đặc điểm, tính chất về văn hóa, liên quan đến văn hóa của các nhóm cư dân, các dân tộc và được lưu truyền qua nhiều thế hệ một cách bền chặt. Vì vậy, các thủ đoạn đồng hóa của kẻ thù chỉ có tác động nhất định bề mặt của văn hóa Việt Nam, làm biến dạng phần nào bề mặt đó, chứ chưa ảnh hưởng nhiều đến các tầng sâu bên trong, và lập tức được điều chỉnh, khắc phục.
Miền Nam giữa thập niên 1960 từng đối mặt với nguy cơ vong bản nghiêm trọng, khi đồng thời xảy ra sự xâm lăng về văn hóa và quân sự, kinh tế của đế quốc Mỹ. Các hiện tượng lai căng về ngôn ngữ, lối sống, văn học – nghệ thuật… diễn ra nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc ra đời tại Sài Gòn với khẩu hiệu “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất dân tộc mất”, là điều mà có người gọi là “nhận thức di truyền” của dân tộc và được ý thức hóa cho quần chúng, đặc biệt là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, để mọi người cùng hành động, bằng nhiều cách thức. Chẳng hạn, trong giới trí thức, bên cạnh việc làm lan tỏa các tác phẩm có giá trị về mặt văn hóa thì việc nghiêm khắc phê phán các sản phẩm phản văn hóa (tác phẩm văn học, phim ảnh, ca khúc…) cũng được thực hiện quyết liệt; trong đời sống, người dân tự tổ chức việc bảo vệ con em trước các sự xâm nhập của các loại hình văn hóa không phù hợp… Đó là một biểu hiện sinh động của bản lĩnh văn hóa.
Tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã được cha ông ta thực hiện qua mọi thời kỳ lịch sử, bằng nhiều hình thức, từ các định hướng, quyết sách của nhà nước, sự gợi mở của giới trí thức trong qua hoạt động giáo dục, sáng tác các tác phẩm nghệ thuật và bằng cả sự tự bảo vệ của người dân trong các hoạt động rất cụ thể, đời thường. Trong rất nhiều trường hợp, người dân bằng nhận thức rất riêng của mình đã duy trì các tập tục, các nếp sống được lưu truyền qua nhiều đời và kiên quyết chống lại các hình thức văn hóa ngoại lai. Như vậy, bản lĩnh văn hóa của một dân tộc có khởi nguồn và sự đóng góp rất quan trọng của bản lĩnh văn hóa từng cá nhân. Không có sự tham gia của các cá nhân, của từng cộng đồng thì dù nhà nước có ban hành nhiều quyết sách thì cũng khó được thực thi một cách đầy đủ, hiệu quả.
Hiện nay, với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội…, có rất nhiều vấn đề thử thách bản lĩnh văn hóa của dân tộc, cộng đồng và từng cá nhân. Chẳng hạn, thông tin trên mạng internet có đủ “thượng vàng hạ cám”, vậy sự chọn lọc như thế nào để có thể tiếp nhận được thông tin tốt, loại bỏ hoặc không để bị ảnh hưởng của thông tin xấu là điều hoàn toàn không dễ dàng. Hay môi trường mạng xã hội cho phép các cá nhân có thể tự do bộc lộ ý kiến, nguyện vọng, suy nghĩ riêng của mình, nhưng làm thế nào để việc thể hiện đó không vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng là điều không phải cá nhân nào cũng thực hiện được. Hoặc khi nghe phát biểu, đọc ý kiến của các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội… thì làm thế nào để không chịu tác động, ảnh hưởng một cách tiêu cực, không tin theo một cách bất chấp… với nhiều người cũng rất khó khăn…
Mới đây, một cá nhân phát biểu trực tuyến trên mạng xã hội đã đòi phải “đánh sập” một tờ báo điện tử thì một thiếu niên vì quá tin theo các livestream của người này đã tìm cách tấn công vào tờ báo đó. Hay khi người này công kích một số cá nhân khác thì số người ủng hộ đã “tình nguyện” thực hiện nhiều cách thức đe dọa, tấn công những người được nhắc đến đó bằng thái độ thù địch, hằn học, tiêu cực… Điều đáng nói là trong nhiều “tuyên bố”, “khẳng định”, cá nhân này tỏ ra “đúng” ở một số trường hợp nên đã ít nhiều tạo được lòng tin và gầy dựng được khá đông “người hâm mộ”, nên mỗi khi có lời “kêu gọi” thì thường có nhiều người hưởng ứng, từ đó đặt ra vấn đề “bản lĩnh” về mặt nhận thức, văn hóa, của cả cá nhân đó và của công chúng tiếp nhận.
Hoặc có trường hợp một YouTuber thường hướng đến người xem là trẻ em đã phát chia sẻ nội dung mê tín dị đoan, phản khoa học, từ đó làm một số người tin theo và có hành xử không phù hợp. Hay có một vài người được coi là “giang hồ mạng” có những phát biểu, hành động thực sự không phù hợp chuẩn mực xã hội hiện tại nhưng lại được nhiều người bắt chước và làm theo một cách mù quáng… Có khi một nghệ sĩ phát biểu không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, có thái độ chủ quan, phiến diện, thành kiến nhưng lại được nhiều người tung hê, làm người đó ngộ nhận mình luôn là “chân lý”, nên khẳng định tính bản lĩnh của người nói và người nghe cũng thực sự không đơn giản.
Hay với nhiều thông tin trên mạng internet được tô vẽ rất đậm bằng nhiều mỹ từ về lối sống, văn hóa, xu hướng chính trị… ở một số nước phương Tây, sự tiếp nhận và thấu hiểu nó như thế nào đối với phần đông người xem cũng là điều rất đáng chú ý. Nếu đi cực đoan theo lối nào cũng không ổn: tin tưởng tuyệt đối rồi từ đó mù quáng ủng hộ nó, dần đi đến hô hào Việt Nam phải đi theo con đường đó dĩ nhiên là rất sai lầm; nhưng nếu không tin, cho rằng điều đó không có thật hoặc Việt Nam không cần phải học tập vì không phù hợp thì cũng chưa hay, bởi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rất cần sự giao lưu, trao đổi hiểu biết và kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nhau xây dựng đất nước… Giải quyết vấn đề đó cũng xuất phát từ bản lĩnh văn hóa.
Để xây dựng bản lĩnh văn hóa đương nhiên đòi hỏi mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về các vấn đề của thế giới, của đất nước, của xã hội, trên tinh thần khoa học, khách quan, phối kiểm nhiều nguồn và nhìn nhận đa chiều. Đừng bao giờ cho rằng cái gì của phương Tây cũng là chân lý, là rực rỡ; cũng đừng ngộ nhận là điều có nhiều người tin, nhiều người nghe theo là đúng đắn. Mỗi người cần có một “bộ lọc” để tự xác định xem nội dung nào là phù hợp, là đáng tin tưởng, là cần làm lan tỏa, trên tinh thần là phải đặt thông tin đó vào sự đan xen của các lợi ích, nhất là lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đồng thời, cần có quan điểm lịch sử cụ thể và tư duy phát triển trong việc đánh giá các vấn đề, trong đó cần đặt các thông tin, sự kiện vào không gian, thời gian cụ để mà định lượng cũng như phải xác định xu hướng vận động của sự kiện để dự báo vai trò, tính chất, ý nghĩa của nó. Tức là, mỗi người cần xây dựng cho mình một phương pháp luận thật khoa học chứ không được cả tin hoặc hùa theo đám đông!
Trúc Giang