Ngày đăng: 05-11-2021 Lượt xem: 2514
Gần đây, hiện tượng livestream chửi bới, đăng bài viết, clip, hình ảnh khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác… trên các nền tảng mạng xã hội có vẻ xuất hiện tràn lan. Thậm chí có khi một cơ quan báo chí chính thống lên tiếng về những sự việc thì website của cơ quan đó bị đánh sập bằng tấn công DDoS, một lực lượng đông đảo đầy khó hiểu nào đó đồng loạt rủ nhau report với Facebook để đóng băng fanpage của cơ quan này, rồi hè nhau vote 1 sao để phá hoại uy tín của tổ chức đó.
Có thật là pháp luật của chúng ta còn kẽ hở trong việc quản lý hình thức “diễn đàn” trên mạng như thế này? Và có phải số đông ủng hộ ai… thì người đó đúng?
Livestream của bà Nguyễn Phương Hằng
Câu trả lời là KHÔNG. Luật pháp có đầy đủ cơ sở để xử lý các hành vi lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. Luật pháp có quy định rõ những nội dung và hình thức xử phạt về các hành vi vu khống và làm nhục người khác. Luật pháp cũng có những chế tài liên quan đến hành vi tung thông tin sai sự thật lên mạng internet xâm phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Vấn đề ở đây là, thời gian qua, khi cả nước căng mình chống dịch, cả hệ thống chính trị tập trung vào các nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng, (ngay trên không gian mạng, chúng ta cũng tập trung vào nội dung chống tin giả liên quan đến Covid-19), thì những biểu hiện vi phạm pháp luật trong hoạt cung cấp thông tin trên mạng như livestream chửi bới, xúc phạm danh dự cá nhân, tập thể... tạm thời chưa thể tập trung xử lý mạnh.
Điều đáng nói là một số cá nhân dù đã được nhắc nhở vẫn chưa nhận ra việc làm sai trái của mình. Động cơ thúc đẩy họ hăng hái livestream chửi bới, nhục mạ người khác liên tục như thế chính là những tiếng vỗ tay bầy đàn trên mạng. Sự “tôn vinh” của đám đông vô hình làm họ ảo tưởng về quyền lực, về sức mạnh. Họ tự cho mình là người mang “sứ mạng” giải quyết “công bằng” cho xã hội, chao ơi.
Tâm lý đám đông là một hiện tượng có thật, đã được nghiên cứu từ khá lâu. Tâm lý ấy xuất phát từ việc con người cần có nhu cầu hòa nhập với cộng đồng, nhu cầu được là một phần của tập thể, nhu cầu giống mọi người và muốn mọi người giống mình. Trong một nhóm người, số đông sẽ tạo áp lực buộc số ít phải hành động theo số đông, hoặc là số ít sẽ bị khai trừ. Nhưng chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Và lập luận của đám đông không phải bao giờ cũng tác động tốt đến phát triển của xã hội.
Những thành viên trong cộng đồng có thể hùa theo đám đông trong những công việc tốt, có lợi cho xã hội nhưng họ cũng trở thành quá khích và dẫn đến tàn phá, hủy hại cá nhân, cộng đồng chỉ vì nhận thức sai lệch của những đám đông.
Đám đông trong thời đại Facebook có thể bị ảnh hưởng bởi những KOLs. Lập luận của đám đông có thể giết chết một con người mang tiếng tội đồ hay cũng có thể giúp một người xưng anh hùng. Với đặc trưng văn hóa phương Đông, văn hóa làng xã, cư dân mạng nước mình dễ bị lôi cuốn và hành động theo đám đông.
Đám đông livestream trong đám tang nghệ sĩ Chí Tài
Đám đông trên mạng dựng lên “anh hùng mạng” cực nhanh nhưng cũng đám đông ấy sẽ lật đổ “anh hùng” của họ trong vòng … một nốt nhạc. Điều đáng nói là giờ đây, còn nhiều kẻ không nhận ra thực chất của thứ “vinh quang” lượt theo dõi, comment, like, share… của mình là gì. Họ bị ngáo thứ quyền lực ảo ấy.
Có những kẻ không ngáo quyền lực nhưng biết tận dụng kẻ bị ngáo quyền lực ảo để thao túng các hoạt động truyền thông trên mạng. Họ tìm cách điều hướng đám đông theo những mục tiêu nhất định. Và trong chừng mực nào đó, mục tiêu của của họ có thể dẫn đến những hậu quả xã hội đáng tiếc.
Cách nay 2 năm, một anh ca sĩ có triệu fan hâm mộ đã “truyền tấn công” để kêu gọi cộng đồng mạng xử lý một người cha xấu số ở Tiền Giang. Sau đó, công an phải vào cuộc. Anh ca sĩ nổi tiếng này phải xin lỗi về cách hành xử sai trái này. Ở một xã hội thượng tôn pháp luật như nước ta, làm sao lại có những người tự cho mình các quyền lực “thay trời hành đạo”, tự cho mình các khả năng “bảo vệ công lý” như thế?
Chúng ta không phủ nhận rằng, có một số nhân vật do vị trí, tài năng đã trở thành những người chi phối số đông. Họ có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là ở trong môi trường trực tuyến hiện nay, khi các cuộc “bình chọn” chỉ diễn ra bằng các cú click chuột. Nhưng cũng cần biết rằng, thứ quyền lực họ được trao trên mạng là thứ quyền lực phi thể chế hóa (de-institutionalization), đám đông hôm nay cho và ngày mai họ có thể rút lại một cách rất dễ dàng. Một trong những bài học lớn về phát triển văn minh mà nhân loại học được từ lịch sử là quyền lực phải đi đôi với sự giới hạn và kiểm soát quyền lực, bất kể là thứ quyền lực gì. Vậy nên, người nào đó được công chúng trao tặng quyền lực trên mạng thì cũng phải hiểu rõ thử thách của việc nếu không tự nhận biết đâu là giới hạn thì sẽ rất dễ dàng đánh mất nó.
Tình trạng những kẻ livestream chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân tập thể rồi đây sẽ được xử lý rốt ráo, nhưng xem ra, bản chất của hiện tượng ngáo quyền lực vẫn khó có thể dẹp yên một sớm một chiều. Đám đông thời mạng xã hội cần được tận dụng như những nguồn lực tinh thần và vật chất vào các hoạt động hữu ích, xin đừng tốn nhiều năng lượng cho những chuyện tiêu cực.
PHÚ TRANG