flag header

Tin tứcChống DBHB

Xuyên tạc lịch sử- một trong những thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch hiện nay

Ngày đăng: 27-05-2022 Lượt xem: 856

Xuyên tạc lịch sử là một thủ đoạn của chiến tranh tâm lý được sử dụng từ thời lịch sử cổ đại. Lịch sử gắn liền với truyền thống, niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Những biểu tượng trong lịch sử tạo nên sức mạnh lớn lao của mỗi dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn tự hào về những tấm gương vĩ đại như Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh... Và lịch sử không thể nào quên những tấm gương lẫm liệt của hàng triệu người trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh. Xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử chính là một thủ đoạn phá hoại về tư tưởng, đổi trắng thay đen, làm mất lòng tin của các thế hệ đối với truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Xuyên tạc lịch sử- một trong những thủ đoạn phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch hiện nay

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội như “Tivi tuần san”, “Tiếng dân”, “KTV”,… thông qua các hình thức đăng tải video clip, tổ chức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử để xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân tộc, qua đó, trực tiếp chống phá, “bắn đại bác vào quá khứ” với chiêu bài “mưa dầm thấm đất”, tung ra những luận điệu trắng trợn, mục đích nhằm “nhuộm đen” truyền thống của dân tộc. Chúng lật lại những thông tin, sự kiện cũ, nhưng suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích người nghe, người xem; trong đó, tập trung nhiều nhất vào một số sự kiện: về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về cải cách ruộng đất, Hiệp định Geneve (1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, phủ nhận thành quả trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Trước hết, những kẻ cơ hội chính trị lấp liếm đánh tráo cho rằng “thành quả cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”. Họ lập luận, Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Song nhìn tổng thể cục diện bấy giờ cho thấy, dù yếu tố quốc tế, yếu tố khách quan có quan trọng đến đâu thì cũng không được phép cường điệu nó. Bằng chứng cho thấy, thời cơ lịch sử thuận lợi được mở ra và Nhân dân Việt Nam đã đem sức ta giải phóng cho ta, giành được chính quyền, tuyên bố độc lập. Vì vậy phải khẳng định yếu tố chủ quan là quan trọng nhất. Hơn nữa phân tích sâu hơn, lúc đó không chỉ có lực lượng yêu nước cách mạng tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, còn có giáo phái Cao Đài, Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội, Việt Nam quốc dân Đảng và nhiều lực lượng khác nhưng họ đã không thể tập hợp được lực lượng, không giành được chính quyền. Như vậy, yếu tố chủ quan quan trọng nhất ở đây chính là sự quy tụ đại nghĩa dân tộc dưới ngọn cờ duy nhất đó là ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, đó chính là đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương[1]. Việc họ xuyên tạc lịch sử Cách mạng Tháng Tám là muốn phủ nhận ý nghĩa, tính chất chính đáng của việc Việt Nam tuyên bố độc lập và giành chính quyền để hướng tới âm mưu lật đổ chế độ, thực chất đây là mưu đồ chính trị của những người bất mãn với chế độ chính trị của Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: Dangcongsan.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: Dangcongsan.vn)

Ý nghĩa lịch sử về sự kiện mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần Cách mạng tháng Tám sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, cũng như trong bước đường phát triển của nhiều dân tộc tiến bộ trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trước hiện thực không thể bác bỏ đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục đưa ra các luận điệu phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới. Họ cho rằng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam thực ra đi theo chủ nghĩa tư bản. Đổi mới chuyển từ kinh tế bao cấp kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyển sang chủ nghĩa tư bản, vì kinh tế thị trường là của tư bản, gắn kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là “đầu Ngô mình Sở”, cuối cùng kinh tế thị trường sẽ “ăn thịt” định hướng xã hội chủ nghĩa. Có người còn đưa ra lý luận kỳ lạ gọi là lý thuyết “đằng sau quay” (Hà Sĩ Phu), cho rằng công cuộc đổi mới chẳng qua là quay về chủ nghĩa tư bản, mô tả “Các nước xã hội chủ nghĩa trong khi xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đi vào ngõ cụt và phải đằng sau quay”. Việt Nam chưa vào chủ nghĩa xã hội cho nên mới đứng ở hàng đầu công cuộc đi vào chủ nghĩa tư bản...

Đặc biệt, cứ đến dịp kỷ niệm 30-4 hằng năm, lại xuất hiện những cụm từ cũ rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm, nhắc lại những từ ngữ như “tháng tư đen”, “tháng Tư là tháng vo gạo bằng nước mắt”, “mùa quốc hận”... Nhiều trang mạng viết cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Một số ít người tự cho mình là cấp tiến, tùy tiện phán xét quá khứ, cho rằng kỷ niệm ngày chiến thắng này không phải là một việc “tử tế”. Tuy nhiên, chính Cựu Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã từng nhận xét về việc gọi ngày 30-4 là “quốc hận” và đòi “phục quốc”: Ông cho rằng, “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được, những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây đâu mà phục quốc?”.

Trong bối cảnh trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị càng tăng cường ra sức nhào nặn, bóp méo thông tin, xuyên tạc, chống phá các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chúng tập trung công kích dự thảo các văn kiện trình Đại hội, xuyên tạc rằng các văn kiện lần này vẫn là “bổn cũ viết lại”, “sao chép theo lối mòn”, không có gì mới, không biết tiếp thu những tinh hoa của nhân loại; các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng ta đưa ra trong dự thảo văn kiện là “bất khả thi”, “không có cơ sở để thực hiện”... Cùng với đó, chúng tấn công vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược; liên tục tung tin giả về thân thế, sự nghiệp, tài sản, “sai phạm” của lãnh đạo cấp cao; xuyên tạc công tác nhân sự của Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng,... hòng gây bất ổn chính trị - xã hội, gây ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. 

