Ngày đăng: 15-05-2022 Lượt xem: 1236
Ở Việt Nam, đấu tranh chống tham ô, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm; đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng triển khai gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt được đẩy mạnh trong hơn 35 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, những nhiệm kỳ gần đây, khi Đảng chủ trương đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị thì các phần tử phản động, cơ hội, các thế lực thù địch đã xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh này bằng những luận điệu phản động như: "tham nhũng là sản phẩm của chế độ độc Đảng ở Việt Nam"; "càng chống tham nhũng thì tham nhũng ngày càng gia tăng vì không có dân chủ"; "không thể chống tham nhũng thành công vì đó là do các phe cánh trong Đảng đấu đá nhau"; "đấu tranh chống tham những chỉ là cái cớ, thực chất là sự phân chia quyền lực"…
Trước những chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt này, cần phải khẳng định rằng:
1. Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là thượng tôn pháp luật
Thực tế, tham nhũng không phải là sản phẩm độc quyền của chế độ xã hội chủ nghĩa do một Đảng lãnh đạo như ở Việt Nam, mà đó là hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, gắn liền với quyền lực nhà nước. Tham nhũng là con đẻ của quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu tiềm ẩn và sẽ có tham nhũng, chứ không phải "tham nhũng là điều tất nhiên, hiển nhiên, dĩ nhiên và được thực hiện ngang nhiên trong chế độ cộng sản độc tài". Vì thế, chừng nào và nơi nào có quyền lực, thì chừng đó, nơi đó cũng tồn tại hoặc sẽ có tham nhũng. Việc cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là sản phẩm của thể chế chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo chỉ là những suy diễn, quy kết thiển cận, thiếu tri thức khoa học về chính trị, kinh tế, xã hội của JB Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Trần, Trân Văn… nhằm bịa đặt và vu khống Đảng.
Thực tế, để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, những năm gần đây, cùng với việc ban hành và triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận liên quan đến công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời, lãnh đạo chặt chẽ công tác này (thông qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) để nhằm mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân. Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng được triển khai sâu rộng, quyết liệt, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan.
Những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách này những năm qua không chỉ tạo được bước phát triển đột phá, mà còn góp phần từng bước hình thành cơ chế răn đe để mỗi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng". Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong từng tổ chức Đảng, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, chưa thể đẩy lùi triệt để. Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự đúng như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạptpb ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”[1].
Vì thế mà, cũng chưa bao giờ lại có nhiều cán bộ cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật như nhiệm kỳ khóa XII và hai năm đầu của nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng. Đồng thời, cũng chưa bao giờ việc phòng và đấu tranh chống tham nhũng gắn với phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo Quy định số 32-QĐ/TWcủa Bộ Chính trị về "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" lại trở nên cấp bách và có ý nghĩa như vậy.
Tuy rất đau lòng, nhưng cũng cần phải khẳng định rằng, những "con số biết nói", cụ thể là: "Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo"[2] về số cán bộ, đảng viên tham ô, tham nhũng, bị khai trừ khỏi Đảng, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật không chỉ là minh chứng cho thấy kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn khẳng định rằng tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đẩy mạnh với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương trong chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chủ trương, biện pháp và ý chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên trì và quyết liệt đấu tranh để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; là "vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”; là cần phải cắt bỏ một cành cây hỏng để cứu cả thân cây; chặt bỏ một cây sâu bệnh để cứu cả một rừng cây xanh tốt. Việc thống nhất trong chủ trương và kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong các vụ án tham nhũng là để làm trong sạch Đảng, để Đảng mạnh khỏe, chứ không phải đó "là một cái cớ để các phe nhóm trong Đảng đưa nhau ra tòa, vào tù trong cuộc chiến giành quyền và lợi trong Đảng" như các thế lực thù địch đã xuyên tạc. Nói như vậy để thấy rằng, ẩn giấu đằng sau sự xuyên tạc, bịa đặt về cuộc đấu tranh chống tham nhũng chính là chiêu trò hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2. Chống tham nhũng, tiêu cực càng hiệu quả càng góp phần xây dựng Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực luôn được Đảng chú trọng thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 13 kỳ Đại hội của Đảng và các Nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 03 khóa XI, Chỉ thị 05 khóa XII, Kết luận 01 khóa XIII… Đặc biệt, công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sau Đại hội XIII được đẩy mạnh, bởi đó là vấn đề có tính sống còn với vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ. Cho nên, bên cạnh những nghị quyết, chỉ thị, kết luận nêu trên, Đảng đã tiếp tục ban hành những quy định chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi như: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030… để tăng cường phòng ngừa và chống tham ô, tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực nói riêng, chống chủ nghĩa cá nhân nói chung trong cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị được hiệu quả hơn. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị mà còn là sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và cũng chính là sự thượng tôn pháp luật. Đồng thời, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cong tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong nêu gương thực hiện Kết luận 01 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận 21 về tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để tiến tới không tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, "việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô"[3]. Đồng thời, cũng vẫn còn những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao suy thoái, biến chất, không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, dẫn đến bị khai trừ khỏi Đảng và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Thực tế, việc những quan chức cấp cao lạm dụng/lợi dụng quyền lực được giao để mưu cầu lợi ích cho cá nhân và nhóm lợi ích, nên đã phải đứng trước vành móng ngựa vì vi phạm pháp luật cũng là những ví dụ cho thấy sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn và đó vẫn đang là mối đe dọa uy tín, danh dự của một Đảng cầm quyền. Thực tế, việc các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gần đây như: Vụ án "Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; vụ án "Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và vụ án "Đưa hối lộ; nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan; vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)… mà không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, càng cho thấy quyết tâm cao độ và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành chức năng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam.
Thượng tôn pháp luật, nên nếu đã vi phạm pháp luật thì tất yếu sẽ bị xử lý, dù họ là ai, đã và đang đảm nhiệm trọng trách gì. Song rõ ràng là, các hành vi tham nhũng và tiêu cực trong lĩnh vực nào cùng vậy (chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực đất đai, y tế…), đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước; đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, phẩm chất đạo đức và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, càng khó khăn thử thách, Đảng càng phải đẩy mạnh công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và trong hệ thống chính trị gắn liền với phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng.
Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Nhờ làm tốt nhiệm vụ quan trọng đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ khẳng định được vai trò mà còn giữ vững được vị trí cầm quyền/độc quyền lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong 9 thập niên lãnh đạo nhân dân Việt Nam, Đảng không chỉ đã xác lập, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh, uy tín, sức chiến đấu của mình bằng đường lối chính trị đúng đắn; bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn luôn chú trọng thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, để Đảng luôn là một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc, trong sạch vững mạnh, liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.
Vì thế, không thể quy kết rằng tham nhũng là "con đẻ" của chế độ một Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam. Thực tế, vai trò độc quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bởi Đảng đã khẳng định được vai trò tiền phong, gương mẫu của mình; là bởi sự tôn vinh, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân; là bởi sự thừa nhận của các chính đảng khác như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội… Và vì thế, đương nhiên sự độc quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng không bao giờ/không khi nào lại là căn nguyên dẫn đến tham nhũng. Cho nên, những luận điệu phản động xuyên tạc, bịa đặt về tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam của các thế lực thù địch không chỉ là những con "virus" độc hại, nguy hiểm mà còn là những chiêu trò tham độc nhằm bôi đen chế độ và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!
Mai Luân
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.223
[2] Con số được nêu ra tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2022.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.90