Tất cả những luận điệu mang tính lấp liếm, phủ nhận lịch sử ở trên chúng ta đã nghe nhiều và lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, nói đi nói lại một luận điệu cũ rích chính là chiêu bài “mưa dầm thấm đất” của các thế lực thù địch. Họ đưa rất nhiều thông tin xấu độc để “nhuộm đen” tinh thần, “nhuộm đen” tư tưởng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mục đích dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tư tưởng ngay từ bên trong nội bộ. Mặc dù các luận điệu này chỉ là bình cũ, rượu mới nhưng chúng ta cũng không thể xem thường mà phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác.

Ai cũng biết “quyền dân chủ” không phải là một khái niệm vô hạn và không có quyền dân chủ nào được phép vu cáo, phỉ báng cả một dân tộc, không có một thứ dân chủ nào được phép xâm phạm lợi ích đất nước, cho nên thực chất của những luận điệu trên đây là nhằm phá hoại về mặt tư tưởng. Không chỉ xuyên tạc, vu cáo, dựng đứng những sự kiện để làm lung lạc ý chí của con người Việt Nam, mà họ còn phỉ báng, chửi bới đối với những ai tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ, mục tiêu là hình thành một thế hệ có suy nghĩ đòi xét lại lịch sử, trong đó có nhiều thành phần “lật sử”, “trở cờ” ngay trong các chính thể đó, nếu nhiều người trong chúng ta cả tin, chỉ biết tiếp nhận thông tin mà không có sự suy xét, đối chứng các cứ liệu lịch sử. Nhưng họ sẽ không đạt được ý đồ nếu chúng ta nhìn thấu mục đích đưa thông tin của họ và biết phân tích sự kiện trong bối cảnh lịch sử của nó.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Có thể nói, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách và những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, bảo vệ, phát triển. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đó là những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, đặc biệt trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những năm qua Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Cùng với đó là hàng trăm công trình lịch sử Đảng bộ quận, huyện và các công trình lịch sử của ban, bộ, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố được biên soạn, ấn hành đã góp phần tái hiện chân thực, sinh động, khách quan, toàn diện lịch sử ra đời và những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng bộ thành phố[2]; nêu bật tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, các công trình Lịch sử Đảng đã góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng[3]; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện lịch sử của địa phương, Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, phát động các cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Đảng bộ địa phương... thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia[4]; xây dựng nhà truyền thống, khu lưu niệm, thực hiện sưu tầm tư liệu, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; tổ chức tri ân, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam...[5], thông qua nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử đã bổ sung, làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, những tư liệu mới, trên cơ sở nhận thức mới, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thế hệ trẻ, khởi dậy tâm huyết của tuổi trẻ trong tham gia xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tiếp tục chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản thành phố tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo sự lan tỏa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tự hào, trách nhiệm phát huy truyền thống viết tiếp những trang sử mới. Từ đó, nhận diện đúng các luận điệu xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, không bị lôi kéo, mắc lừa bởi những thông tin bôi đen, xuyên tạc, bịa đặt. Mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tỉnh táo phát hiện, chủ động đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc lịch sử; trở thành một chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.

Chủ động đưa nội dung giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương lồng ghép vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị quận, huyện để giảng dạy cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở cơ sở[6]; tổ chức cho học viên tham gia các chuyến thực tế, về nguồn thăm các địa chỉ đỏ, gia đình cách mạng tiêu biểu, gia đình chính sách trên địa bàn để nâng cao hiểu biết về thực tiễn lịch sử, hun đúc lòng tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương, từ đó nỗ lực phấn đấu trong công tác, cống hiến xứng đáng với truyền thống của địa phương, lý tưởng cách mạng của Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương cho thế hệ trẻ tại một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa đúng và đầy đủ, do vậy nội dung, thời lượng dành cho chương trình giáo dục lịch sử truyền thống còn hạn chế, học sinh tìm hiểu về lịch sử truyền thống Đảng bộ địa phương chưa nhiều, chưa thường xuyên; việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương vẫn còn thực hiện lồng ghép trong các chương trình giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa nên chỉ tập trung giới thiệu sự kiện nổi bật, nội dung truyền tải chưa sâu; việc tiếp cận lịch sử Đảng bộ thành phố, lịch sử truyền thống địa phương của đội ngũ giảng viên tại Trung tâm chính trị quận, huyện và báo cáo viên chưa có hệ thống, chưa khoa học, do đó chưa thể đi sâu nội dung để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử, thực hiện mưu đồ phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị tập trung một số nhiệm vụ như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng triển khai thực hiện sâu rộng có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và hành Kế hoạch số 263-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/4/2019 về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Trọng tâm là thực hiện đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tập, huấn, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài, bố trí đủ cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng có chuyên môn, kinh nghiệm; bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương. Thông qua kết quả các công trình nghiên cứu Lịch sử Đảng, nâng cao tính chủ động kịp thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba là, các cấp ủy tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, qua đó bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin, cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Bốn là, xây dựng chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng gắn liền với giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục lịch sử Đảng bộ thành phố và lịch sử địa phương vào trong các cấp học và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng.

Năm là, các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn: “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử Đảng”, “câu chuyện lịch sử cách mạng”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử Đảng” với nhiều hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú, tích hợp công nghệ để thu hút sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân, nhất là giới trẻ tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Đảng.

Sáu là, ngành văn hóa, văn học - nghệ thuật cần đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc, những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản - những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến, hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, nhằm giúp cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với đất nước, hình thành suy nghĩ, hành động vì cộng đồng, kịp thời đấu tranh phản bác hiệu quả với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, sức mạnh tinh thần, là dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách của mỗi người dân đất Việt. Nếu quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, quên những hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc thì không thể là người Việt Nam chân chính.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM